Nhìn lại một năm sau Phong trào Giấy trắng ở Trung Quốc
- Diệp Binh
- •
Vào một đêm mùa đông năm 2022 và những ngày tiếp theo, những cuộc kháng nghị và biểu tình quy mô lớn đầu tiên có yêu cầu chính trị kể từ khi đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 đã nổ ra trên đường phố của hàng chục thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc và tại một số khuôn viên trường đại học, yêu cầu chấm dứt tình trạng tàn bạo của cái gọi là “chính sách Zero-COVID linh động” để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đã được thực hiện gần 3 năm.
Lúc đó, những người biểu tình ở các nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải đã hô vang các khẩu hiệu chính trị “tự do, dân chủ và pháp quyền”, “không cần cách mạng văn hóa mà cần cải cách”, “không muốn chế độ độc tài, không muốn sùng bái cá nhân”, “Tập Cận Bình hạ đài”, “Đảng Cộng sản hạ đài”, “sửa lại kết luận sai Phong trào Lục Tứ“. Giữa những phản đối mạnh mẽ, chính quyền ĐCSTQ đã buộc phải vội vàng từ bỏ chính sách “Zero-COVID linh động” vài ngày sau đó. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập chính quyền, ĐCSTQ buộc phải thay đổi các chính sách đã thi hành của mình trong bối cảnh bị dư luận phản đối.
Vào thời điểm đó, nhiều người biểu tình đã cầm những tờ giấy trắng làm biểu tượng phản đối việc chính quyền kiểm soát ngôn luận, phong trào quần chúng gây chấn động trong và ngoài nước này còn được gọi là “Phong trào Giấy trắng” hay “Cách mạng Giấy Trắng”.
Những người biểu tình giờ ở đâu?
Trong và sau Phong trào Giấy trắng, cảnh sát trên khắp Trung Quốc đã tiến hành thanh lọc và giải quyết một cách mạnh mẽ đối với những người tham gia biểu tình. Nhiều người biểu tình đã bị cầm tù, trong đó có nhiều phụ nữ trẻ, như Lý Khang Mộng (Li Kangmeng), sinh viên Đại học Truyền thông Nam Kinh, biên tập viên Nhà xuất bản Bắc Kinh 26 tuổi Tào Chỉ Hình (Cao Zhixin) và nhà hoạt động từ thiện Quảng Châu 25 tuổi Dương Tử Kinh (Yang Zijin).
Phong trào Giấy trắng ở nhiều nơi nhanh chóng bị chính quyền đàn áp, gây lo ngại rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Ông Jeremy Laurence, phát ngôn viên của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nói với giới truyền thông: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền (ĐCSTQ) phản ứng với các cuộc biểu tình theo luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Không ai nên bị giam giữ một cách tùy tiện vì đã bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa.”
Hàm Ôn (Han Yun), một cô gái sinh sau năm 1995, sống ở Bắc Kinh, nói với VOA rằng nhìn lại gần 3 năm phong tỏa, xét nghiệm axit nucleic và “Đại Bạch” giống như một cơn ác mộng. Cô kể lại rằng khi nhìn thấy một cuộc biểu tình phản đối ở khu Lượng Mã Kiều (Liangmaqiao) trên mạng xã hội vào đêm hôm đó, cô đã không ngần ngại bỏ ra 50 hoặc 60 nhân dân tệ để bắt taxi đến hiện trường và nhận thấy xung quanh có rất nhiều cảnh sát và người mặc thường phục. “Nhưng tôi không hề hối hận, vì tôi biết nếu không đi đêm đó, Bắc Kinh sẽ phải đóng cửa không biết bao lâu. Chúng ta có thể vẫn phải trải qua những gì Thượng Hải đã trải qua vào thời điểm đó, chẳng hạn như bị phong tỏa ở nhà và ăn đồ ăn đắt tiền. Tất cả những điều này lại xảy ra lần nữa,” cô nói.
Một thanh niên Thượng Hải nói với VOA rằng anh ta bị bắt vào ngày hôm đó và bị đưa đến đồn cảnh sát trong 24 giờ, vì anh đã quay video cảnh sát mặc thường phục bắt người ở ngã tư đường Trung lộ Urumqi và đăng lên mạng. Trước khi được thả, anh này đã trao đổi thông tin liên lạc với một số thanh niên bị bắt khác.
