Sau làn sóng vay mượn đầu tư chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông qua đi, tình hình tài chính tại huyện Sùng Lễ, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc trở nên nguội lạnh. Đằng sau cái gọi là “thịnh hội” Olympic của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là sự sụp đổ của bất động sản, đóng cửa doanh nghiệp và tình trạng thất nghiệp. 

Embed from Getty Images

Một tấm biển sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) được trưng bày tại một khách sạn ở Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, vào ngày 4/12/2021. (Ảnh: Getty)

Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa tin vào ngày 31/1, kể từ khi Bắc Kinh khởi động nỗ lực đăng cai Thế vận hội Mùa đông ở Sùng Lễ vào năm 2013, chi tiêu tài chính hàng năm của huyện này đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt mức cao nhất là 3,6 tỷ nhân dân tệ (NDT) vào năm 2019, chủ yếu là do đầu tư vào cơ sở vật chất liên quan đến thể thao. Ngược lại, doanh thu tài chính trong cùng thời kỳ này lại tăng chưa đến ⅔, chỉ đạt 572 triệu NDT.

Huyện Sùng Lễ, thuộc thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, là một trong ba trung tâm lớn của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Huyện này hiện đang phải đối mặt với tình trạng sụp đổ tài chính. Lý Giang (Li Jiang), Cục trưởng Cục Tài chính Sùng Lễ, cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 11 năm ngoái rằng huyện đang đối mặt với sự thiếu hụt “lớn” về kinh phí cho các dự án liên quan đến Olympic. Chính quyền cấp cao hơn vẫn chưa hoàn trả lại các khoản thanh toán của Sùng Lễ cho các hoạt động này, “những vấn đề này cần phải được giải quyết ngay lập tức”, ông Lý Giang nói.

Ngoài việc bội chi cho Thế vận hội Mùa đông, huyện Sùng Lễ cũng giống như các chính quyền địa phương khác của ĐCSTQ, cũng phải chịu những tổn thất do Bắc Kinh đàn áp tín dụng ngành bất động sản, cũng như cái gọi là chính sách “zero COVID” dẫn đến các tổn thất như doanh nghiệp dừng hoạt động,  người lao động thất nghiệp.

Giá nhà tại Sùng Lễ từng tăng vọt sau khi Bắc Kinh đăng cai tổ chức Thế vận hội, nhưng thị trường nhanh chóng hạ nhiệt sau một loạt chính sách hạn chế việc mua nhà, chẳng hạn như hạn chế người không phải là người dân địa phương. Việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản cũng là một đòn chí mạng khác đối với ngành bất động sản địa phương này.

Theo trang web bất động sản “Khách an cư” (Anjuke.com), giá trung bình của một ngôi nhà đã hoàn thiện ở Sùng Lễ đã giảm hơn 1/3 trong vòng 4 năm qua. Việc này cũng đã ảnh hưởng đến doanh thu bán đất của huyện, thấp hơn 22% so với mục tiêu của chính quyền vào năm 2020.

Daniel Li, người điều hành một cửa hàng thiết bị trượt tuyết gần Công viên tuyết Genting, một trong những địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông, cho biết: “Thế vận hội đã ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi”, do chính sách “zero COVID” đã dẫn đến các làng nghỉ mát đóng cửa từ tháng 1 đến tháng 3, anh không cách nào chi trả tiền thuê cửa hàng thiết bị trượt tuyết trị giá 20.000 NDT mỗi năm. Trong tháng này anh đã rời khỏi huyện Sùng Lễ để đến nơi khác tìm việc.

Anh nói: “Do quy định của chính sách, nên mùa trượt tuyết mà chúng tôi phụ thuộc vào để kiếm sống, đã phải kết thúc sớm. Chúng tôi không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào cho những tổn thất của mình.”

Suy thoái kinh tế và các hạn chế trong phòng chống dịch đã tàn phá việc làm ở Sùng Lễ. Nhiều quản lý cấp cao của khu nghỉ mát trượt tuyết cho biết doanh thu giảm hơn một nửa vào năm 2020, mặc dù nó đã trở lại mức trước đại dịch vào năm ngoái, nhưng đến năm 2022 thì lại tiếp tục giảm.

“Không nhìn thấy tương lai tươi sáng”, một quản lý cấp cao tại một khu nghỉ mát trượt tuyết lớn ở Sùng Lễ cho biết.

Ông Vương Đan (Dan Wang), chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc) cho biết: “Theo quy luật phổ biến, Thế vận hội sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước chủ nhà.” “Đối với Trung Quốc mà nói  có thể càng là như thế, bởi vì (Bắc Kinh) coi trọng ảnh hưởng chính trị nhiều hơn chứ không phải là ảnh hưởng đến tài chính.”

Theo hồ sơ công khai, thành phố Trương Gia Khẩu tỉnh Hà Bắc là một trong những thành phố có tỷ lệ GDP trên nợ cao nhất nước, tỷ lệ này tăng từ 30% vào năm 2018 lên 48% vào năm 2020.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: