Quan chức Trung Quốc lấp lửng vấn đề ông Tập Cận Bình sẽ nhậm chức cả đời
- Tuyết Mai
- •
Sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đã không khôi phục chế độ chủ tịch đảng như nhiều thông tin đồn đoán trước đó. Tuy nhiên, việc ông Tập không chỉ định người kế nhiệm vẫn khiến ngoại giới không khỏi nghi vấn rằng ông có ý định tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20 và hơn thế nữa.
Tại Đại hội 19 ĐCSTQ, trong bố cục nhân sự có hai người được cho là người tiếp quản quyền lực của ông Tập Cận Bình là ông Hồ Xuân Hoa và ông Trần Mẫn Nhĩ. Nhưng rốt cuộc cả hai nhân vật này đều không vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Điều này khiến nhiều người dự đoán tấm thảm làm lãnh tụ đến cuối đời của ông Tập Cận Bình đã được trải ra.
Về vấn đề này, gần đây một quan chức của Trường Đảng Trung ương đã lên tiếng bác bỏ tin đồn. Tuy nhiên, cách trả lời của vị quan chức này lại cho thấy tin đồn không phải hoàn toàn vô lý.
Ngày 8/11, “Tinh Đảo Hoàn Cầu” đưa tin, trong Hội nghị liên quan đến “Giải đáp Đại hội 19”, ông Tạ Xuân Đào, Ủy viên và Chủ nhiệm Ban Giáo vụ Trường Đảng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra, lịch sử Trung Quốc từng có chế độ cầm quyền suốt đời (ông Mao Trạch Đông), sau đó thì không tái diễn nữa. Ông Tạ nhận định, cơ chế kế nhiệm tiếp quản hiện nay đang vận hành “rất ổn định“. Quan chức này cũng chỉ rõ, Đại hội 19 vẫn là thể chế lãnh đạo tập thể, tại Đại hội không hề thảo luận vấn đề về chế độ chủ tịch đảng. Ông tin rằng điều này sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, ông Tạ Xuân Đào cũng lấp lửng rằng: “Vấn đề nhậm chức đến cuối đời, hay vấn đề chế độ chủ tịch đảng… E rằng toàn là chuyện mơ mộng, tôi không biết những chuyện này có phù hợp hay không.”
Đây là lần đầu có quan chức ĐCSTQ hồi đáp về vấn đề chế độ chủ tịch đảng.
Trước Đại hội 19, giới quan sát dự đoán ông Tập Cận Bình có thể phục hồi chế độ chủ tịch đảng. (Chế độ này đã bị hủy bỏ từ thời của ông Đặng Tiểu Bình) Họ dự đoán ông Tập sẽ xây dựng mô hình tổ chức quyền lực “một chính hai phó”. Nghĩa là bố trí một chủ tịch Ủy ban Trung ương với hai phó chủ tịch, lần lượt do ủy viên trưởng Nhân đại và thủ tướng chính phủ đảm nhiệm.
Một trong những nguyên nhân của tin đồn này là vì trong lễ duyệt binh tổ chức dịp ông Tập Cận Bình thăm Hồng Kông vào cuối tháng Sáu và thăm Zhu Ri ở Nội Mông Cổ vào cuối tháng Bảy, câu khẩu hiệu mà lực lượng quân đội hô vang là “chào thủ trưởng” bị đổi thành “chào chủ tịch”. Câu chuyện này đã kéo theo suy đoán về tín hiệu báo trước sẽ khôi phục chế độ chủ tịch đảng tại Đại hội 19.
Ngoài ra, ngày 21/10 tờ Minh Báo (Hồng Kông) đưa tin, ĐCSTQ đã có yêu cầu, từ nay khi báo chí đề cập đến ông Tập Cận Bình “phải thống nhất diễn đạt là Tập Cận Bình hoặc đồng chí Tập Cận Bình, không cần diễn đạt là Tổng Bí thư Tập Cận Bình”. Thông tin này cũng dẫn đến những suy đoán chế độ chủ tịch đảng sẽ được khôi phục lại tại Đại hội 19.
Đáng tiếc những suy đoán này đều không đúng.
Vấn đề là tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình cũng không chỉ định người kế nhiệm như thông lệ, vì thế giới quan sát vẫn cho rằng ông sẽ tiếp tục nắm quyền lực sau nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo này. Ngoài ra, một số nhà quan sát còn cho rằng, từ lâu ông Tập Cận Bình đã có quyết tâm hủy bỏ nguyên tắc bất thành văn về chỉ định người lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ tồn tại nhiều thập niên qua.
Đáng chú ý nhất là giải đáp của ông quan chức Trường Đảng Trung ương Tạ Xuân Đào về chế độ chủ tịch và vấn đề nắm quyền trọn đời, dường như cách nói đầy lấp lửng: “E rằng toàn là chuyện mơ mộng, tôi không biết những chuyện này có phù hợp không.”
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Đại hội 19 Chủ tịch đảng Người kế nhiệm