Phân tích của các chuyên gia cho thấy nhiều thành phố ở Trung Quốc phong tỏa kiểm soát dịch, các doanh nghiệp ngừng hoạt động, lượng lớn hàng hóa bị kẹt tại cửa khẩu, hiệu ứng phong tỏa thành phố ảnh hưởng đến thị trường Mỹ, khiến cho tình trạng lạm phát vốn đã cao tại Mỹ tiếp tục bị ảnh hưởng.

xuat khau Trung Quoc sang My
Hình ảnh container tại cảng nước sâu Yangshan, Thượng Hải hôm 24/4/2018. (Ảnh qua Epoch Times)

40 thành phố của Trung Quốc đã áp dụng quản lý tĩnh kể từ tháng Ba

Quản lý im lặng, quản lý tĩnh, tĩnh toàn khu vực, quản lý tại nhà hoàn toàn khép kín … Kể từ khi virus Omicron lây lan rộng ở Trung Quốc vào tháng Ba, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không ngừng tạo ra các từ mới để thay thế từ “phong tỏa“, nhằm duy trì các biện pháp quản lý kiểm soát áp lực cao đối với người dân.

Trang tin The Paper cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ tháng Ba năm nay, hơn 40 thành phố ở Trung Quốc đã tuyên bố “tĩnh lặng“, nếu ước tính dựa trên dân số thường trú, gần 240 triệu người được quản lý tại nhà, tương đương 17,1% dân số quốc gia.

Trong số đó, việc phong tỏa thành phố Thượng Hải có ảnh hưởng lớn nhất, đến nay vẫn chưa được dỡ bỏ. Vào ngày 24/5, ông Ngô Hoàn Vũ (Wu Huanyu), Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Thượng Hải, khi được hỏi làm thế nào để đối phó với các ca nhiễm dương tính mới trong tương lai, đã trả lời rằng Thượng Hải trước sau kiên trì phương châm chung là “zero COVID“, chuyển đổi sang bình thường hóa công tác phòng chống dịch. Trong tương lai, nếu phát hiện người nhiễm dương tính, sẽ lập tức khởi động ứng phó ngay.

Tại Bắc Kinh, cùng với việc dịch bệnh nóng lên, vùng kiểm soát càng mở rộng. Cơ quan chức năng đã thông báo bắt đầu từ ngày 23/5, 9 quận ở Triều Dương, Hạ Liên, Phong Đài, Thạch Cảnh Sơn, Thông Châu, Thuận Nghĩa, Xương Bình, Phòng Sơn, và Môn Đầu Câu sẽ nâng cấp mức độ quản lý, toàn bộ các khu vực này sẽ làm việc tại nhà, người dân không được đi lại, hàng trăm ga tàu điện ngầm đóng cửa, thành phố Bắc Kinh tương đương với đã “bán phong tỏa”.

Những ngày gần đây, dịch bệnh lẻ tẻ đã xảy ra ở Thiên Tân. Kể từ ngày 22/5, chính quyền yêu cầu người dân thành phố “giữ yên tại chỗ“, hạn chế lưu lượng người và phương tiện, đồng thời thực hiện xét nghiệm axit nucleic cho tất cả người dân. Đối với một thành phố 14 triệu dân, động thái này của chính quyền giống như phong tỏa thành phố.

Tại Tây An, nơi đã đóng cửa hơn 32 ngày vào tháng Một năm nay, vào ngày 24/5, một số khu vực ở quận Trường An và huyện Lam Điền đã thực hiện quản lý tĩnh trong 7 ngày. Tại huyện Lân Thủy, tỉnh Tứ Xuyên đã bùng phát dịch, và đã bị phong tỏa kể từ ngày 10/5 đến nay.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, giá cả tăng

CNN đưa tin, Thượng Hải, cảng container lớn nhất thế giới, đã hoạt động với 1/2 công suất trong hơn một tháng. Hiện có 1/5 số tàu container đang bị mắc kẹt tại các cảng trên thế giới, trong đó có 28% số tàu kẹt ở Trung Quốc. Những người trong ngành cho biết, hiện tại phải mất 74 ngày so với trước đây để vận chuyển từ Trung Quốc Đại Lục đến Mỹ.

Nhiều thành phố ở Trung Quốc Đại Lục đã bị phong tỏa và kiểm soát, điều này đã gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Vào tháng Tư, Apple đã cảnh báo rằng những hạn chế trong chuỗi cung ứng liên quan đến bùng phát dịch ở Trung Quốc có thể kéo giảm doanh thu của công ty từ 4 tỷ USD đến 8 tỷ USD trong quý này. Theo số liệu của Everstream Analytics, việc nhà cung cấp ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng 20% đến 30% sản lượng iPhone.

Tiến sĩ Tạ Điền, hiện đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, nói với Epoch Times rằng việc phong tỏa Thượng Hải đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. “Hiện có hàng trăm tàu chở hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới đang ứ đọng bên ngoài cảng Thượng Hải, hàng hóa hoặc các linh phụ kiện do các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất không thể vận chuyển ra khỏi Trung Quốc được, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng. Một số nhà sản xuất ô tô Mỹ không thể giao xe mới đúng hạn do thiếu chip, đồng thời giá ô tô đã qua sử dụng cũng tăng.”

