Nội tình cuộc chiến giành địa vị “hạt nhân” Tập Cận Bình (1)
- Mộc Vệ
- •
Hiện nay, chính ông Tập Cận Bình mới thực sự là “lãnh đạo hạt nhân thế hệ thứ ba”, có lẽ danh xưng “Tập hạt nhân” xuất hiện sớm nhất trong tọa đàm của ông giáo sư Mã Tuấn (Majun) thuộc Ban Nghiên cứu Chiến lược Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Có nhận định, bài phát biểu của giáo sư Mã Tuấn không chỉ giúp đội vương miện hạt nhân cho ông Tập Cận Bình mà còn đẩy ông Giang Trạch Dân ra khỏi “ngôi báu” lãnh đạo hạt nhân Trung Quốc thế hệ thứ ba.
Ngày 27/10, sau khi bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 18, ông Tập Cận Bình chính thức xác lập địa vị “hạt nhân”.
Do được nhiều nhân vật chính trị quan trọng ủng hộ, việc xác lập được địa vị “hạt nhân” đã tăng thêm quyền lực cho ông Tập Cận Bình. Có bình luận cho rằng, thực tế địa vị hạt nhân của ông Giang Trạch Dân trước đây chưa được thông qua và trao quyền trong nội bộ ĐCSTQ.
Vào tháng 11/2012, sau khi ông Hồ Cẩm Đào bàn giao chức Tổng Bí thư và “rút lui toàn diện”, ông Tập Cận Bình chính thức trở thành lãnh đạo đời thứ năm của ĐCSTQ. Tháng 3/2013, theo thông lệ, ông Tập Cận Bình được nhậm chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc.
Trong thời gian chưa tới 4 năm nhưng phe ông Tập Cận Bình đã tập hợp được những nhân vật quan trọng chấp nhận địa vị hạt nhân của ông Tập Cận Bình ngay khi “hạt nhân Giang” vẫn còn sống, nguyên nhân quan trọng vì ông Tập Cận Bình kiểm soát được quân đội, tập trung quyền lực thành công. Ngoài ra, hoạt động chống tham nhũng với việc thanh trừng hơn 200 quan to cấp Bộ và Tỉnh đã giúp họ Tập thêm oai phong, loại bỏ nhiều trở ngại để hướng đến địa vị hạt nhân.
Ông Tập Cận Bình đoạt quân quyền
Từ tháng 11/1989 đến tháng 9/2004 là thời gian dài 15 năm quân quyền nằm trong tay ông Giang Trạch Dân. Giới truyền thông ngoài dòng chính Trung Quốc thường bình luận rằng, ông Giang đã trọng dụng quan chức sa đọa để trị nước, dung túng đề bạt kẻ vô lại vào quân đội để xây dựng vây cánh; đặc biệt là sau năm 1999 khi ông Giang phát động đàn áp Pháp Luân Công với mật lệnh “đánh chết xem như tự sát”, từ đây lại kéo theo tội ác mổ cướp nội tạng những người tập Pháp Luân Công… ; vì nợ máu quá nhiều nên ông này lo lắng nếu bị mất quyền lực sẽ đối diện nguy cơ bị trả thù, do đó phải liều mạng níu kéo quyền lực.
Năm 1999, ông Giang Trạch Dân trao quân hàm Thượng tướng cho ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, sau đó lại phong hai người này làm Phó Chủ tịch Quân ủy. Năm 2002, sau khi ông Giang bàn giao chức Tổng Bí thư lại phát động “chính biến quân sự” trong Đại hội 16, ép Bộ Chính trị đồng ý cho Giang làm Chủ tịch Quân ủy thêm hai năm.
Trước Đại hội 18 năm 2012, Quách và Từ đã giúp Giang “buông rèm quản chính sự”, khống chế ông Hồ Cẩm Đào. Ông Dương Xuân Trường (Yang Chunchang), nguyên Phó ban Kiến thiết Quân đội Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc từng nói công khai, “ông Từ Tài Hậu khống chế cả lãnh đạo Quân ủy”.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, ông Giang Trạch Dân lại tiếp tục muốn duy trì sức ảnh hưởng trong quân đội thông qua Quách và Từ, muốn khống chế tiếp ông Tập Cận Bình.
