Đại hội 19, kỳ họp quyết định thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hội nghị Bắc Đới Hà, một diễn đàn của các cán bộ lão thành chính trịmới là nơi diễn ra cuộc chiến quyền lực không công khai.

tap-can-binh

Ngày 9/5, Oriental Daily News của Hồng Kông đăng bài bình luận, mỗi lần ĐCSTQ tiến hành thay đổi nhân sự thì các cựu ủy viên thường trực đã nghỉ hưu đều đặc biệt “quan tâm”, ai cũng muốn sắp xếp cho người của mình ngồi vào chiếc ghế trong Bộ Chính trị, không thì sẽ bố trí đề bạt từ địa phương lên trung ương nhằm duy trì sức ảnh hưởng. Việc làm này khiến giới chức cấp cao của ĐCSTQ không thể không thỏa hiệp để cân bằng các phương diện.

Tuy nhiên, Hội nghị Bắc Đới Hà vào mùa hè năm nay không giống với những năm trước. Vì Đại hội 19 ĐCSTQ sẽ diễn ra vào mùa thu, nên Hội nghị Bắc Đới Hà lần này sẽ là hồi gõ nhịp cuối cùng để tiến hành họp bàn việc tuyển chọn các thành viên cho trung ương Đại hội 19. Sẽ có khoảng vài trăm nguyên lão cấp phó và vài chục nguyên lão cấp trưởng cấp quốc gia, tất cả đều muốn sử dụng cơ hội đến nghỉ ngơi tại Bắc Đới Hà này để thể hiện sự “quan tâm” và đề đạt “kiến nghị”.

Bài bình luận cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện rõ sự ngán ngẩm đối với việc “quan tâm” quá mức của các nguyên lão đã nghỉ hưu và muốn loại bỏ sự can thiệp của họ vào việc lựa chọn nhân sự của Đại hội 19.

Cựu Thường ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang không phải là “đại lão hổ” duy nhất trong quan trường Trung Quốc. Có rất nhiều gia tộc của các nguyên lão đã về hưu cũng giống như gia tộc ông Chu Vĩnh Khang, có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng thủ đoạn để tích lũy tài sản.

Gần đây, nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố hai điều: Thứ nhất, viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thiết lập cơ sở để công dân có thể tố cáo quan chức, không có giới hạn đối tượng bị tố cáo, có thể trực tiếp tố cáo quan chức cấp quốc gia hay các lãnh đạo cấp thường vụ; Thứ hai, đề xuất quy định mới, các quan chức bắt buộc phải khai báo sở hữu tài sản tại nước ngoài và tình hình cư trú tại nước ngoài của thân nhân trong gia đình. Việc tạo ra thể chế cho phép tố cáo trực tiếp các quan chức cấp quốc gia chính là để hình thành uy hiếp đối với gia tộc của các nguyên lão.

Năm 2012 khi tiến hành Đại hội 18 đã diễn ra các cuộc phân tranh kịch liệt gọi là “lão nhân can chính”. Thời đó ông Giang Trạch Dân đã bố trí được các ông Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ v.v. vào vị trí thường ủy viên Bộ Chính trị.

Tờ “The Economist” của Anh từng đăng bài nhận định, ông Tập Cận Bình đang muốn bố trí những người ủng hộ các chính sách cải cách vào Bộ Chính trị, đồng thời cũng muốn tránh hệ thống chính trị ‘hai mang’ giống như thời của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, khi mà phần lớn nhân sự của Bộ Chính trị là người của ông Giang Trạch Dân. Ngoại giới hiện nay đều nhìn nhận rằng ông Tập Cận Bình đang thể hiện rõ quyết tâm thực hiện cải cách.

Theo nhà báo nổi tiếng Khương Duy Bình nhận định, tại Hội nghị Bắc Đới Hà vào năm 2015, thuộc hạ của ông Chu Vĩnh Khang là Chu Bản Thuận từng có ý định làm chính biến, trong đó người đứng sau được xác định là ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng. Khi vụ việc bại lộ thì ông Chu Bản Thuận bị “ngã ngựa”. Các sự việc tương tự để làm rối loạn cục diện hoàn toàn có thể sẽ xuất hiện lần nữa tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay.

Tự Minh

Xem thêm: