Quản lý cấp cao của Thời báo Hoàn Cầu bị Mỹ từ chối cấp visa
- Trí Đạt
- •
Sau khi Mỹ ký thông qua luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông vào ngày 27/11 và có hiệu lực, liên tiếp có thông tin cho biết người thuộc truyền thông và đại diện truyền thông thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Mới đây, quản lý cấp cao của kênh truyền thông ĐCSTQ Thời báo Hoàn Cầu tự đăng thông tin cho biết ông xin visa Mỹ nhưng cũng bị từ chối nhập cảnh.
Ngày 16/12, ông Hách Quân Thạch – Chủ nhiệm phòng Truyền thông mới của Thời báo Hoàn Cầu đã đăng lên Weibo thư thông báo từ chối cấp visa của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, thông báo này cho biết, ông Hách Quân Thạch không có tư cách xin “visa phi di dân”. Ông Hách Quân Thạch không đưa ra được bằng chứng chứng minh ông ta về nước sau hành trình đến Mỹ lần này.
Thông báo này còn nói, lần từ chối cấp visa này không thể khiếu nại, nhưng có thể lựa chọn thời điểm khác để xin cấp lại visa. Nếu quyết định xin lại visa, cần phải nộp biểu mẫu, ảnh, lệ phí mới.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu trước nay luôn chống Mỹ, và nhiều lần thay chính quyền ĐCSTQ tạo thông tin tuyên truyền giả. Hồi đầu năm, tờ báo này từng đăng bài viết “Truyền thông cần phải là ‘chó giữ cửa’ cho lợi ích quốc gia” khiến ngoại giới và dư luận được một phen “trố mắt”. Trong phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông, Tổng biên tập của tờ báo này là ông Hồ Tích Tiến đã cực lực phối hợp với Bộ tuyên truyền ĐCSTQ để che đậy, bẻ cong chân tướng và bôi nhọ hình ảnh người Hồng Kông đấu tranh phản đối Dự luật Dẫn độ.
Lần này, ông Hách Quân Thạch xin visa bị từ chối cũng khiến cư dân mạng cười nhạo.
Có người nói: “Ông tưởng rằng Luật Nhân quyền Hồng Kông và Luật Nhân quyền Tân cương là ‘ăn chay’ à?” “Hôm nay là từ chối visa, ngày mai là đuổi những người ở Mỹ lên tiếng cho kẻ cướp.” “Hả lòng hả dạ, xem xem là chính quyền độc tài chuyên chế ĐCSTQ lợi hại, hay là chính quyền dân chủ pháp trị của Mỹ lợi hại!” “Tất cả các nước dân chủ cùng liên kết lại từ chối visa, chế tài những người thuộc truyền thông và đại diện truyền thông thân ĐCSTQ.”
Đầu tháng này, tác giả Đào Kiệt đã tiết lộ với tờ Minh Kính (Mirror Media) rằng, một doanh nhân giàu có ở Hồng Kông thân ĐCSTQ gần đây ngồi máy bay tư nhân đến Mỹ, nhưng khi đến nơi đã bị thẩm vấn 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng bị từ chối nhập cảnh Mỹ, và phải trở về trên chiếc máy bay ban đầu. Sau đó có thông tin truyền ra cho biết, doanh nhân giàu có này là ông Hà Trụ Quốc – Thường ủy Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch và cũng là cổ đông lớn của Tập đoàn Truyền thông Tinh Đảo (chủ quản tờ Nhật báo Tinh Đảo).
Tuy nhiên, sau đó ông Hà Trụ Quốc đã ra mặt phủ nhận tin đồn. Một thông tin khác cũng thanh minh rằng, doanh nhân giàu có nói trên không phải là ông Hà Trụ Quốc, hơn nữa sự việc đã xảy ra cách đây vài tháng, không liên quan đến luật chế tài, có lẽ liên quan đến việc Mỹ khởi tố Mạnh Vãn Châu – con gái ông chủ Huawei.
Mặc dù danh tính và nguyên do doanh nhân Hồng Kông nhập cảnh Mỹ bị thẩm vấn đến nay vẫn là bí ẩn, nhưng sự lo lắng của giới chính trị – thương nhân Trung Quốc và Hồng Kông cùng sự quan tâm của xã hội cũng đã cho thấy Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo hướng về phía ĐCSTQ.
Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông bắt nguồn từ phong trào Hồng Kông phản đối Dự luật Luật đào phạm sửa đổi (gọi tắt là Dự luật Dẫn độ). Ngày 15/3/2019 và bắt đầu từ ngày 9/6/2019 biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông bùng nổ. Phong trào này không có lãnh đạo và tổ chức thống nhất, người biểu tình dùng hàng loạt các hình thức như diễu hành, mít tinh, tĩnh tọa, tạo tường Lennon, tam bãi (bãi thị, bãi công, bãi khóa), để kháng nghị việc chính phủ Hồng Kông và Trung ương ĐCSTQ đề xuất dự luật “Luật Đào phạm” sửa đổi. Bởi vì ngoại giới phần lớn đều nghi ngờ, trong chế độ tư pháp Đại Lục dưới sự thống trị của ĐCSTQ, bất cứ người Hồng Kông nào đều có thể “vì nguyên nhân không rõ ràng nào đó” mà bị dẫn độ đến Trung Quốc Đại Lục để thẩm tra.
Điều đáng chú ý là, hiện tại Mỹ coi những kênh truyền thông của ĐCSTQ như CCTV, Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã, v.v, là người đại diện chính phủ nước ngoài.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Mỹ từ chối cấp thị thực cấm visa Thời báo Hoàn Cầu