Ông Tập “xuống giọng”, chuyên gia chỉ ra 8 nỗi sợ của ĐCSTQ trong năm 2022
- Thiên Bình
- •
Tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa qua, ông Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu được giới chuyên gia nhận định là “hoàn toàn hạ giọng”. Điều này cho thấy chính quyền Trung Quốc hiện đang vô cùng lo lắng về diễn biến của tình hình quốc tế trong năm 2022. Dựa trên bài phát biểu của ông Tập và các báo cáo nghiên cứu liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một nhà bình luận đã chỉ ra 8 mối lo sợ thâm sâu của Bắc Kinh vào năm 2022.
Trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 17/1 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã đưa ra 4 đề xuất. Thứ nhất là cùng nhau nắm tay vượt qua đại dịch, tích cực hợp tác nghiên cứu và phát triển dược phẩm, đảm bảo phân phối vắc-xin một cách công bằng, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, thu hẹp “khoảng cách miễn dịch” quốc tế. Thứ hai là giải quyết các mối nguy cơ và thúc đẩy sự phục hồi ổn định của nền kinh tế thế giới. Thứ ba là xóa bỏ ranh giới về phát triển và vực dậy sự nghiệp phát triển toàn cầu. Thứ tư là từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh, thực hiện chung sống hòa bình, các bên cùng có lợi.
Giọng điệu của ông Tập cho thấy phong cách “sói chiến” vào những năm trước và thái độ hung hăng của ĐCSTQ đã được kiềm chế rất nhiều trong năm nay.
Dựa trên nội dung bài phát biểu của ông Tập Cận Bình và những báo cáo nghiên cứu liên quan đến Trung Quốc của The Epoch Times, vào ngày 26/1, nhà phê thời sự Vương Hách cũng đã chỉ ra 8 mối nguy cơ chính sẽ khiến ĐCSTQ vô cùng lo sợ vào năm 2022.
1. Virus corona liên tục có những biến thể mới và chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ đã thất bại
Việc đóng cửa Tây An vào ngày 23/12/2021 cho thấy tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc khác với những gì các nhà chức trách đã tuyên bố. Việc ĐCSTQ phong tỏa thông tin, bịa đặt số liệu, cùng những yếu tố khác như chính sách “zero COVID”, vắc-xin xuất hiện vấn đề v.v, khiến tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc càng trầm trọng hơn. Khi đó, những cái gọi là “lợi thế thể chế”, “lợi thế chính sách”, “độc lập công nghệ” và “ngoại giao đại dịch” của ĐCSTQ đều sẽ bị phá sản.
2. Định hướng phân tách chuỗi cung ứng khiến thế giới bớt phụ thuộc vào ĐCSTQ
Dự kiến vào tháng 2/2022, Hoa Kỳ sẽ ban hành “Báo cáo Rà soát và Đánh giá Chuỗi Cung ứng Toàn diện”, tăng cường các chính sách phong tỏa công nghệ có tính nhắm thẳng và nhanh chóng thu hồi những chuỗi cung ứng then chốt. Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ, được coi là nền tảng để chống lại cuộc chiến công nghệ với ĐCSTQ, khả năng cao sẽ được thông qua và thực thi (Thượng viện đã thông qua với số phiếu cao vào ngày 8/6/2021). Các dự luật thẩm định về chuỗi cung ứng của Đức và EU có khả năng đạt được tiến bộ, từ đó kiểm soát những vấn đề liên quan như nhân quyền, biến đổi khí hậu v.v. Ngoài ra, các nước phương Tây có thể tăng cường thuộc tính địa chính trị của chuỗi cung ứng cũng như thúc đẩy việc phân tách chuỗi cung ứng theo địa khu.
3. Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và châu Âu đã thay đổi, điều này hạn chế chính sách tiền tệ của ĐCSTQ và gây tác động đến nền kinh tế Trung Quốc.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hoa Kỳ và châu Âu đã thực hiện các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo nhằm thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, tuy nhiên lạm phát vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Vào năm 2022, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm kiềm chế lạm phát; nhiều người dự đoán rằng họ sẽ tăng lãi suất và thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của mình. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh nhìn chung cũng đã củng cố lập trường thắt chặt tiền tệ. Trong lúc đó, chính sách tiền tệ của ĐCSTQ lại có xu hướng nới lỏng (cắt giảm lãi suất). Điều này có thể dẫn đến dòng vốn chảy vào Hoa Kỳ và phương Tây, gây tác động đến nền kinh tế Trung Quốc. Vào ngày 23/1, tờ Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo hiếm hoi, trong đó cáo buộc “Hoa Kỳ mới là kẻ tạo ra ‘bẫy nợ’”, cho rằng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động đến vấn đề nợ của các nước đang phát triển trên nhiều phương diện.
4. Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp về tài nguyên khoáng sản mang tính chiến lược
Tài nguyên khoáng sản chiến lược rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, quốc phòng và các ngành công nghiệp mới nổi của một quốc gia. Các nước lớn trên thế giới đang bắt đầu kiểm tra và đánh giá lại thực trạng nguồn cung khoáng sản của họ và định ra chiến lược tài nguyên toàn cầu tương ứng để giải quyết các lỗ hổng về chiến lược kinh tế và quân sự. Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao của người dân thế giới đã tạo ra những hạn chế nhất định đối với việc cung cấp các mặt hàng liên quan đến khoáng sản. Ngoài ra, Indonesia, nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới, thông báo rằng họ sẽ ngừng xuất khẩu than từ ngày 1/1 đến ngày 31/1, mà nước này lại là nguồn nhập khẩu than chính của Trung Quốc do đó Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
5. Tình hình chính trị ở một số quốc gia sắp biến đổi mạnh mẽ, các lực lượng thân cộng sẽ gặp nhiều trở ngại
Vào tháng Giêng, các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ đã nổ ra ở cường quốc Trung Á là Kazakhstan. Nội dung của cuộc kháng nghị đầu tiên là liên quan đến giá năng lượng, sau đó chuyển sang các yêu cầu về dân chủ. Vào tháng Ba tới, Hàn Quốc sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Nếu phe bảo thủ của ông Yoon Suk-yue thắng, Hàn Quốc có thể hòa hoãn mối quan hệ với Nhật Bản, củng cố liên minh với Mỹ và quan hệ Trung-Hàn sẽ đối mặt với nhiều thử thách. Vào tháng Năm sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử Philippines. Nếu phía thân Mỹ lên nắm quyền, thay đổi đường lối ngoại giao và điều chỉnh chính sách Biển Đông, tình hình Biển Đông và quan hệ Trung Quốc – ASEAN có thể sẽ thay đổi. Vào tháng Tư và tháng Sáu, Pháp sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, kết quả của các cuộc bầu cử này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của EU. Nếu các lực lượng dân túy giành được tiếng nói lớn hơn thì sẽ có tác động nhất định đến quan hệ EU-Trung Quốc. Ngoài ra, các cuộc bầu cử lãnh đạo tại Hungary và Brazil cũng có nhiều biến động, điều này sẽ khiến mối quan hệ với ĐCSTQ ngày càng khó đoán.
6. Một số nước đang phát triển bị vỡ nợ và những khoản đầu tư khổng lồ của ĐCSTQ sẽ mất trắng.
Tính đến cuối năm 2018, tài sản tài chính của Trung Quốc ở nước ngoài là 7,32 nghìn tỷ USD, nợ phải trả là 2,13 nghìn tỷ USD. Như vậy, tài sản ròng của Trung Quốc ở nước ngoài là 2,13 nghìn tỷ USD, tương đương 15,7% GDP hiện tại. Do các yếu tố như “hoạch toán chính trị”, tham nhũng, không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế của ĐCSTQ v.v đã khiến con số lợi nhuận đầu tư nước ngoài của Trung Quốc âm quanh năm.
7. ĐCSTQ đang chơi trò chơi chính trị với Đài Loan, và Hoa Kỳ đang thực thi chủ nghĩa chống cộng.
Năm 2022, ĐCSTQ sẽ tiếp tục trò chơi chính trị với Đài Loan. Một trong những mục đích chính là nhằm tiến hành chiến tranh tâm lý cực đoan với Hoa Kỳ và buộc chính quyền Biden phải nhượng bộ. Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền 1 năm, ông Biden đã làm rõ thêm cam kết an ninh của Mỹ với Đài Loan. “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2022” do ông Biden ký vào ngày 27/12/2021 có đề cập đến một số phương án cụ thể nhằm tăng cường “khả năng tự vệ” của Đài Loan, khuyến nghị Hoa Kỳ và Đài Loan tiến hành các cuộc huấn luyện thực địa và tập trận quân sự, thậm chí đề xuất mời Đài Loan tham gia “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2022”.
8. Cục diện khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương xung quanh Trung Quốc không ổn định
Sự hỗn loạn ở Afghanistan và Myanmar, tình hình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, vấn đề Nga – Ukraine, vấn đề biên giới Trung – Ấn, vấn đề xung đột Ấn Độ – Pakistan, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình bất ổn ở Iraq và Libya, v.v., tất cả đều mang tính chất khó lường vào năm 2022. Trên toàn thế giới, các vấn đề điểm nóng đang dần tập trung vào khu vực này. Tần suất và cường độ của các cuộc xung đột tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng như tác động lan tỏa và sự chú ý của quốc tế hiện cao hơn nhiều so với những khu vực khác. Sự phức tạp và bất ổn của tình hình xung quanh Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Thiên Bình, Vision Times
Từ khóa Tập Cận Bình Dòng sự kiện Trung Quốc 2022