Ông Tập liên tiếp “mất người” trong cuộc chạy đua vào Đại hội lần thứ 20
- Bình Minh
- •
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình và các lực lượng chống Tập đang ở trong một cuộc chơi gay cấn, và thành viên của “Tân binh Chiết Giang” đã mất thêm vài vị tướng.
Trong trận chiến Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, gần đây quân của ông Tập Cận Bình liên tiếp gặp sự cố. Ngoài việc tướng Vương Vĩnh Khang rút lui hoàn toàn về “tuyến hai”, ông Chu Giang Dũng, cựu ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Chiết Giang, kiêm Bí thư Thành ủy Hàng Châu, cũng bị khai trừ kép vào ngày 26/1. Ông Từ Lập Nghị (Xu Liyi), Bí thư Thành ủy Trịnh Châu, một quan chức khác được coi là “Tân binh Chiết Giang” (người mới thuộc phe ông Tập ở Chiết Giang), cũng bị cách chức.
Phe ông Tập Cận Bình mất thêm một tướng Vương Vĩnh Khang
Ngày 26/1, ông Vương Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Phó Tỉnh trưởng Hắc Long Giang, “Tân binh Chiết Giang”, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang, đã bị cách chức và lui về tuyến hai.
“Dwnews.com” đăng bài công bố rằng đây “không phải là một tin tốt” với ông Vương Vĩnh Khang, và chỉ ra rằng ông ấy sẽ mất tư cách để được đề cử vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hắc Long Giang.
Ông Chu Giang Dũng, cựu Bí thư Thành ủy Hàng Châu, bị khai trừ kép
Ngày 26/1, ông Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang, kiêm cựu Bí thư Thành ủy Hàng Châu, bị khai trừ kép (khai trừ đảng và chức vụ) và bàn giao cho cơ quan tư pháp.
Theo trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc hôm 26/1, ông Chu Giang Dũng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang, kiêm nguyên Bí thư Thành ủy Hàng Châu, đã bị khai trừ khỏi cơ quan công quyền và ĐCSTQ. Những tội danh bị tình nghi của ông đã được chuyển đến viện kiểm sát xem xét và truy tố.
5 tội danh của ông Chu được công bố, gồm: Phối hợp với người thân nhận tài sản khổng lồ bất hợp pháp, tham ô kiểu gia đình và tội “câu kết với tư bản, hỗ trợ việc mở rộng tư bản gây mất trật tự” hiếm gặp.
Ngày 19/1, tập thứ 5 của chuyên đề phim chống tham nhũng “Không khoan nhượng” của ĐCSTQ, có tên “Vĩnh viễn ở trên đường” (Always on the Road), đã được phát sóng. Bộ phim tiết lộ chi tiết về các giao dịch tiền và quyền lực quy mô lớn của ông Chu Giang Dũng, đề cập đến việc ông này sử dụng quyền lực để hỗ trợ công ty công nghệ của em trai mình là ông Chu Kiện Dũng liên tiếp giành được các dự án thanh toán di động cho tàu điện ngầm như Ninh Ba và Ôn Châu, và thu được cổ phiếu giá cao từ “một số công ty”.
Ông Chu Giang Dũng đã hỗ trợ các công ty này có được đất giá thấp và các chính sách ưu đãi. Bộ phim đã chỉ ra rằng “thực chất đằng sau việc chuyển nhượng quyền lợi là giao dịch quyền lực và vốn.”
Theo giới thiệu của bộ phim, khối tài sản mà anh em ông Chu Giang Dũng và Chu Kiện Dũng chiếm được đều dựa trên giao dịch quyền lực và tiền bạc. “Nếu không có sức mạnh của tôi, thì cậu ấy (Chu Kiện Dũng) chẳng là gì cả, và nếu không có sự giúp đỡ của tôi, cậu ấy cũng không làm nổi điều gì,” ông Chu Giang Dũng cho biết trước ống kính.
Được biết, ông Chu Kiện Dũng, em trai của ông Chu Giang Dũng, là phó giáo sư và doanh nhân tại Học viện Quản lý của Đại học Bách Khoa Thượng Hải, là cổ đông của 4 công ty, trong đó có Công ty TNHH Công nghệ Thương mại và Công nghiệp Vĩnh Nhuận, Ninh Ba; đồng thời tham gia vào các lĩnh vực hóa dầu, thanh toán tàu điện ngầm và dữ liệu lớn.
Trong phim, ông Chu Kiện Dũng thừa nhận rằng cổ phiếu của công ty ông ấy thường được bán với giá cao. “Các anh cũng biết rằng tôi là em trai của ông Chu Giang Dũng, vì vậy anh có thể hình dung mức giá mà tôi đưa ra. Các anh lợi dụng tôi, sao tôi lại không thể quay ngược lại lợi dụng các anh?”