Anh kể: “Tôi đến hiện trường và chụp một số bức ảnh, quay video. Tôi tình cờ đi đến ngã tư đường Urumqi và nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát cỡ trung. 5, 6 người (cảnh sát) áp giải một nam thanh niên vào xe cảnh sát. Sau đó, tôi đi qua và quay video dài hai giây. Tôi liên hệ với nhiều người trên Twitter, bao gồm cả ‘Phong trào Dịch thuật lớn’. Sau đó, họ đã giúp tôi chuyển tiếp (video) này và số lượng chuyển tiếp tương đối lớn. Vì vậy, tôi đã bị bắt vào ngày hôm đó. Bởi vì tôi có mặt ở hiện trường nên họ không cho phép tôi quay phim. Có rất nhiều cảnh sát và xe cảnh sát có mặt tại hiện trường, trong đó có cả nhân viên an ninh quốc gia mặc thường phục.
Họ dường như không muốn để người khác chụp ảnh. Vào ngày tôi bị bắt, lần đầu tiên tôi bị đưa đến Đồn cảnh sát Từ Gia Hối (Xujiahui). Có nhiều người bị bắt. Ở trong đồn cảnh sát tôi nghe thấy người bị đưa vào đó, anh ấy nói rằng vì đêm hôm trước, vào ngày 26, có rất nhiều người bị bắt nên một đồn công an không thể tiếp nhận họ, tất cả các đồn công an ở quận Từ Hối đều được sử dụng, có thể từ 7-8 người, được phân chia thành từng nhóm, từng đợt, mỗi đồn công an giam giữ vài người.”
Chàng trai Thượng Hải này cũng nói về nguyên nhân và khuyết điểm của Phong trào Giấy Trắng, một sự kiện biểu tình trên đường phố toàn quốc có tính đối kháng nhất trên toàn quốc kể từ sau sự kiện ngày 4/6/1989.
Anh nói: “Việc sự kiện này có thể diễn ra, cho thấy sự tức giận trong lòng người dân đã bùng lên. Bởi vì việc đóng cửa thành phố đã gây ra một số suy thoái kinh tế và gây mất việc làm, cho nên mới xảy ra biểu tình như thế. Nhưng tôi cảm thấy, mặc dù chưa đạt được nhiều tiến bộ lớn về thực chất, nhưng cũng có thể để lại một mô hình thu nhỏ trong lịch sử, ngày nay giới trẻ và sinh viên đại học vẫn sẵn sàng xuống đường bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng nếu có người tổ chức giỏi, mọi người hành động phân tán, ví dụ nhiều nơi đồng thời tiến hành hình thức này thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Vì số lượng cảnh sát có hạn. Nếu đối đầu trực tiếp, chúng ta không thể đối kháng với họ vì chúng ta không có vũ khí. Vì vậy, có thể sử dụng các cuộc kháng nghị lẻ tẻ ở nhiều nơi, giống như phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông, tức là chúng được tiến hành ở nhiều nơi cùng một lúc, làm như thế này, tôi cảm thấy từ góc độ chiến lược thì có thể tốt hơn một chút. Nhưng tôi không nghĩ mình hối hận khi tham gia hoạt động này. Nếu lần sau xảy ra thì tôi vẫn sẽ tham dự và lên tiếng ủng hộ.”
Ẩn dụ chính trị của lễ hội Halloween ở Thượng Hải
Trong lễ hội Halloween ở Thượng Hải vào cuối tháng 10 năm nay, thế hệ trẻ Thượng Hải đã mạnh dạn trút giận và phản ánh thái độ phê phán của họ đối với thực tế và chính trị. Đánh giá từ các video và hình ảnh trình diễn hóa trang lan truyền trên Internet, có những nhân vật hoạt hình chế giễu như những cô gái dán đầy giấy trắng lên người, Đại Bạch, xét nghiệm axit nucleic, Lỗ Tấn, nhân vật hoạt hình Gấu Pooh và nhân vật Trình Điệp Y trong phim “Bá Vương Biệt Cơ”, đều thể hiện sự bất mãn với ông Tập Cận Bình hay chính quyền ĐCSTQ. Người dơi đang đi bộ trên đường với một nhóm cảnh sát phía sau, khiến người ta liên tưởng đến nguồn gốc virus corona mới có thể liên quan đến virus corona ở loài dơi.
