‘Ông hoàng livestream’ Lý Giai Kỳ vạ miệng, chạm vào nỗi đau của giới trẻ Trung Quốc
- Trí Đạt
- •
Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi), còn được goi là “ông hoàng livestream” hay “ông hoàng son môi” của Trung Quốc, đã có nói câu nói được cho là “đụng chạm” đến nỗi đau của giới trẻ nước này trong một buổi livestream bán hàng hôm 10/9. Khi đó anh đang quảng cáo cho một thương hiệu bút chì kẻ mày Huaxizi (sản phẩm nội địa) có giá 79 nhân dân tệ, một số khán giả để lại bình luận nói rằng thương hiệu này ngày càng đắt tiền và Lý Giai Kỳ đã lập tức phản bác lại: “Đôi khi bạn phải tự tìm lý do ở chính mình, bao nhiêu năm qua lương có tăng hay không? Có làm việc chăm chỉ chưa?”
Phát ngôn của Lý Giai Kỳ đã gây sốt trên mạng xã hội và khiến cư dân mạng phẫn nộ. Có người để lại bình luận:
“Anh kiếm tiền của người bình thường, nhưng cuối cùng lại cười nhạo sự nghèo khó của người bình thường.”
“Người trẻ tuổi nằm ườn và mặc kệ không phải là vì không muốn nỗ lực, không phải vì không muốn kiếm tiền, mà là không có cơ hội.”
“Mọi thứ đều tăng lên, nhưng lương không tăng trong 3 năm mà lại còn giảm, là trách chúng tôi không chăm chỉ làm việc?”
Lý Giai Kỳ mất hàng triệu người theo dõi chỉ sau một đêm. Sóng gió trên Internet này bất ngờ phản ánh hoàn cảnh suy thoái kinh tế của Trung Quốc và tình trạng thất nghiệp của thanh niên.
Trong sáu tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã đạt mức cao kỷ lục, lần lượt từ 17,3%, 18,1%, 19,6%, 20,4%, 20,8% và 21,3% trong các tháng từ tháng 1 đến tháng 6, nghĩa là cứ 5 thanh niên từ 16 đến 24 tuổi thì có hơn 1 người thất nghiệp. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ không công bố dữ liệu liên quan từ tháng 8 nữa.
Mặt khác, ngành bất động sản, chiếm 1/3 tổng tài sản ở Trung Quốc, đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng toàn diện. Các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, với nhiều dự báo thấp hơn mục tiêu khoảng 5% của Chính phủ.
Ông Lưu Tiêu (Liu Qiao), Viện trưởng Học viện Quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, vài tháng trước đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không bước vào một “xã hội ít ham muốn” vì mức thu nhập hiện tại của người dân vẫn còn quá thấp.
Lý Giai Kỳ là một trong những người livestream thành công nhất ở Trung Quốc. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc trích dẫn “Danh sách 100 người livestream có thu nhập ròng hàng năm hàng đầu của Trung Quốc (khu vực Đại Lục) vào năm 2021” cho biết, thu nhập hàng năm của Lý Giai Kỳ lên tới 1,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,3 tỷ đồng).
Lý Giai Kỳ chính thức tham gia Taobao Live vào năm 2017 và trở thành người livestream bán hàng. Năm 2018, vào sự kiện ngày 11/11 của Tmall, anh đã lập kỷ lục bán được 15.000 thỏi son trong 5 phút, mang về cho anh danh hiệu “ông hoàng son môi”. Các chương trình phát sóng trực tiếp của anh quảng cáo các sản phẩm từ thực phẩm, mỹ phẩm và đồ nội thất gia đình. Theo các thông tin, mỗi tối livestream bán hàng anh bán được hàng hóa với tổng giá trị lên đến hàng triệu đô la Mỹ.
Các nhà phê bình cho rằng bình luận của Lý Giai Kỳ là thiếu tế nhị vào thời điểm hàng triệu thanh niên Trung Quốc phải đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm.
Nhưng sự tức giận cũng đã mở ra một cửa sổ cho mọi người nhìn thấy sự vỡ mộng lan rộng trong giới trẻ Trung Quốc. “Trong các bình luận trên mạng xã hội phản ứng lại vụ việc của Lý Giai Kỳ, tôi thấy một Trung Quốc đang sụp đổ”, một dòng tweet viết.
Những người hâm mộ Lý Giai Kỳ chủ yếu là phụ nữ trẻ ở Trung Quốc. Họ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế, nhiều bài đăng trên mạng xã hội cho thấy họ đang vật lộn để kiếm sống như thế nào và số tiền họ chi tiêu không tỷ lệ thuận với mức lương của họ.
Một số cư dân mạng nữ cho biết, trong suốt 3 năm xảy ra dịch bệnh, lương không tăng dù chỉ một xu, tiêu dùng giờ chỉ giới hạn ở những nhu cầu thiết yếu hàng ngày, số khác lại cho rằng 11 năm trước họ vừa tốt nghiệp với mức lương hàng tháng 6.000 tệ (khoảng 20 triệu đồng). Hôm nay, 11 năm sau, đã lấy chồng, sinh con nhưng lương tháng là 5.000 tệ. Một số người còn cho biết lương trong nhà nước đã giảm 22%, “Bây giờ tôi được trả hơn 2.000 nhân dân tệ, khối lượng công việc gấp nhiều lần so với trước đây. Bạn có nghĩ điều đó là hợp lý không?”
