Chuyên gia Đài Loan chỉ ra 3 vấn nạn mà ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt gồm nguy cơ kinh tế, mối quan hệ xấu đi với Đài Loan, và mối quan hệ rạn nứt với Mỹ.

p3143571a705850551
Liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tái đắc cử tại Đại hội 20 của ĐCSTQ không đang là vấn đề quan tâm của công luận quốc tế. (Nguồn: Palácio do Planalto / CC BY 2.0)

Chuyên gia kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long (Henry Wu) đã chỉ ra trong một bài đăng trên Facebook rằng ông Tập Cận Bình có 3 vấn đề khó khăn:

1) Đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế cùng lúc, đặc biệt là sau khi bong bóng bất động sản vỡ, về cơ bản nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được cứu. Để phân tán sự chú ý, ông Tập phải không ngừng thúc đẩy ‘Zero-COVID’ trong chống COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), dùng cuộc chiến chống dịch bệnh để phân tán chú ý của xã hội vào thảm bại của nền kinh tế, bất chấp làm nền kinh tế càng chìm sâu vào suy thoái! Bởi vì cách làm đó khiến vấn đề thảm bại kinh tế bị quy vào do dịch bệnh thay vì do quản trị kinh tế.

2) Ông Tập Cận Bình biết quân đội ĐCSTQ về cơ bản không có khả năng tấn công Đài Loan. Việc diễn tập phóng tên lửa và phong tỏa Đài Loan không đủ để đạt được hiệu quả răn đe. Để tránh bị soi mói, Tập Cận Bình đã “răn đe cứng” bằng chiêu bài “chiến lược bên miệng hố chiến tranh”, muốn thể hiện cho nội bộ ĐCSTQ thấy sự cứng rắn trong việc xử lý vấn đề Đài Loan để mở rộng khả năng duy trì quyền lực tại Đại hội 20.

3) Khi quan hệ Mỹ – Trung xấu đi, ông Tập Cận Bình vẫn cho rằng “phương đông nổi lên và phương tây suy thoái”, rằng Mỹ đang ngày càng yếu đi, rằng điểm yếu của Mỹ có thể bị lợi dụng thông qua “xâm nhập của Trung Quốc”, vì vậy không ngại thách thức Mỹ. Kết quả là Mỹ đã phát hiện ra tham vọng bành trướng và bá quyền của ĐCSTQ nên “tỉnh mộng” và kiên quyết trấn áp ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy.

Ông Ngô Gia Long nói: “Xem bề ngoài thì Mỹ và ĐCSTQ chia sẻ quan hệ ngoại giao, nhưng trên thực tế họ đang tính toán vấn đề quyền lực chính trị quốc tế với nhau rất căng thẳng…. Ông Tập Cận Bình đã không làm tốt trong ứng phó với 3 cuộc khủng hoảng lớn: nguy cơ kinh tế, và mối quan hệ xấu đi với Đài Loan, và mối quan hệ rạn nứt với Mỹ.”

Ông Ngô nói thêm, việc đối mặt với khủng hoảng không phải là khủng khiếp, điều khủng khiếp nhất là không tìm được giải pháp, chưa kể là hiện nay cả 3 vấn đề xuất hiện cùng lúc nên nhiều rắc rối hơn nữa sẽ xuất hiện. Cho dù ĐCSTQ muốn chuyển trọng tâm để tập trung vào Đài Loan thì họ cũng không thể làm được. Nhật Bản đã nêu bật mối đe dọa của Trung Quốc để biện minh cho việc tái vũ trang quân sự, trong khi đó Mỹ luôn muốn sớm giải quyết vấn đề trỗi dậy của ĐCSTQ như một cường quốc để duy trì quyền bá chủ thế giới, vì vậy họ đã không ngừng ngăn chặn ĐCSTQ.

Chuyên gia kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long nói rằng Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan đã bước vào một giai đoạn lịch sử của hợp tác chiến lược 3 bên nên càng bất lợi cho ĐCSTQ, vì rõ ràng họ không thể “1 chọi 3”. Hơn nữa còn có Úc, Ấn Độ và Châu Âu đã sẵn sàng tham gia liên minh bất cứ lúc nào để “ghi công” trước Mỹ. Đồng minh chính của ĐCSTQ là Nga thì đã bị tiêu hao bởi cuộc chiến xâm lược Ukraine mà không thể tự giải thoát được. Mỹ không đưa quân đến Ukraine chủ yếu là để chuẩn bị đưa quân đến Tây Thái Bình Dương.

Ông thẳng thắn chỉ ra, dù bề ngoài có ra vẻ thế nào thì điều duy nhất mà ông Tập Cận Bình có thể làm là nỗ lực bảo đảm thực lực tự vệ, vì “suy cho cùng nếu có đồi xanh thì không lo không có củi lửa, kẻ trí không chỉ nhìn trước mắt. Tất nhiên ông Tập Cận Bình cũng phải cố gắng làm cho Mỹ thấy ông ấy đang áp dụng chiến lược này”.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), ngày 4/9 Quỹ Văn hóa Lung Yingtai (Lung Yingtai Cultural Foundation) của Đài Loan đã tổ chức hội đàm “Tập Cận Bình: Từ đặc điểm nhân cách nhìn vào cục diện mới sau Đại hội 20 ĐCSTQ”, diễn giả chính là học giả Khấu Kiện Văn (Chien-Wen Kou) – Chủ nhiệm Trung tâm Quan hệ Quốc tế Đại học Chính trị Đài Loan (Institute of International Relations, National Chengchi University).

Về quyền lực, ông Khấu Kiện Văn cho rằng sau Đại hội 20 ĐCSTQ thì quyền lực chắc chắn sẽ được tập trung hơn, vì ông Tập Cận Bình sẽ không chia sẻ quyền lực nếu không có cảm giác an toàn, trừ khi ông ta có vấn đề sức khỏe thì mới có thể chia sẻ một chức vụ nào đó.

Về vấn đề có xuất hiện “người kế nhiệm” tại Đại hội 20? Ông Khấu Kiện Văn tin rằng chỉ những người sinh sau giữa những năm 1960 mới có cơ hội, vì thế cơ hội của ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất là Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa (sinh năm 1963) là không cao. “Ông Hồ Xuân Hoa có thể là thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng không nhiều khả năng sẽ là người kế nhiệm Tập Cận Bình”.

Về chính sách Đài Loan, ông Khấu Kiện Văn cho hay Sách Trắng thứ 3 của ĐCSTQ về Đài Loan nhấn mạnh kết hợp chống độc lập với chống can thiệp của nước ngoài và thúc đẩy thống nhất Đài Loan. Ngoài ra nội hàm của mô hình “một nước, hai thể chế” đối với Đài Loan cũng chặt chẽ hơn so với trước đây, chẳng hạn như không đề cập đến việc không cử quân đội và quan chức đến Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh yếu tố nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Đài Loan cần có sự chấp thuận của Chính phủ trung ương ĐCSTQ.

Học giả Khấu Kiện Văn nhắc nhở, nếu các đảng lớn Đài Loan chỉ tập trung vào bầu cử và đấu tranh trong đảng thì sẽ mất tập trung trong ứng phó ĐCSTQ.

Ông cũng đề cập rằng trong 10 năm nắm quyền của ông Tập Cận Bình đã gây ra 3 thay đổi lớn đối với hệ thống quyền lực tại Trung Quốc: tập trung quyền lực vào người lãnh đạo cao nhất là Tập Cận Bình; tập trung quyền lực vào Đảng ủy khiến quyền lực của cơ quan Đảng được gia tăng; tăng cường kiểm soát xã hội và chính trị thể hiện ở việc thành lập nhiều nhóm lãnh đạo trung ương sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chịu trách nhiệm điều phối liên bộ, trong đó có nhiều cơ quan do chính ông Tập đứng đầu.

Ngoài ra, thông qua việc “cải cách sâu” thể chế vào năm 2018, một số chức năng của Chính phủ được giao cho Đảng, khiến quyền ra quyết định của Chính phủ đã bị suy yếu, vấn đề dân tộc ít người trực tiếp do Ban Mặt trận Thống nhất phụ trách, báo chí – xuất bản – điện ảnh trực tiếp do Ban Tuyên truyền phụ trách….