Những sự kiện nổi bật nhất tại Trung Quốc Đại Lục năm 2017
- Tuyết Mai
- •
Dưới đây là những sự kiện nổi bật tạo nên cơn sốt thông tin, được công chúng Trung Quốc Đại Lục quan tâm nhiều nhất trong năm 2017.
1. Bạo hành trẻ em tại nhà trẻ Hồng Hoàng Lam – Bắc Kinh
Năm 2017 Trung Quốc Đại Lục bùng nổ các trường hợp bạo hành trẻ em, trong đó khiến dư luận chú ý nhất là trường hợp nhà trẻ Hồng Hoàng Lam (Bắc Kinh) và nhà trẻ của công ty Ctrip (Thượng Hải).
Ngày 22/11, nhiều phụ huynh gửi con tại nhà trẻ Hồng Hoàng Lam (Xanh – Vàng – Đỏ) ở khu Triều Dương – Bắc Kinh tiết lộ con cái của họ bị châm kim, cho uống thuốc gì màu trắng không rõ, bị hành hạ và thậm chí bị xâm hại tình dục.
Buổi chiều cùng ngày có 8 phụ huynh đi đến đồn cảnh sát báo cáo vụ việc. Ngày 23/11, báo Tin tức Bắc Kinh đưa tin, sau đó hàng loạt cơ quan truyền thông khác truyền tải lại, nhiều phụ huynh tiết lộ nhà trẻ này có bối cảnh quan to quân đội Trung Quốc. Tin tức đã gây phẫn nộ trên mạng Internet Trung Quốc. Cổ phiếu của tập đoàn Hồng Hoàng Lam lập tức sụp giá trên thị trường chứng khoán New York.
Hình ảnh các phụ huynh chia sẻ vụ việc với truyền thông
Vụ việc gây chú ý rộng khắp trong cộng đồng, tuy nhiên những chia sẻ và video do các phụ huynh phát tán nhanh chóng bị xóa bỏ. Các phương tiện truyền thông cũng nhận được thông báo cấm đưa tin. Ngày 25/11, cảnh sát Bắc Kinh ra thông báo lập tức bắt cái gọi là “kẻ tung tin không đúng sự thật”, một giáo viên bị tình nghi ngược đãi trẻ em cũng bị bắt.
Vào đêm 28/11, cảnh sát Bắc Kinh tiếp tục có thông báo bác bỏ thông tin ngược đãi trẻ em và cho trẻ uống loại thuốc không rõ ràng, cho biết thiết bị giám sát bị hỏng, các phụ huynh “thông tin không đúng”. Kết quả lại gây bùng nổ làn sóng phẫn nộ, mọi người ào ào nguyền rủa chính quyền trên mạng, nhưng những chỉ trích đều nhanh chóng bị xóa bỏ, mạng Internet bị kiểm soát chặt chẽ.
Trường hợp tương tự xảy ra tại nhà trẻ của công ty Ctrip tại Thượng Hải cũng khiến công luận căm phẫn.
>> Vụ bạo hành trẻ gây chấn động Bắc Kinh: Phụ huynh bị uy hiếp, sự thật bị che giấu?
2. Bắc Kinh xua đuổi nhiều lao động phổ thông nhập cư
Ngày 18/11 xảy ra sự cố cháy lớn ở quận Đại Hưng thành phố Bắc Kinh làm 19 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Sau đó, các nhà chức trách lấy lý do an toàn đã cưỡng chế giải tỏa trên diện rộng nhiều khu nhà cho thuê, yêu cầu mọi người cư trú trong những “khu vực nguy cơ” phải ra khỏi nhà ngay lập tức, trong vòng 3 ngày không đi sẽ bị cắt điện nước. Sự kiện khiến hàng chục ngàn người dân trở thành người vô gia cư, một số lượng lớn người phải ngủ trên đường phố trong đêm lạnh giá.
Khi chính quyền cưỡng ép xua đuổi càng mạnh thì độ tức giận của người dân càng lớn. Tệ hơn là khi một số tổ chức từ thiện phi chính phủ ra tay giúp đỡ những người bị xua đuổi thì họ lại bị chính quyền ngăn cản. Sau đó có hàng ngàn trí thức đã công bố thư chung lên án cách làm này “vi hiến”, “xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.”
Sự kiện xua đuổi những người lao động nhập cư thu nhập thấp này cũng khiến dư luận quốc tế chú ý, dưới phản ứng dữ dội của công luận, cuối cùng chính quyền đã buộc phải “tạm đình chỉ” lệnh trục xuất.
>> Loạt video đập phá chỗ ở và càn quét lao động nhập cư ở Bắc Kinh
3. Bỏ dùng than đá, thay bằng khí gas
Cơ quan môi trường Bắc Kinh vì khắc phục tình trạng khói mù ở Bắc Kinh, Thiên Tân và các vùng lân cận, đã ra lệnh cấm dùng than đá (thay thế bằng khí thiên nhiên). Nhưng vấn đề là một số dự án đường ống dẫn khí chưa hoàn thành, thêm vào là tình trạng thiếu thốn nguồn khí đốt và giá cả tăng đột biến làm khủng hoảng nghiêm trọng nguồn khí sưởi ấm tại các vùng Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Tây, Sơn đông, Hà Nam, thậm chí có tin đồn nhiều người bị chết cóng.
Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc chế nhạo: “Quyết tâm của nhà nước rất lớn, địa phương chấp hành siêu hiệu quả. Ngay lập tức nhiều nơi đã treo biển đe dọa kẻ nào đốt than đá, bán than đá sẽ bị bắt. Nhiều gia đình bị ép phá hủy bếp than, bịt ống khói…”
Tình trạng thiếu nguồn khí sưởi ấm đã kéo theo nhiều nhóm người xuống đường phản đối chính sách này. Trước nguy cơ dân sinh nghiêm trọng trong những ngày chớm đông này, ngày 04/12 Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã gửi công văn khẩn yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm dùng than, theo đó sửa đổi cho những nơi nào mà dự án “đổi than thay khí” chưa hoàn thành thì vẫn được phép dùng than sưởi ấm.
Nhưng nhiều người dân phẫn nộ hỏi: “Bếp bị tháo dỡ hết thì lấy gì đốt cháy than?”
>> Triệu hộ dân Trung Quốc khổ sở vì giá rét do thiếu nguồn khí sưởi ấm
4. Vụ án mạng Lý Văn Tinh liên quan đến kinh doanh đa cấp
Buổi tối ngày 14/7, thi thể của tốt nghiệp sinh Đại học Đông Bắc Trung Quốc tên Lý Văn Tinh được tìm thấy trong một vũng nước ở quận Tịnh Hải – Thiên Tân. Khi còn sống Lý Văn Tinh đã được gặp trực tiếp ông chủ tuyển dụng việc làm, không ngờ bị lừa vào một tổ chức kinh doanh đa cấp.
Vụ việc đã khiến hàng triệu người chú ý và thảo luận trên Internet. Sau án mạng, có 5 đối tượng liên quan bị bắt. Nhưng kết luận cuối cùng của cảnh sát là “Tai nạn bất ngờ, không tạo thành vụ án hình sự.”
Quận Tĩnh Hải – Thiên Tân luôn là tâm điểm kinh doanh đa cấp, năm 2006 từng xảy ra vụ án lừa đảo đa cấp “bướm nụ hoa” (Điệp Bội Lôi) chấn động Trung Quốc, khi đó số người tham gia đến 500.000 người, liên quan đến số tiền 2 tỷ nhân dân tệ, số người phạm tội bao phủ 30 thành phố trên toàn quốc. Sau 11 năm, tổ chức này lại hoạt động trở lại, Lý Văn Tinh trở thành nạn nhân mới.
Cùng ngày Lý Văn Tinh bị hại, thi thể một thanh niên khác tên Trương Siêu mới tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Nội Mông Cổ cũng được phát hiện tại ở quận Tây Thanh – Thiên Tân.
Trong năm nay ở Trung Quốc Đại Lục đã xảy ra nhiều trường hợp người bị giết liên quan đến kinh doanh đa cấp. Đây chỉ là một góc của núi băng. Nhiều người đã lên án nhiều tổ chức kinh doanh đa cấp này được chính quan chức nhà nước bảo kê.
5. Vụ án nữ nghiên cứu sinh Giang Ca du học tại Nhật Bản
Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 03/11/2016 tại một căn hộ trọ ở Nakano, Tokyo, Nhật Bản. Hôm đó nữ nghiên cứu sinh Giang Ca cùng người bạn thân Lưu Hâm trở về phòng trọ đã bị bạn trai cũ của bạn thân Lưu Hâm tên là Trần Thế Phong (cũng là du học sinh Trung Quốc tại Nhật Bản) đâm chết trước cửa căn hộ.
Sau vụ án mạng, bà Giang Thu Liên, mẹ của nạn nhân chia sẻ lên mạng xã hội tiết lộ mối quan hệ của hung thủ với Lưu Hâm, và cho biết con gái của bà chết vì chặn dao cho bạn thân Lưu Hâm, nhưng sau vụ án Lưu Hâm thường xuyên né tránh gặp bà Giang Thu Liên, người nhà của Lưu Hâm còn đối xử lạnh lùng với bà. Bà Giang cũng nghi ngờ liệu có phải Lưu Hâm vào phòng khóa cửa lại làm Giang Ca mất cơ hội trốn thoát. Hàng loạt nghi vấn liên quan đến đạo đức của Lưu Hâm được cư dân mạng Trung Quốc đặt ra, trở thành một trong những sự kiện gây tranh luận nóng nhất trên mạng xã hội Trung Quốc.
Mẹ của Giang Ca đã khởi xướng thu thập chữ ký yêu cầu chính phủ Nhật phải xử tử hình hung thủ họ Trần. Ngày 01/12, bà nộp hơn 4,5 triệu chữ ký đến Tòa án địa phương ở Tokyo, nhận được đồng tình tuyệt đối của người dân Trung Quốc Đại Lục.
Phiên tòa vụ án Giang Ca mở tại Tokyo từ ngày 11/12, một số lượng lớn phóng viên Trung Quốc Đại Lục đã đổ xô đi Tokyo hy vọng sẽ được tham dự, tòa án chỉ có thể tuyển chọn cho 30 người từ danh sách hơn 300 người xin tham dự.
Vụ xét xử kéo dài trong vài ngày, và phán quyết vào ngày 20/12, hung thủ Trần Thế Phong đã bị kết án 20 năm tù.
Mời xem tiếp Phần 2
Tuyết Mai
Từ khóa bạo hành trẻ em than đá đuổi lao động nhập cư sự kiện nổi bật Trung Quốc 2017