Ông Vương Hỗ Ninh mất chức vụ quan trọng, thời vận đã hết?
- Miêu Vi
- •
Ông Vương Hỗ Ninh, kho trí huệ lý luận của ông Tập Cận Bình, phụ trách hệ tư tưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gần đây đã mất chức Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương và bị thay thế bởi ông Giang Kim Quyền. Ngày 21/11, một chuyên gia người Canada chuyên về vấn đề Trung Quốc, đã viết một bài báo nói rằng, việc ông Vương Hỗ Ninh mất đi chức vụ quan trọng đồng nghĩa với con đường thăng tiến lên cấp lãnh đạo ĐCSTQ của ông đã kết thúc.
Theo báo cáo của giới truyền thông, ngày 30/10, một ngày sau khi Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 5) bế mạc, ĐCSTQ đã tổ chức họp báo. Tại cuộc họp báo này, lần đầu tiên ông Giang Kim Quyền tham dự với tư cách là Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương.
Theo thông tin, Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương là cơ quan tham mưu cao nhất của ĐCSTQ, chuyên nghiên cứu các lý thuyết chính trị, chính sách và soạn thảo văn bản cho Bộ Chính trị ĐCSTQ. Ông Vương Hỗ Ninh từng là Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương suốt 18 năm. Trong những năm gần đây, cấp phó của Vương Hỗ Ninh mới có sự thay đổi lớn. Ngoại trừ việc ông Giang Kim Quyền được thuyên chuyển, sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, phó chủ tịch cấp cao hơn là ông Hà Nghị Đình vẫn tiếp tục giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương (ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng thường vụ Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ vào tháng 9/2013). Vị phó chủ tịch còn lại là ông Thi Chi Hồng đã nghỉ hưu.
Ông Giang Kim Quyền được đề bạt làm Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương và được coi là “người kế vị” của ông Vương Hỗ Ninh. Nhưng việc bản thân ông Vương Hỗ Ninh thất sủng, thất thế, hay vẫn sẽ tiếp tục thăng tiến, cũng dấy lên mối quan tâm.
Ngày 21/11, ông Alex Payette, học giả chính trị Canada và chuyên gia về Trung Quốc, đã đăng một bài báo trên trang web Asialyst rằng, ông không tin việc thay đổi nhân sự này sẽ ngay lập tức thay đổi địa vị của ông Vương Hỗ Ninh, nhưng ông tin rằng đây có thể là khởi đầu của một trình tự nào đó.
Ông nói, sau Hội nghị Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, con đường thăng tiến của ông Vương Hỗ Ninh vào giới cấp cao của đảng đã kết thúc. Đối mặt với Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm 2022, đến thời điểm đó, ông Vương Hỗ Ninh sẽ bước sang tuổi 67 , có 4 khả năng.
Một là ra đi theo thông lệ “7 lên 8 xuống”, có người cho rằng sức mạnh của ông Vương Hỗ Ninh có thể ảnh hưởng đến ông Tập Cận Bình. Khả năng thứ 2 là ông Vương tự nguyện rút lui. Khả năng thứ 3 là sẽ thay thế ông Vương Kỳ Sơn làm phó chủ tịch nước. Khả năng thứ tư là thay thế ông Lật Chiến Thư và trở thành Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tương đương Chủ tịch Quốc hội). Theo quan điểm của ông Alex Payette, 3 khả năng đầu tiên khó xảy ra, việc trở thành Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại sẽ cho phép ông duy trì vị trí hiện tại và tiếp tục kiểm soát hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Có thể quan sát được tương lai chính trị của ông ấy dựa vào mức độ xuất hiện của ông ấy trong những tháng tới.
Tác giả phân tích ý định của ông Tập Cận Bình và tin rằng lúc này, việc ông Tập Cận Bình để ông Vương Hỗ Ninh rời khỏi Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, quan trọng hơn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” được Hội nghị Trung ương 5 ban hành. Điều này cho thấy bố cục chính trị trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đã bắt đầu.