Tờ Minh Báo của Hồng Kông chỉ ra, cuối năm 2007, ông Tập Cận Bình đã được các phe cánh trong ĐCSTQ đồng ý sẽ lên thay ông Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội 18, nhưng ông Tập lại chưa được hệ thống quân đội thừa nhận, mãi đến Hội nghi toàn thể lần thứ 5 ĐCSTQ khóa 17 thì ông Tập Cận Bình mới được giao thêm chức Phó Chủ tịch Quân ủy, những trở ngại này chủ yếu do ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng gây ra. Người ta đã nửa đùa nửa thật nhắc đến câu nói được cho là của ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng: “Để nó (chỉ ông Tập Cận Bình) làm 5 năm rồi cuốn xéo!”
Năm 2004, ông Tân Tử Lăng (Xin Ziling), Chủ nhiệm Phòng Biên soạn “Trung Quốc đương đại” thuộc Đại học Quốc phòng, cựu Giám đốc Nhà Xuất bản Học viện Quân sự Trung Quốc chia sẻ với đài VOA (Mỹ): “Chuyện này không được giải quyết thì ông Tập Cận Bình làm sao có thể đứng vững được? Tấm gương ông Hồ Cẩm Đào còn đó. Nhưng điều kiện của ông Hồ Cẩm Đào hoàn toàn khác nên không cứng được như ông Tập Cận Bình”.
Ông Tân Tử Lăng cũng cho biết, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã không còn chịu khuất phục ông Giang Trạch Dân.
Như đã biết, để tránh vết xe đổ của người tiền nhiệm, sau Đại hội 18, ông Tập Cận Bình bắt đầu đẩy mạnh chống tham nhũng trong quân đội.
>> “Đấu trường sinh tử” giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình: Con át chủ bài
Từ Tài Hậu “ngã ngựa”
Khoảng 6 giờ chiều ngày 30/6/2014, ông Tập Cận Bình chủ trì triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị quyết định khai trừ khỏi Đảng ông Từ Tài Hậu (71 tuổi). Thông báo đưa ra: “Ngày 15/3/2014, Trung ương ĐCSTQ căn cứ theo Điều lệ Kỷ luật Đảng quyết định tiến hành điều tra vấn đề tình nghi vi phạm kỷ luật đối với ông Từ Tài Hậu”.
Khi chấp nhận điều tra là lúc mà ông Từ Tài Hậu đang sống một mình trong căn phòng tại Bệnh viện 301, nhưng khi đó không phải do Cục Cảnh vệ Trung ương phụ trách mà do Bộ đội Đặc chủng Không quân được đích thân ông Tập Cận Bình quản lý, đã trông coi nghiêm mật 24/24. Ngày 30/6, ông Từ Tài Hậu chính thức bị bắt, bị đưa khỏi bệnh viện khi căn bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối.
Cùng lúc, ông thư ký Đổng Chấn Ba (Dong Zhenbo) của họ Từ bị đưa từ hạm đội Bắc Hải về Bắc Kinh, còn tiền quỹ công ty mới thành lập trị giá 2 tỷ nhân dân tệ bị đóng băng để điều tra.
Theo thông tin, người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế đối với ông Từ Tài Hậu là Kiểm sát trưởng Quân sự Giải phóng quân, trước khi sự việc xảy ra, ngay cả những tướng lĩnh như Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long (Fan Changlong) và Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trương Dương (Zhangyang) đều hoàn toàn không biết gì. Người hạ lệnh bắt chính là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.
Truyền thông Hồng Kông dẫn ý kiến của một nhà quan sát chính trị Bắc Kinh cho rằng, trong màn kịch này ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã chịu rất nhiều sức ép phản công của Chu và Từ. Nếu ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn nhượng bộ thì rất có thể thế cờ sẽ bị lật ngược, họ Tập và họ Vương sẽ bị thủ tiêu.
“Loại được Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, về cơ bản là đợt tổng tấn công toàn diện của ông Tập Cận Bình”, nhà quan sát này nói.
Có phân tích cho rằng, tội thực sự của ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu là từng dùng binh quyền tham gia vào vụ chính biến của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang.
Ngày 6/2/2012, ông Vương Lập Quân đã mang theo tài liệu mật chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ, ngày 14/2 cùng năm ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Mỹ một tuần. Sau đó, tờ Ngọn đèn tự do Washington của Mỹ tiết lộ, tài liệu của ông Vương Lập Quân liên quan đến âm mưu chính biến để phế bỏ kế hoạch tiếp quản quyền lực vào Đại hội 18 của ông Tập Cận Bình. Phó Tổng thống Mỹ Biden đã cung cấp chứng cứ về âm mưu chính biến của Bạc và Chu cho ông Tập Cận Bình biết.