Theo thông tin công khai, ông Chu Giang Dũng sinh tháng 9/1967, quê ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, từng là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Ba; Thị trưởng, Bí thư Thành ủy Chu Sơn; kiêm Bí thư Thành ủy Ôn Châu. Tháng 6/2017, ông Chu Giang Dũng giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang, và được thăng cấp Thứ trưởng, tiếp tục kiêm nhiệm chức Bí thư Thành ủy Ôn Châu. Tháng 5/2018, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hàng Châu.
Ngày 21/8/2021, ông Chu Giang Dũng chính thức bị công bố tiến hành điều tra.
Sau khi ông Chu Giang Dũng ngã ngựa, tờ “China Economic Weekly” đưa tin rằng vợ của ông là phó bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch hội đồng giám sát của một ngân hàng thương mại nông thương nghiệp tại Ninh Ba. Đơn tố cáo vợ ông cho rằng bà ấy “chỉ có một chức danh treo ở đây, hiếm khi bà ấy đến đây, và kiếm được hàng chục triệu nhân dân tệ (NDT) mỗi năm”, nhiều “như hoa tuyết giữa mùa đông” (10 triệu NDT gần bằng 1,57 triệu USD).
Tháng 10 năm ngoái, Đoàn kiểm tra Trung ương số 4 đóng tại tỉnh Chiết Giang, và tiếp tục nhận được đơn tố cáo bằng tên thật.
Ngoài ra, tờ “Tuần báo Phượng Hoàng” Bắc Kinh từng đưa tin, công ty của ông Chu Kiện Dũng có hợp tác kinh doanh với Ant Group. Người ta nói rằng gia đình ông Chu Kiện Dũng đã chi 500 triệu NDT (khoảng 78.569.000 USD) để mua trước cổ phiếu mà Ant Group dự định phát hành ra công chúng và được hoàn lại 520 triệu NDT nếu việc niêm yết không thành công. Ant Group đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 22/8 năm ngoái bác bỏ tin đồn này.
Ông Từ Lập Nghị, Bí thư Trịnh Châu, bị cách chức vì thất trách
Sau trận lũ lớn “ngày 20/7” gây thương vong nghiêm trọng tại Trịnh Châu, ngày 2/8, Quốc vụ viện ĐCSTQ, do ông Lý Khắc Cường kiểm soát, đã tuyên bố thành lập một nhóm điều tra vào năm ngoái, nhằm truy cứu hành vi thất trách.
Ngày 21/1 năm nay, Quốc vụ viện đã ban hành một “báo cáo điều tra”, nói rằng các lãnh đạo chủ chốt tại Trịnh Châu đã không báo cáo thông tin về những người chết và mất tích trong thảm họa theo quy định; cố tình che giấu việc báo cáo và che giấu thông tin mà họ đã có.
Sau đó, có thông báo rằng ông Từ Lập Nghị, Bí thư Trịnh Châu, bị cách chức do công tác phòng chống thiên tai không hiệu quả.
Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn tin rằng ông Từ Lập Nghị thuộc phe thân tín của ông Tập Cận Bình. Lần này, ông Từ bị nội bộ đảng cách chức để kiểm điểm, trong tương lai có khả năng ông sẽ bị điều tra hình sự vì hành vi thất trách. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc chiến giành ghế trong Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Do đó, báo cáo này không chỉ đánh mạnh vào nỗ lực của chính quyền trong việc tạo thanh thế cho Đại hội lần thứ 20, mà còn đánh vào phe của ông Tập Cận Bình về mặt sắp xếp nhân sự, làm nổi bật cuộc đấu đá ngày càng gay gắt và công khai trong nội bộ đảng trước Đại hội.
Ông Lý Hằng Thanh, một nhà kinh tế người gốc Hoa, nói rằng ông Từ Lập Nghị là thành viên của “Tân binh Chiết Giang”, đã được thăng chức 7 lần trong 5 năm, cho đến khi trở thành Bí thư Thành ủy Trịnh Châu, kiêm thành viên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam.
Ông Lý Hằng Thanh tin rằng việc phát hành báo cáo điều tra là kết quả của sự đối kháng. Hiện giờ là thời điểm quan trọng đối với Đại hội lần thứ 20.
Người ta nói rằng ông lẽ ra đã vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20. Lần này, ông ấy bị sa thải vì thất trách, và vì ông ấy che giấu không báo cáo. Nhưng cuộc điều tra kéo dài nửa năm cho thấy tiền đồ của ông đang gặp cảnh “nước rất sâu và sức cản rất lớn.”
Ông Lý Hằng Thanh nói, lần này là một bước lùi lớn đối với ông Tập Cận Bình, khi vài tướng lĩnh của ông liên tiếp gặp sự cố.
Rốt cuộc cuối cùng bao nhiêu người có thể trở thành đại biểu của Đại hội lần thứ 20 và bao nhiêu người được vào đoàn chủ tịch, bao nhiêu người có thể bước vào hàng ngũ các ủy viên Trung ương và ủy viên dự khuyết của Đại hội lần thứ 20?
Nếu phe ông Tập Cận Bình mắc sai lầm, nhiều người sẽ không thể lọt vào những vị trí đó.
Bình Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Chính trị Trung Quốc Tập Cận Bình