RFA: Hai mươi năm Pháp Luân Công
- Theo RFA
- •
Ngày 20/7/1999, chính phủ Trung Quốc bất ngờ tuyên bố lệnh cấm triệt để đối với môn tập Pháp Luân Công, sau đó mở chiến dịch đàn áp nhóm người luyện tập môn khí công này. Hai mươi năm sau, mặc dù ở Trung Quốc Đại lục không còn thấy Pháp Luân Công mạnh mẽ như trước, nhưng pháp môn này không hề biến mất. Hai phóng viên Thạch Sơn (Dan Shan) và Gia Ngạo (Jia Ao) của Đài Phát thanh Á châu Tự do (RFA) đã cùng tường trình đặc biệt kỷ niệm “Hai mươi năm Pháp Luân Công” để giới thiệu về cách Pháp Luân Công phản kháng trước cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài.
Câu chuyện về hai người tập Pháp Luân Công
Anh Quách Cánh Hùng (Guo Jingxiong) tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Cát Lâm, là một người tập Pháp Luân Công trẻ. Tháng 7/1999 anh là biên tập viên của ấn bản Văn hóa và Mỹ thuật của Báo Buổi Tối thành phố Trường Xuân.
“Cạnh trụ sở tòa soạn báo là chính quyền tỉnh. Ngày 20/7 nhiều học viên Pháp Luân Công đã đi đến thỉnh nguyện, khi đó tôi muốn đến lấy tin. Sau đó tôi đã bị đưa lên xe cảnh sát, chuyện là thế, tôi đã bị bắt vào ngày 20/7 đó.”
Năm 1999, bà Cao Ức Đông (Gao Yudong) đang làm việc tại một ban ngành ở Bắc Kinh, đang trong quá trình làm thủ tục du học tại Anh Quốc, không lâu sau khi chính quyền cấm Pháp Luân Công thì bà đến Luân Đôn. “Tình hình của tôi thực sự là câu chuyện rất phổ biến ở Trung Quốc khi đó. Thời điểm đó tôi đang làm thủ tục du học tại Anh, sau ngày 20/7 không lâu thì tôi đã đến nước Anh. Vì vậy trường hợp của tôi là rất may mắn.”
Theo dữ liệu chính thức và ước tính chung của chính quyền Trung Quốc, vào năm 1999 ở Trung Quốc Đại lục có khoảng 60 đến 70 triệu người tập luyện Pháp Luân Công. Tại nhiều thành phố lớn ở phía bắc có vô số các địa điểm tập luyện Pháp Luân Công, một số công viên có hàng ngàn người đến tập luyện.
Trước khi bị đàn áp đã có 60 triệu người tập luyện
Tiến sĩ Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người phụ trách tổ chức phi chính phủ “Sức mạnh Công dân” (Citizen Power Initiatives for China) tại Mỹ cho rằng có nhiều lý do dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của Pháp Luân Công ở Trung Quốc, bao gồm cả hiệu quả của Pháp Luân Công trong trị bệnh khỏe người, sự sụp đổ hệ tư tưởng của người dân ở Trung Quốc, người Đại lục cần một hệ thống giá trị mới…
“Khoảng trống của đức tin cần niềm tin tôn giáo để lấp vào, thứ hai là ở Trung Quốc Đại lục thiếu bảo hiểm y tế và thiếu phúc lợi xã hội lâu dài. Vì hai lý do này mà thời điểm đó một số thầy khí công ở Trung Quốc Đại lục rất được hâm mộ. Pháp Luân Công là một trong số đó, cũng là một nhánh phát triển nhanh nhất. Vì Chính phủ Trung Quốc Đại lục đột nhiên phát hiện ra Pháp Luân Công phát triển quá lớn mạnh nên bắt đầu dồn toàn lực đàn áp.”
Ngày 20/7/1999 chính phủ Trung Quốc tuyên bố Hiệp hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp là một tổ chức bất hợp pháp, đồng thời bắt giữ hàng trăm thành viên mẫn cán của Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch nước Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân đã công khai cáo buộc Pháp Luân Công là “tà giáo”, đồng thời phát động cuộc đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công.
Bà Sarah Cook, một nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền Freedom House tại Mỹ là người có thâm niên nghiên cứu về các vấn đề tôn giáo trên thế giới, tin rằng Pháp Luân Công thuộc về một nhóm tín ngưỡng mới, không giống với tôn giáo truyền thống.
“Nhưng quả thực họ có yêu cầu cao về đạo đức tương tự như các tôn giáo khác, nội dung gần với Phật giáo và Đạo giáo, vì vậy chúng tôi xem đó là một phong trào tôn giáo mới ở Trung Quốc Đại lục,” bà nói.