Ngày 14/2/2014, truyền thông tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc Đại lục đưa tin, trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã giao lại hồ sơ mật về âm mưu chính biến này cho ông Tập Cận Bình, trong hồ sơ đề cập đến nhiều nhân vật chính trị quan trọng trong bộ máy quyền lực Trung Quốc. Theo thông tin, trong các tài liệu mà ông Vương Lập Quân giao cho phía Mỹ có cả tài liệu liên quan đến vấn đề Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, vấn đề mổ cướp nội tạng Pháp Luân Công. Ông Từ Tài Hậu tham gia có chiều sâu trong âm mưu chính biến phái Giang và tội ác mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công của hệ thống quân đội Trung Quốc.
Ngày 27/10/2014, ông Từ Tài Hậu bị đưa ra truy tố.
Ngày 15/1/2015, cơ quan quyền lực của quân đội Trung Quốc lần đầu công bố “Danh sách đả hổ”, trong 16 quan to quân đội ngã ngựa có 15 người mang quân hàm Thiếu tướng trở lên, trong đó 5 người là tướng cấp phó của Đại quân khu trở lên. Sau đó, trang mạng của quân đội Trung Quốc đã đăng bài bình luận cho biết, những thông tin này đã được người dân truyền tai nhau, nhưng việc cơ quan quyền lực của quân đội Trung Quốc công khai thông tin không khỏi làm nhiều người phải kinh ngạc.
Ngày 15/3/2015, ông Từ Tài Hậu qua đời vì bệnh ung thư.
>> Sự thật về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc
Bốn Bộ Tư lệnh cùng ủng hộ ông Tập Cận Bình
Sau khi ông Từ Tài Hậu bị bắt đã tạo hiệu ứng rõ ràng, các tướng quân đứng đầu các bộ tư lệnh đều cùng lên tiếng ủng hộ ông Tập Cận Bình.
Ngày 19/1/2015, báo Quân đội Trung Quốc đã đăng trên trang nhất bài viết “Bốn tổng bộ học theo tinh thần trong phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 ĐCSTQ khóa 18”. Theo đó đăng tải phát biểu của các tư lệnh cùng lên tiếng biểu thị ủng hộ ông Tập Cận Bình gồm: Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc là Phường Phong Huy (Fang Fenghui), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trương Dương (Zhangyang), Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Triệu Khắc Thạch (Zhao Kedan), Tổng cục trưởng Tổng cục Trang bị Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia).
Quách Bá Hùng “ngã ngựa”
Ngày 22/11/2014, truyền thông ngoài dòng chính Trung Quốc chia sẻ thông tin do một tướng lĩnh cấp cao đã nghỉ hưu cung cấp cho biết, ông Tập Cận Bình đã hạ quyết tâm phải thanh lọc bộ máy quân đội, sau Từ Tài Hậu sẽ tính sổ Quách Bá Hùng, nhiều quan to theo Quách cũng sẽ bị xử lý.
Vừa bước vào năm 2015 đã xuất hiện vô số điềm gở liên quan đến vận mệnh chính trị của ông Quách Bá Hùng. Nhiều quan to dưới trước Quách bị xử lý: Phó Chính ủy Phạm Trường Bí (Fan Changbi) của Quân khu Lan Châu bị điều tra, Phó Chính ủy Quân khu Bắc Kinh Hoàng Kiến Quốc (Huang Jianguo) bị cách chức (không rõ số phận ông này), Phó Tư lệnh Lai Sách Nghĩa (Lai Ceyi) của binh đoàn xây dựng Tân Cương bị cách chức, sau đó con trai của Quách Bá Hùng là Quách Chính Cương (Guo Zhenggang) vừa lên chức Phó Chính ủy Quân khu Chiết Giang được 46 ngày thì bị lập án điều tra.
Ngày 30/7/2015, Bộ Chính trị Trung Quốc xử lý khai trừ Đảng đối với Quách Bá Hùng và giao Quách cho Viện Kiểm sát Tối cao xử lý.
Ngày 25/7/2016, Quách Bá Hùng bị xử tù vô thời hạn. Tại tòa, Quách Bá Hùng cho biết không kháng án.