Hoàng Nghị Thành (Huang Yicheng), tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, người đã trả lời phỏng vấn tên thật với nhiều phương tiện truyền thông quốc tế về trải nghiệm tham gia Phong trào Giấy trắng Thượng Hải, nhận xét trên tạp chí trực tuyến “Nghị Báo” ở Mỹ: “Cuộc diễu hành Halloween năm 2023 ở Thượng Hải là hoạt động xã hội quy mô lớn nhất kể từ sau ‘Phong trào Giấy trắng’ ở đường Urumqi Thượng Hải. Số người tham gia lên đến hàng ngàn người. Mỗi nhà hoạt động đã vận dụng sự sáng tạo của mình và mang ‘tiết mục’ của riêng mình đến hiện trường, làm náo động đường phố Thượng Hải về đêm thành một bữa tiệc lưu động.”
- Người Trung Quốc tổ chức Halloween tưng bừng, hóa trang châm biếm nhà cầm quyền
- Giới trẻ Trung Quốc hóa trang Halloween để trút ‘bầu tâm sự’
- RFA: Cảnh sát Thượng Hải bắt giữ điều tra nhiều người hóa trang Halloween
Khúc Tử Xuyên (Qu Zichuan), một cư dân mạng tự nhận là người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, đã đăng bài viết trên mạng xã hội X, anh đánh giá cao những thanh niên hóa trang và những người mượn hoa để biệt đạt sự bất mãn của mình thông qua hoạt động tưởng niệm ông Lý Khắc Cường. Anh viết: “Theo tôi, các cosplayer người Thượng Hải thể hiện nhiều ‘ma’ khác nhau trong thực tế, bao gồm cả sự tiếp nối của tinh thần tuổi trẻ của Phong trào Giấy trắng … Người Hợp Phì lập kỷ lục 3 triệu người tự phát tỏ tưởng niệm ông Lý Khắc Cường: Người Hợp Phì thực sự đã mang lại cho An Huy Thậm chí người dân Trung Quốc chút thể diện. Người dân ở Thượng Hải và Hợp Phì đang thể hiện ngôn ngữ hành vi mà trước đây họ không thể diễn đạt được, và ngôn ngữ hành vi này có tính kéo dài vô cùng.”
Hàm Ôn, một người tham gia Phong trào Giấy trắng ở Lượng Mã Hà (Liangmahe), Bắc Kinh, chỉ ra rằng mặc dù các cuộc biểu tình trên đường phố của Phong trào Giấy trắng bị đàn áp dã man nhưng linh hồn của nó vẫn còn đó. Cô nói: “Sau Phong trào Giấy trắng, mọi người có thể đã trải qua một quá trình dần dần vượt qua nỗi sợ hãi. Sau khi ông Lý Khắc Cường qua đời, một số người đã gửi hoa để tưởng nhớ ông; vào dịp Halloween ở Thượng Hải, một số người đã dán giấy trắng khắp người. Vì vậy, tôi nghĩ, trên thực tế, bây giờ mọi người đang tìm kiếm một số cách nào đó để thể hiện quan điểm bản thân trên đường phố.”
Lời kêu gọi nhân đạo và yêu cầu chính trị của một sinh viên đại học
Một sinh viên đại học ở Bắc Kinh nói với VOA rằng trong Phong trào Giấy trắng, anh và các bạn cùng lớp bị nhốt trong khuôn viên trường và không được phép ra ngoài. Sau khi nhìn thấy cảnh biểu tình ở Thượng Hải, Bắc Kinh và những nơi khác trên mạng xã hội, anh ấy đã dán giấy trắng ở trường để lên tiếng ủng hộ.
Anh nói theo những gì mình biết, một số thanh niên tham gia Phong trào Giấy trắng đã bị bắt và mất tự do, những người này không nên bị lãng quên.