Ông Vương Hỗ Ninh được mệnh danh là “Quốc sư 3 đời”. Ông từng chế ra thuyết “Tam đại biểu” cho ông Giang Trạch Dân, làm ra thứ “Quan điểm và phát triển khoa học” cho ông Hồ Cẩm Đào. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã đóng gói “Giấc mộng Trung Hoa”, “Tư tưởng Tập” và “Hạt nhân Tập” cho ông Tập …
Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, các chính sách đối nội và đối ngoại của ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng tả hóa. Ông Vương Hỗ Ninh được cho là có mối liên hệ chặt chẽ trong việc này. Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ và sự phản kháng của người dân Hồng Kông là cái bẫy mà ông Vương Hỗ Ninh dành cho ông Tập Cận Bình.
Trong cuộc họp ở Bắc Đới Hà năm nay, một thế hệ quan chức thứ hai ở Bắc Kinh đã tiết lộ với truyền thông Trung Quốc rằng, toàn bộ chiến lược của ông Tập hiện giờ là một ý tưởng tồi từ ông Vương Hỗ Ninh, người xuất thân từ bè cánh Giang. Mặc dù nhiều việc quan trọng là quyết định của ông Tập, nhưng người ra quyết định không nhất thiết phải có khả năng nhận thức tình hình tổng thể và đưa ra quyết định độc lập. Trong nhiều trường hợp, ông ta chỉ có thể dựa vào thông tin và đề xuất của những phụ tá xung quanh mình. Ông Vương Hỗ Ninh chắc chắn là phụ tá quan trọng nhất xung quanh ông Tập. Vì vậy, thất bại của ông Tập không thể tách rời với vấn đề của ông Vương Hỗ Ninh. Điều đáng sợ hơn nữa là, ý tưởng của ông Vương Hỗ Ninh không chỉ là sai lầm, mà còn liên tục đào hố để cuối cùng đưa ông Tập rơi xuống vực thẳm một cách tinh vi. Nhưng ông Tập dường như vẫn vui vẻ tận hưởng sự tâng bốc ngấm ngầm của ông Vương Hỗ Ninh, thậm chí còn coi ông ấy là “người thân cận”, mà không ý thức được sự nguy hiểm.
Theo một bài phân tích trên tờ Epoch Times, dưới sự ca ngợi của ông Vương Hỗ Ninh, ông Tập đã rơi vào vũng lầy của sự sùng bái cá nhân và từ bỏ việc “giấu mình chờ thời” từ thời ông Đặng Tiểu Bình. Thế lực của ông Tập giảm sút. Ông Tập không chỉ làm mất lòng người dân Trung Quốc, lên tiếng chỉ chích, mà còn khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và trở thành mục tiêu lên án của quốc tế. Do đó, từng có thông tin từ ngoại giới cho rằng, trong cuộc đấu đá nội bộ gay gắt của ĐCSTQ, ông Vương Hỗ Ninh, người phụ trách tư tưởng, có lẽ đã bị ông Tập Cận Bình vứt bỏ.
Hiện tại, ĐCSTQ đang ở trong tình trạng nguy hiểm cận kề chưa từng có về kinh tế, ngoại giao và chính trị. Tình hình bên ngoài xấu đi đã làm bùng phát các cuộc đấu tranh gay gắt trong nội bộ ĐCSTQ. Quyền lực của ông Tập có thể bị đe dọa. Việc ông Vương Hỗ Ninh đột ngột giải nhiệm chức vụ quan trọng vào thời điểm nhạy cảm này, cho thấy ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đang trải qua một bước thay thế cấp cao trong cuộc hỗn chiến. Bản thân ông Vương Hỗ Ninh e rằng họa nhiều hơn phúc. Sau khi ông Tập Cận Bình sửa đổi hiến pháp nhằm phá bỏ giới hạn tái cử, ông Tập vẫn nỗ lực hết sức nhằm tìm kiếm quyền lực lâu dài tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20. Nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng, ĐCSTQ sẽ không có Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, và hiện tại ông Tập Cận Bình khó có thể tự bảo vệ mình, càng không thể bảo vệ ĐCSTQ.
Miêu Vi
Xem thêm:
Từ khóa ĐCSTQ Vương Hỗ Ninh Dòng sự kiện Tập Cận Bình