Các vấn đề như thiếu chip và chậm trễ vận chuyển kể từ năm ngoái vẫn chưa giảm bớt. Theo thống kê từ Cars.com, vào tháng 4/2022, các đại lý ô tô ở Mỹ có khoảng 1,01 triệu xe mới trong kho, giảm 70% so với hai năm trước.

Toyota đã thông báo vào ngày 24/5 rằng do sự thiếu hụt các bộ phận gây ra bởi Thượng Hải phong tỏa, một dây chuyền sản xuất nhà máy khác ở Nhật Bản đã bị ngừng hoạt động, dự kiến năng lực sản xuất toàn cầu trong tháng 6 ​​sẽ giảm 100.000 chiếc, xuống còn 850.000 chiếc.

Tiến sĩ Tạ Điền nói: “Việc sản xuất ô tô mới không đủ, và giá ô tô cũ quá cao khiến người tiêu dùng không thể mua được. Đồng thời, số lượng tài xế ô tô hoặc xe tải giảm, toàn bộ chuỗi vận chuyển bị gián đoạn dẫn đến giá một số vật liệu xây dựng tăng, làm tăng giá nhà mới.”

Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông nói với Epoch Times rằng thuốc do Trung Quốc sản xuất, nguyên liệu thuốc hoặc các sản phẩm khác  vận chuyển đến Mỹ bị giảm, nên một số nhu yếu phẩm hàng ngày bị thiếu, cũng gây gây áp lực lên giá cả.

Chuyên gia: Trung Quốc phong tỏa thành phố trở thành con số đen lớn nhất của nền kinh tế thế giới

Bà Nghiêm Tuệ Hân (Yen Huai-Shing), Phó giám đốc điều hành của Trung tâm WTO thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (Đài Loan), nói với Epoch Times rằng việc Trung Quốc đóng cửa đã dẫn đến sự sụt giảm hoạt động kinh tế và giảm nguồn cung hàng hóa, điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng thêm đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước nhập khẩu chính: Mỹ và thị trường Châu Âu.

Bà Nghiêm Tuệ Hân nói: “Trung Quốc hiện được coi là số đen lớn nhất trong nền kinh tế thế giới. Bạn không thể ngờ rằng sau khi được gỡ phong tỏa, bất cứ lúc nào cũng lại có thể phong tỏa toàn bộ hoạt động sản xuất để đạt được “zero COVID linh động.”

Ông Hoàng Thế Thông phân tích rằng nhiều thành phố ở Trung Quốc hở chút là bị phong tỏa, nên chuỗi cung ứng rất khó phục hồi. “Trung Quốc hiện nói rằng Thượng Hải sẽ gỡ phong tỏa toàn diện vào ngày 1/6. Chúng ta không biết tình hình thực tế ra sao. Cần phải đợi đến khi hoàn toàn gỡ phong tỏa, thì các yếu tố bên ngoài thúc đẩy lạm phát của Mỹ sẽ có nhiều khả năng bị bị xóa bỏ tương đối.”

Ông Hoàng Thế Thông nói, “Tôi nghĩ điểm mấu chốt là xem xét chính sách ‘zero COVID’ của ĐCSTQ và khi nào thì sửa đổi quy chế.”

Mặc dù Thượng Hải tuyên bố sẽ từng bước gỡ phong tỏa, nhưng bà Nghiêm Tuệ Hân cho rằng tác động của lệnh phong tỏa có thể tiếp tục kéo dài trong năm tới. “Không chỉ là sản xuất, toàn bộ môi trường kinh tế dẫn đến hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng Mỹ, thậm chí người tiêu dùng Trung Quốc đều ngày càng thận trọng hơn. Sức tiêu dùng không phục hồi, ngay cả khi Trung Quốc có dỡ bỏ lệnh phong tỏa, thì tác động có thể kéo dài đến năm sau mới có thể cải thiện.”

Có giảm thuế đối với Trung Quốc hay không, Mỹ vướng vào bất đồng chính sách

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây đã đề cập rằng mức độ phong tỏa rộng của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn trong chuỗi cung ứng và đẩy giá tăng cao, đây là một vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, bà cho biết bà ủng hộ việc loại bỏ một số thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Bà Nghiêm Tuệ Hân cho rằng phát biểu của bà Yellen tiết lộ những lo ngại về lạm phát ở Mỹ: “Hàng loạt sự kiện như chiến tranh Nga – Ukraine, thành phố Thượng Hải phong tỏa, đã làm trầm trọng thêm mối quan ngại của Mỹ về lạm phát, khiến Bộ trưởng Tài chính Yellen phải tìm thêm các cách để giảm tỷ lệ lạm phát, bao gồm cả việc xem xét giảm hoặc loại bỏ thuế quan của Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng những áp lực liên quan được cảm nhận rõ ràng trong chính nước Mỹ.”

Ông Tạ Điền nói rằng Chính phủ Mỹ đang chia rẽ sâu sắc về thuế quan đối với Trung Quốc và các biện pháp mà họ dự định thực hiện sẽ ảnh hưởng đến hướng quan hệ Mỹ – Trung. “Đây đã là một cuộc tranh luận mở, tùy thuộc vào thái độ chính trị của chính quyền Biden và mức độ nhận thức đối với ĐCSTQ, việc tiếp tục (áp đặt) thuế quan, hoặc thậm chí tăng thuế quan, gia tăng hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ sẽ ngăn ĐCSTQ tiếp tục gây tổn hại cho Mỹ.”