Phân tích: ĐCSTQ sẽ thất bại lần nữa khi nhắm mục tiêu vào miễn dịch quần thể
- Trương Đình
- •
Cơn bão COVID-19 tại Trung Quốc đã làm sập hệ thống y tế và hỏa táng từ tháng trước. Song song đó, ĐCSTQ đang quảng bá mạnh mẽ các khẩu hiệu “cần dương tính thì cố gắng dương tính”, “có thể dương tính thì sớm dương tính, “dương tính càng sớm càng tốt”, “nhanh chóng vượt qua đỉnh cao”, để Trung Quốc sớm đạt được “miễn dịch quần thể”. Liệu mục tiêu này có thực tế? Theo phân tích của mạng truyền thông phi lợi nhuận “The Conversation“, nếu coi “miễn dịch quần thể” là mục tiêu, thì ĐCSTQ có khả năng sẽ thất bại một lần nữa.
Bài phân tích nói rằng những năm 1970, các nhà dịch tễ học đã phát hiện ra một công thức đơn giản có thể dự đoán tỷ lệ các cá thể miễn dịch cần thiết để số ca nhiễm ngừng tăng lên. Hệ số lây nhiễm R là thước đo khả năng lây truyền của một bệnh và được định nghĩa là số ca thứ phát kỳ vọng trên mỗi trường hợp nhiễm bệnh.
Dòng phụ BA.5 của virus biến thể Omicron hiện đang chiếm ưu thế ở Trung Quốc. Theo mô hình, Omicron có R trung bình là 9,5, vì vậy khoảng 90% dân số sẽ cần được bảo vệ đầy đủ để đạt được khả năng miễn dịch quần thể.
Tuy nhiên, kết quả tiêm chủng ở Trung Quốc không lạc quan. Theo các báo cáo, đến nay, khoảng 89% dân số Trung Quốc đã được tiêm hai liều vắc-xin, nhưng tỷ lệ tiêm nhắc lại rất thấp và vắc-xin nội địa được sử dụng ở Trung Quốc kém hiệu quả hơn nhiều so với vắc-xin dựa trên công nghệ mRNA của phương Tây được sử dụng rộng rãi. Vì vậy, tỷ lệ thực sự được bảo vệ bởi vắc-xin sẽ thấp hơn so với các nước khác.
Ngay từ tháng 1/2022, ông Chung Nam Sơn, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của ĐCSTQ, đã tuyên bố một cách khoa trương rằng tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 ở Trung Quốc đã vượt quá 83%, về lý thuyết thì đã thực hiện được miễn dịch quần thể ở một mức độ nhất định.
Liệu tỷ lệ tiêm chủng 83% có đạt đến mức “miễn dịch cộng đồng” như ông Chung Nam Sơn tuyên bố hay không? Dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát ở Trung Quốc vào cuối năm 2022 có thể đã làm giảm đáng kể hiệu quả những ngôn luận tuyên truyền về hiệu quả vắc-xin Trung Quốc của ông Chung. Theo một nghiên cứu do Airfinity của Anh công bố vào ngày 28 /11/2022, tỷ lệ Trung Quốc được bảo vệ bằng vắc-xin có thể chỉ còn 5% vào cuối năm 2022.
The Conversation cho rằng do thiếu dữ liệu đáng tin cậy, rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Trung Quốc. Bài phân tích cho rằng mặc dù Trung Quốc có thể tạm thời đạt đến mức “miễn dịch quần thể” vào một thời điểm nào đó, nhưng điều này không đảm bảo rằng dịch bệnh sẽ kết thúc ở đó.
Bài viết nói rằng thật không may, khả năng miễn dịch đến từ vắc-xin COVID và khả năng miễn dịch thông qua lây nhiễm sẽ suy yếu sau một vài tháng, khả năng miễn dịch đối với các biến thể mới có thể không lâu như vậy. Vì vậy, khi khả năng miễn dịch quần thể tạm thời bị phá vỡ, thì sẽ có xuất hiện các làn sóng virus mới.
Ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), một nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu chính sách của Mỹ, cho rằng ý tưởng của Bắc Kinh về việc hy vọng lây nhiễm càng nhiều người càng tốt và đạt đến đỉnh điểm càng sớm càng tốt là đi ngược lại với lối tư duy kìm nén đỉnh dịch của quốc tế, sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Đặc biệt là người già không có được sự bảo vệ đầy đủ, sẽ gây ra triệu chứng nặng và tử vong không cần thiết. Hơn nữa, do khi virus lây lan trong quần thể chưa được tiêm phòng, các chủng mới có thể xuất hiện.
Ngoài ra, ông cho rằng lây nhiễm tự nhiên không thể hình thành miễn dịch suốt đời, thường kéo dài khoảng 3 tháng và có thể bị tái nhiễm sau đó, “vì vậy ý tưởng về miễn dịch quần thể là không thực tế”.
The Conversation kết luận ở cuối bài viết rằng nếu ĐCSTQ thực sự coi “miễn dịch quần thể” là mục tiêu để loại bỏ virus, thì có khả năng họ sẽ thất bại một lần nữa. Bởi vì việc mất khả năng miễn dịch COVID theo thời gian và sự xuất hiện của các biến thể mới khiến khả năng miễn dịch quần thể trở thành mục tiêu vô ích trong ứng phó với COVID.
Từ khóa Dịch bệnh ở Trung Quốc miễn dịch cộng đồng Miễn dịch quần thể viêm phổi Vũ Hán COVID-19