Quách Bá Hùng vừa bị xử lý thì trên báo Tân Kinh đăng bài viết kiểm kê lại động thái chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đối với hệ thống quân đội. Theo bài viết, ông Tập Cận Bình nhiều lần đi thị sát khắp các cơ quan quân đội và thường xuyên nhắc đến đẩy mạnh chống tham nhũng trong hệ thống này.
Ngày 10/10/2016, ông Tập Cận Bình mở Hội nghị chuyên đề “Nghiên cứu xử lý triệt để những ảnh hưởng độc hại của Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng”. Các ông Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng đã phát biểu nhấn mạnh “phải loại bỏ triệt để những ảnh hưởng độc hại, trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình…”
Bài viết điểm lại, tính từ tháng 10/2014, sau lần ông Tập Cận Bình mở Hội nghị Công tác Chính trị toàn quân tại Phúc Kiến đến nay, giới tướng lĩnh cấp cao đã không dưới 10 lần cùng hô to câu khẩu hiệu “Quét sạch tàn dư ảnh hưởng của Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng”.
Thanh trừng “thủ lĩnh đặc biệt phái Giang”
Tháng 5/2016, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên cử 10 tổ Kiểm tra Kỷ luật tấn công vào các cơ quan thuộc quân ủy và các chiến khu. Ngày 9/7, ông Điền Tu Tư (Tian Xiusai), nhân vật số một của Không quân Trung Quốc và là thân tín của ông Từ Tài Hậu bị xử lý, trở thành Thượng tướng thứ ba (cấp bậc chỉ sau Quách Bá Hùng) bị ngã ngựa kể từ sau Đại hội 18.
Ông Điền Tu Tư được mệnh danh là “thủ lĩnh đặc biệt trong quân đội phái Giang”, có thời gian hơn 40 năm nằm vùng ở Tân Cương, Lan Châu. Tân Cương là địa bàn một thời nằm trong quyền thao túng của ông Chu Vĩnh Khang.
Có thông tin chỉ ra, Điền Tu Tư có liên quan đến vụ án làm nổ ga xe lửa Tân Cương vào ngày 1/5/2014. Sáng ngày 30/4, ông Tập Cận Bình đến thăm nhà thờ đạo Hồi tại thủ phủ Tân Cương Urumchi, còn trạm xe lửa nơi xảy ra vụ nổ ở cách chưa đầy 4 km. Giới phân tích cho rằng, đây là thái độ đe dọa ông Tập Cận Bình. Ngay buổi tối hôm đó, ông Tập Cận Bình ra chỉ thị: “Cuộc đấu tranh chống khủng bố không được lơi lỏng một khắc, phải hành động kiên quyết, phải xử lý triệt để bọn khủng bố hung hăng”.
Trong lý lịch cá nhân của ông Điền Tu Tư cho thấy ông này lập được nhiều công trạng, có thế lực hùng hậu trong quân đội. Sau năm 2002 thì sự nghiệp ông Điền Tu Tư phát triển tăng tốc, cùng thời kỳ ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu nắm quyền lực trong quân đội.
Tháng 2/2012, sau vụ ông Vương Lập Quân chạy trốn và Bạc Hy Lai ngã ngựa, Quách Bá Hùng đã nỗ lực đề bạt Điền Tu Tư, đã đưa Điền lên Thượng tướng trước khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào tháng 7/2012, tháng 10/2012 được chuyển sang thống lĩnh lực lượng không quân.
Sáng ngày 5/7/2016, ông Điền Tu Tư cùng người vợ đã bị bắt ngay tại tư gia, còn thư ký của họ Điền cũng bị bắt cùng lúc ở Thẩm Quyến.
Từ Đại hội 18 đến nay, nhiều quan to của hệ thống không quân đã bị thanh trừng, trong đó có nguyên Trưởng ban Hậu cần Không quân Chu Hồng Đạt (Zhu Hongda), Chính ủy Vương Ngọc Phát (Wang Yufa) của Không quân Quân khu Quảng Châu, Phó Chủ nhiệm Trần Hồng Nham (Chen Hongyan) của Ban Chính trị Không quân Quân khu Bắc Kinh…
>> Mời xem tiếp Phần 2
Mộc Vệ (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Chu Vĩnh Khang Giang Trạch Dân Từ Tài Hậu Quách Bá Hùng Bạc Hy Lai Tập Cận Bình