Nút thắt từ thương chiến Mỹ-Trung đến biểu tình Hồng Kông: Chính trị độc tài
- Tuyết Mai
- •
Quan hệ Mỹ-Trung đã đi vào ngõ cụt do chiến tranh thương mại, còn phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ của người Hồng Kông đã diễn biến thành “cuộc chiến sinh tử”. Bề ngoài tưởng như nguyên nhân hai sự kiện này hoàn toàn tách biệt, nhưng có chuyên gia Mỹ đã chỉ ra gốc rễ chung đằng sau những hiện tượng này: thế giới quan bằng không (nhỏ mọn) và thái độ ứng xử lợi mình hại người của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tình hình Hồng Kông hiện nay dường như đang đi vào bế tắc khi chính quyền không muốn nhượng bộ, khuynh hướng đối đầu bạo lực giữa người dân và chính quyền cũng đang leo thang. Để giải thích lý do cơ bản phía sau cục diện này, ngày 12/8 tờ The Atlantic (Mỹ) đã công bố bài viết của chuyên gia Michael Schuman phụ trách tin Bắc Kinh thường trú tại Bắc Kinh. Trong bài viết có tựa đề “Hồng Kông cho thấy khiếm khuyết của thế giới quan bằng không (nhỏ mọn) của Trung Quốc (ĐCSTQ)” (Hong Kong Shows the Flaws in China’s Zero-Sum Worldview), ông Schumann đã thẳng thừng chỉ ra trong thế giới quan của Bắc Kinh chỉ có quyền lực và cách để mở rộng quyền lực của họ, ít chú ý đến lợi ích của người khác.
Về vấn đề này, chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về các vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cũng từng nhận định, “Xưa nay chính quyền Bắc Kinh luôn chỉ nhìn ra bên ngoài, đặc biệt là khi lý giải nguyên nhân sai lầm hoặc vấn đề môi trường chiến lược trở nên tồi tệ hơn, họ thường không cảm thấy cần phải nhìn lại chính họ, trái lại có xu hướng đổ lỗi cho đối phương bên ngoài.” Trong bài viết, Schumann cũng trích dẫn quan điểm của Bonnie Glaser, cho rằng mặc dù miệng lưỡi Bắc Kinh thường nhấn mạnh khẩu hiệu “win-win” (hai bên cùng thắng), nhưng trong hành động thực tế hoàn toàn trái ngược.
Về vấn đề Hồng Kông, Schumann nhận định ĐCSTQ và những người thân Bắc Kinh đang cố gắng phá bỏ thành trì bảo vệ tự do của người Hồng Kông là thỏa thuận “một nước hai chế độ”, dẫn đến hoạt động biểu tình không ngừng leo thang, khiến cho thiên đường thương mại Hồng Kông chìm vào hỗn loạn.
Tác giả chỉ ra thái độ chỉ thấy lỗi người khác và đối sách chỉ biết lợi cho mình này khiến mỗi chính sách mà Bắc Kinh thiết kế đều bất cần ý kiến bên ngoài. Không chỉ về vấn đề Hồng Kông, mà cả trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng thấy rõ điều này. Bắc Kinh luôn lên án Tổng thống Mỹ Trump là người khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng Schumann phản bác rằng chính phủ ĐCSTQ luôn làm ngơ trước bất mãn của Mỹ về chính sách thương mại không công bằng kéo dài, còn Tổng thống Trump chỉ đáp trả cách làm của Bắc Kinh. Trong các lần đàm phán song phương, giới lãnh đạo Bắc Kinh luôn chối bỏ trách nhiệm trong cuộc chiến thương mại, thậm chí định vị Trung Quốc là nạn nhân của “quyền lực ngoài tầm kiểm soát ở Washington”. Ông phân tích thái độ chỉ biết lợi mình hại người này liên quan đến chế độ độc tài, bởi vì với văn hóa thể chế độc tài ĐCSTQ, thì việc nhận sai lầm về mình bị xem là ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín (người lãnh đạo).
Để lừa bịp người dân trong nước, về đối nội thì ĐCSTQ thường xuyên nhào nặn công lao của họ trong chống lại “phần tử chủ nghĩa đế quốc nước ngoài”. Schumann cho biết, những người Trung Quốc trải qua cảnh bị cường quốc phương Tây xâm lược cũng mang tâm lý muốn Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, ĐCSTQ đang lợi dụng điều này để khiến người Trung Quốc tin rằng “lợi ích của họ quan trọng hơn lợi ích của người khác”.
Tác giả cũng phân tích những mánh khóe Bắc Kinh thường dùng để đạt được mục tiêu. Thứ nhất là “dùng tiền giải quyết vấn đề”, ví dụ trong giai đoạn đầu cuộc chiến thương mại, ĐCSTQ đã cố gắng mua chuộc chính phủ Trump bằng cách mua một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ. Thứ hai là “uy hiếp’, biện pháp này thể hiện rõ qua những cách đáp trả của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Trong vấn đề Hồng Kông hiện nay ĐCSTQ cũng áp dụng các mánh khóe tương tự. Trước tiên muốn dùng tiền mua chuộc người Hồng Kông, đã hứa hẹn rằng chỉ cần thuận theo Bắc Kinh là túi sẽ đầy tiền. Khi tiền không thể khiến người dân Hồng Kông hy sinh tự do, Bắc Kinh lập tức chuyển hướng dùng thủ đoạn tàn bạo để đàn áp tự do dân chủ của Hồng Kông. Schumann nhấn mạnh, dường như thủ đoạn đe dọa là vũ khí kiểu mẫu của ĐCSTQ. Nếu Bắc Kinh không thay đổi cách tiếp cận, tiếp tục duy trì quan điểm tự cho mình là trung tâm và gia cố thế giới quan chỉ biết lợi cho mình, vậy thì thế giới cũng không dễ dàng đáp ứng mong muốn của họ.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông chiến tranh thương mại Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