Anh nói: “Gần một năm đã trôi qua kể từ Phong trào Giấy trắng, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trước đây như Zero-COVID linh động cũng đã được dỡ bỏ. Mọi người dường như đã trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng cho đến nay, theo những gì tôi biết, vẫn còn rất nhiều thanh niên bị bắt vì tham gia Phong trào Giấy trắng, một số được tại ngoại sau khi bị bắt và hiện đang phải đối mặt với việc bị đàn áp chính trị như an ninh nhà nước quấy rối và hạn chế xuất cảnh. Ngoài ra còn một số người được biết là đang trong tình trạng bị bắt nhưng thông tin của họ không được thế giới bên ngoài biết đến. Tôi kêu gọi mọi người, một năm sau Phong trào Giấy trắng, đừng quên rằng những người trẻ tuổi này bị bắt và bị đàn áp này vì đấu tranh cho quyền của mọi người.”
Sinh viên đại học này cũng cho rằng các biện pháp phong tỏa điên rồ gây ra vô số thảm họa đều bắt nguồn từ hệ thống độc tài của ĐCSTQ và hệ thống này phải được thay đổi để tránh lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai. Anh nói: “Sự xuất hiện của một cuộc biểu tình theo phong cách phong trào tập thể quy mô lớn như vậy đã khiến chính quyền ĐCSTQ dỡ bỏ việc phong tỏa trên toàn quốc và cuối cùng buông bỏ nó. Nhưng mọi người cũng nên thấy rằng một hệ thống độc tài như vậy trước đây tùy tiện nhốt mọi người ở nhà suốt 3 năm, gây ra thảm họa lớn như vậy, nếu toàn bộ hệ thống không thay đổi, nếu cứ tiếp tục như vậy thì thảm họa tiếp theo sẽ xảy ra trong một tương lai không xa, thậm chí còn tồi tệ hơn cả đợt phong tỏa kéo dài 3 năm này. Vì vậy, cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền phải kiên trì tiếp tục.”
Một năm trước: Thảm kịch hỏa hoạn ở Urumqi gây ra làn sóng tưởng niệm nạn nhân
Từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 11/2022, đại dịch COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán đã gây ra thảm họa, khiến hàng chục triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và tử vong. Chính sách dịch bệnh phong tỏa nghiêm ngặt của ĐCSTQ đã trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến hết thảm họa nhân đạo bi thảm này đến thảm họa nhân đạo khác. Vụ cháy chung cư xảy ra ở Urumqi, Tân Cương vào ngày 24/11 là một trong những thảm họa do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt gây ra, và trở thành ngòi nổ cho Phong trào Giấy trắng.
Được biết, nguyên nhân khiến khu chung cư cao tầng nơi xảy ra hỏa hoạn có thương vong là do lực lượng phòng chống dịch bệnh đã phong tỏa lối thoát hiểm. Chính quyền cho biết 10 người đã thiệt mạng trong vụ cháy và đổ lỗi cho người dân trong tòa nhà vì khả năng phòng chống thiên tai và tự cứu hộ kém. Vào thời điểm này, các quốc gia khác trên thế giới đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa và trở lại cuộc sống bình thường vì tác hại của biến chủng Omicron đã giảm đi rất nhiều. Những người dân Urumqi giận dữ đã xuống đường để bắt đầu các cuộc biểu tình đầu tiên kêu gọi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Các hình ảnh vụ cháy chung cư và cuộc biểu tình của người dân lan truyền nhanh chóng trên Internet, thu hút sự chú ý rộng rãi. Sau đó, các buổi cầu nguyện dưới ánh nến được tổ chức gần như đồng thời ở một số thành phố của Trung Quốc để tưởng niệm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn.
Vào thời điểm đó, hình ảnh một sinh viên Đại học Truyền thông Nam Kinh giơ một tờ giấy trắng để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ cháy Urumqi và phản đối sự kiểm duyệt và đàn áp ngôn luận của chính quyền đã lan truyền trên Internet. Trong đoạn video trực tiếp về cuộc biểu tình được tổ chức trên đường Urumqi ở Thượng Hải, nhiều người đã cầm những tờ giấy trắng không có chữ để châm biếm phong tỏa ngôn luận. Tờ giấy trắng trong tay người biểu tình đã trở thành biểu tượng hàm súc của sự phản kháng.