Một người khác viết: “Những công việc phải làm thì vẫn làm như trước, không hề ít đi, cần tăng ca thì vẫn tăng ca như trước, không ít đi, nhưng công ty nói không có tiền, không có dự án, không nhận tiền, phúc lợi ngày lễ tết đều bị cắt không còn chút nào, phát được mấy chục tệ tiền quà sinh nhật thì khấu trừ thuế trong tiền lương, mọi người nói xem có phải là nên trách chúng ta làm việc không chăm chỉ chăng?”
“Rui mu shi pin” đã phát động một cuộc thăm dò trên weibo, hỏi cư dân mạng xem lương của họ có được tăng trong 3 năm qua hay không, hơn 60% trong số 17.000 cư dân mạng tham gia bỏ phiếu cho biết không có tăng lương, gần 30% cho biết lương của họ đã giảm và chỉ có 10% cho biết lương của họ được tăng.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cũng đăng một bài báo chỉ trích Lý Giai Kỳ, nói rằng: “Nhiều người nổi tiếng và người livestream trên Internet rất khiêm tốn trước khi kiếm tiền, nhưng lại trở nên rất kiêu ngạo sau khi kiếm được tiền. Nhưng bất cứ ngành nghề nào cũng không tách rời được người phổ thông, những người luôn phải tính toán cẩn thận chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Một khi đã ‘nổi’, liền quên mục đích ban đầu là làm tốt dịch vụ, thì chắc chắn sẽ bị từ chối và đào thải.”
Nhà bình luận Lý Lâm Nhất ở New York đã phân tích vì sao sự việc này lại gây ra hậu quả lớn đến mức truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng phải can thiệp: “Với sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, chất lượng cuộc sống của người dân bình thường ở Trung Quốc cũng dần giảm sút. Sự việc của Lý Giai Kỳ đã tạo ra một kênh để người dân Trung Quốc trút giận, hoặc nó gây ra sự cộng hưởng của người dân với cuộc sống nghèo khó, đó là lý do tại sao nó lại gây ra ồn ào lớn như vậy.”
“Không phải ĐCSTQ không biết điều này. Mục đích can thiệp của họ là để ‘dẫn đầu xu hướng’, chĩa mũi dùi vào những người livestream như thế này để giúp người dân trút giận, từ đó trốn tránh trách nhiệm của chính họ (ĐCSTQ) khi khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, từ góc độ nào đó của ĐCSTQ mà nói, họ cũng không dám làm lớn chuyện, nếu không họ sẽ lại bắt đầu lo lắng về sự bất ổn của chính quyền.”
Đây không phải là lần đầu tiên Lý Giai Kỳ vướng vào tranh cãi, ngày 3/6/2022, anh giới thiệu chiếc bánh kem hình xe tăng trong một buổi livestream, buổi livestream sau đó bị gián đoạn và ngoại giới suy đoán rằng anh đã động chạm đến sự kiện “Lục Tứ” (sự kiện Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, bị cấm vì vi phạm cấm kỵ chính trị. Sau khi biến mất 109 ngày, anh trở lại vào tháng 9 cùng năm trong phòng livestream Taobao.
Sau sự lỡ lời lần này, Lý Giai Kỳ đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi và thừa nhận lời nói của mình không phù hợp: “Tôi là nhân viên bán hàng tại quầy mỹ phẩm và tôi biết rằng công việc của mọi người đều vất vả và không hề dễ dàng. Những gì tôi nói đã cô phụ sự mong đợi của các bạn.” Tuyên bố này không thể dập tắt được sự giận dữ của người hâm mộ và anh lại xin lỗi trong nước mắt khi livestream vào ngày hôm sau.
Về việc xin lỗi này, nhiều cư dân mạng vẫn không chấp nhận, và một số người chỉ ra rằng tội lỗi của Lý Giai Kỳ ngày càng lớn hơn, bởi vì anh ta bất ngờ trở thành một người khai sáng tư tưởng, “Anh ta khiến mọi người bắt đầu suy nghĩ đến việc làm việc chăm chỉ nhưng ngày càng có ít tiền hơn, tiền trong xã hội đều biến mất.”
“Thực ra cách nói của Lý Giai Kỳ và chính quyền đều có ý nghĩa giống nhau, đều là để người dân suy nghĩ lại, nhưng chúng được thể hiện theo những cách khác nhau. Cả hai đều để người dân bình thường phản ánh, vì trước giờ họ đều không bao giờ để các ông chủ suy nghĩ lại.”
Một số cư dân mạng còn hỏi: “Không phải Bộ Ngoại giao nói rằng nền kinh tế Trung Quốc ổn định và cải thiện sao?”
Chủ đề “79 nhân dân tệ có ý nghĩa gì đối với người bình thường” cũng trở nên phổ biến trên mạng internet ở Trung Quốc Đại Lục, nhiều cư dân mạng cho rằng số tiền này đủ trang trải chi phí sinh hoạt của họ trong vài ngày.
Từ khóa thất nghiệp ở Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc Lý Giai Kỳ