Từ tối 26/11 đến sáng sớm 27/11/2022, nhiều thanh niên ở Thượng Hải đã tự phát tổ chức cầu nguyện tưởng niệm ít nhất 10 nạn nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Urumqi, Tân Cương.
Hoạt động tưởng niệm biến điệu, chĩa mũi nhọn vào Tập Cận Bình
Buổi cầu nguyện trên đường phố Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, đã biến thành một cuộc biểu tình rầm rộ. Đám đông biểu tình, chủ yếu là giới trẻ, hô vang các khẩu hiệu chính trị như “ĐCSTQ hạ đài”, “Tập Cận Bình hạ đài”, v.v, trước hàng trăm cảnh sát canh gác. Đây là lần đầu tiên trong ba năm qua kể từ khi chính quyền Tập Cận Bình thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Zero-COVID linh động”, người dân cùng nhau hô vang các khẩu hiệu chính trị nhắm vào ĐCSTQ và các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Điều này xảy ra chỉ 34 ngày sau khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba vào tháng trước đó.
Ngoài Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh, Quảng Châu, các thành phố lớn và vừa như Thiên Tân, Trùng Khánh, Thành Đô, Vũ Hán, Thâm Quyến, Hàng Châu, Lan Châu, Trịnh Châu, Tế Nam, Thanh Đảo và Chu Châu cũng có hoạt động biểu tình phản đối chính sách phòng dịch cực đoan và các biện pháp phong tỏa hạn chế tự do của người dân. Các cuộc biểu tình của sinh viên đã diễn ra ở nhiều trường đại học, bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Truyền thông Nam Kinh. Trong một số cuộc biểu tình này, bài “Quốc tế ca” và “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” (quốc ca của ĐCSTQ) cũng đã được phát. Những người biểu tình khác trích dẫn một câu nói nổi tiếng của một chính trị gia Mỹ thế kỷ 18: “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết!” (Give me liberty, or give me death!).
Khi Phong trào Giấy trắng bùng nổ khắp Trung Quốc, các sinh viên Trung Quốc sống rải rác ở Châu Âu, Châu Mỹ và Úc cũng hưởng ứng, và nó đã gây được tiếng vang mạnh mẽ trong một số Hoa kiều.
Vương Đan: Các yêu cầu chính trị của Phong trào Giấy trắng có thể bắt nguồn từ khẩu hiệu của sự kiện Cầu Tứ Thông
Ông Vương Đan (Wang Dan), một nhà khoa học chính trị và cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Thiên An Môn, nói với VOA vào thời điểm đó rằng phong trào phản kháng này rất sôi động. Ông nói: “Đặc biệt là nhiều thế hệ trẻ đã bắt đầu đứng lên. Tôi nghĩ đây là sự phát triển tất yếu của sự việc. Suy thoái kinh tế, chính sách phòng chống dịch bệnh và tình trạng thất nghiệp của giới trẻ đã dẫn đến sự bất mãn trên diện rộng của công chúng ở Trung Quốc. Nên nói rằng đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra.”
Ông Vương Đan sau đó đã đăng một bình luận trên YouTube, nói rằng tóm lại, tuần này có nhiều cuộc biểu tình trên đường phố hơn cả 10 năm qua cộng lại. Ngọn nguồn tất nhiên là từ biểu ngữ Cầu Tứ Thông của Bành Tái Chu (Peng Zaizhou, còn được gọi là Bành Lập Phát (Peng Lifa)).
Tại những nơi như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, cũng như ở một số trường đại học, những khẩu hiệu do người biểu tình hô vang đã lặp lại khẩu hiệu của ông Bành Lập Phát (tên thật là Bành Tái Chu) trong sự kiện Cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh vài tuần trước: “Không cần axit nucleic mà cần lương thực, không cần phong tỏa mà cần tự do, không cần dối trá mà cần tôn nghiêm, không cần Cách mạng Văn hóa mà cần cải cách, không cần lãnh tụ mà cần bầu cử, không cần nô tài mà cần công dân”, “Bãi miễn kẻ độc tài bán nước Tập Cận Bình”, và “ĐCSTQ hạ đài”, “Tập Cận Bình hạ đài”.
Sáng ngày 13/10/2022, ông Bành Lập Phát đã giăng biểu ngữ với khẩu hiệu trên tại cây cầu Tứ Thông sầm uất ở Bắc Kinh, trở thành người đầu tiên phá vỡ bầu không khí lễ hội giả tạo “chào mừng Đại hội 20 của ĐCSTQ” do ông Tập Cận Bình cẩn thận tạo ra, nhằm tìm cách tái nhiệm vô thời hạn. Ông Bành Lập Phát đã bị bắt tại hiện trường vụ việc và không còn tin tức gì kể từ đó.
Từ sự kiện cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, đến các hoạt động để tang tự phát trên đường Urumqi ở Thượng Hải, từ lúc ông Bành Lập Phát giăng biểu ngữ “Bãi miễn kẻ bán nước” đến người dân cùng hô “Tập Cận Bình hạ đài”, chỉ hơn 40 ngày trôi qua.
Bắc Kinh lo ngại cách mạng màu
Theo Wikipedia, sinh viên từ ít nhất 21 tỉnh và 207 trường cao đẳng và đại học đã phát động các cuộc biểu tình liên quan trên khắp các khu vực lớn ở Trung Quốc, bao gồm Hoa Bắc, Hoa Đông, Hoa Trung, Tây Bắc, Đông Bắc.
Tình trạng tập thể sinh viên trẻ bày tỏ sự bất bình với chính quyền rõ ràng là điều khiến các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ vô cùng lo sợ. Bộ Giáo dục Trung Quốc ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bí thư cấp ủy ĐCSTQ và hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học trên cả nước, yêu cầu tất cả các trường giáo dục bậc cao phải làm tốt công tác tư tưởng đối với sinh viên, và ngăn chặn nghiêm ngặt sinh viên hợp tác với nhau, đặc biệt là sự can thiệp của thế lực nước ngoài.
Vào ngày 27/11, Nhân dân Nhật báo, tờ báo của ĐCSTQ, đã đăng một bài bình luận nhấn mạnh rằng các chính sách phòng ngừa và kiểm soát có thể chịu được thử thách của lịch sử. Sáng sớm ngày hôm sau, Tân Hoa Xã liên tiếp đưa ra 3 bài bình luận về thời sự, nhắc lại phải kiên quyết thực hiện chính sách “Zero-COVID linh động”.
Ngày 28/11, ông Trần Văn Thanh, Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, chủ trì cuộc họp và nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên quyết trấn áp các hoạt động xâm nhập, phá hoại của các thế lực thù địch theo luật pháp, kiên quyết trấn áp các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm gây rối trật tự xã hội, giữ vững ổn định chung của xã hội một cách có hiệu quả.
Các nhà quan sát chỉ ra rằng bất cứ khi nào gặp khủng hoảng lớn, thay vì xem lại chính mình, thì ĐCSTQ lại đổ lỗi cho các thế lực thù địch nước ngoài và lấy danh nghĩa đó để bắt giữ, đàn áp người dân. Đây là một thủ pháp quen dùng của chính quyền ĐCSTQ.
Tuy nhiên, vào ngày 27/11, tại hiện trường cuộc biểu tình ở Lượng Mã Hà ở Bắc Kinh, có người nói rằng “các thế lực phản Hoa ở nước ngoài” can thiệp vào, nhưng đã ngay lập tức bị những người biểu tình phản bác và cười nhạo.
Một thanh niên mặc áo trắng nói: “Chúng tôi thậm chí không thể truy cập Internet nước ngoài, thì chúng tôi lấy đâu ra thế lực nước ngoài? Làm sao thế lực nước ngoài có thể liên lạc với chúng tôi?”
Một người khác hét lên: “Có phải vụ cháy ở Tân Cương là do thế lực nước ngoài gây ra không? Xe buýt Quý Châu Có phải bị ngoại bang lật đổ không?”
Ngày 18/9 năm đó, một chiếc xe buýt chở người bị cách ly liên quan đến dịch bệnh đã bị lật ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, khiến 27 người thiệt mạng. Một số nhà bình luận chỉ ra rằng các nạn nhân của vụ tai nạn này đã trở thành cái giá phải trả cho việc chính quyền Tập Cận Bình kiên quyết thực hiện “chính sách Zero-COVID linh động”.
Từ khóa Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc Phong trào Giấy trắng Halloween biểu tình ở Trung Quốc