Ông David Kilgour, một luật sư nổi tiếng và cựu Bộ trưởng Tư pháp người Canada cũng cho rằng có sự xung đột về giá trị giữa hệ tư tưởng của ĐCSTQ (vô Thần) và Pháp Luân Công (tín Thần).
“Mặc dù Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại lục bị đàn áp rất nghiêm trọng nhưng tôi chưa từng thấy nhóm này có phong trào nổi loạn bạo lực nào. Hệ thống giá trị của họ, ví dụ như chữ ‘Chân’ không được ĐCSTQ ưa thích, cho nên xảy ra xung đột lớn.”
Phản kháng chưa bao giờ ngừng
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ mạng Minh Huệ (minghui.com) của Pháp Luân Công và các tổ chức nhân quyền ở nước ngoài, trong 19 năm qua, ít nhất 4.000 người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, hàng trăm ngàn người đã bị bắt và bị kết án lao động cưỡng bức và tù có thời hạn.
Đường Hạo (Teng Hao), một học giả về luật người Trung Quốc sống tại Mỹ (năm 1999 ông vẫn đang theo học Tiến sĩ tại Khoa Luật Đại học Bắc Kinh), chia sẻ với Đài RFA rằng nhiều chuyên gia pháp lý Trung Quốc đã lên tiếng phản đối từ khi nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công.
“Phương pháp đàn áp hoàn toàn trái với tinh thần pháp luật, cũng trái với các quy định pháp luật của Trung Quốc. Đến năm 2007, chúng tôi có cơ hội để biện hộ vô tội cho Pháp Luân Công, có tổng cộng 6 luật sư can thiệp. Chúng tôi đã dẫn lại Luật Nhân quyền Quốc tế, Hiến pháp Trung Quốc, Luật hình sự và Luật Tố tụng hình sự Trung Quốc, qua đó phát hiện không có cơ sở pháp lý nào để đàn áp Pháp Luân Công.”
Trong vụ truy quét lớn bắt đầu từ ngày 9/7/2015, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ và triệu tập hàng trăm luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, hầu hết trong số họ đã từng biện hộ vô tội cho những người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Quách Cánh Hùng cũng phải nghỉ việc tại tòa báo, bắt đầu mở xưởng vẽ tranh của riêng mình, tác phẩm của ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc Đại lục, năm 2004 ông giành giải đặc biệt cao nhất của Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême của Pháp, được mệnh danh là Oscar của truyện tranh. Năm 2008, vì không chịu nổi việc bị nhà cầm quyền gây rối, Quách Cánh Hùng di cư sang Mỹ và gia nhập công ty tranh DC nổi tiếng của Mỹ.
Cao Ức Đông đã tham gia biểu tình ngồi tọa thiền tiếp sức 24 giờ hàng ngày trong suốt 19 năm trước Đại sứ quán Trung Quốc Đại lục tại thủ đô Luân Đôn của Anh.
>> Mỹ bảo vệ Pháp Luân Công trước thềm đàm phán thương mại Mỹ – Trung
Chiến dịch đàn áp kéo theo nhân quyền tồi tệ hơn
Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh và luật sư nổi tiếng người Canada lên án cuộc đàn áp toàn diện với Pháp Luân Công là chiến dịch đàn áp nhân quyền lớn nhất của ĐCSTQ sau sự kiện Thiên An Môn ngày 04/6/1989. Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn tổng kết kinh nghiệm từ các biện pháp đàn áp Pháp Luân Công để áp dụng trong đàn áp các nhóm người khác.
“Họ không chỉ nhắm vào Pháp Luân Công mà cả người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, Kitô giáo cùng hầu hết tất cả những người Trung Quốc khác.”
Là một chuyên gia pháp lý, David Kilgour cho rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống tư pháp Trung Quốc vốn chưa hoàn thiện, còn gây suy thoái nghiêm trọng về nhân quyền trong những năm sau đó.
>> Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội Chống lại loài người
20 năm Pháp Luân Công: Từ Trung Quốc đến Quốc tế
Trong 20 năm kể từ khi chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện này ở Trung Quốc đã bị hạn chế phải chuyển thành hoạt động kín đáo, các hoạt động công khai trong xã hội ngày càng ít đi. Tuy nhiên tại nhiều nơi bên ngoài Trung Quốc Đại lục, các hoạt động của Pháp Luân lại có xu hướng gia tăng, nhiều người trẻ tuổi ở nước ngoài cũng tham gia.
Một buổi sáng của hai năm trước, khi Yulia Hayden mới tốt nghiệp một trường biểu diễn ở New York, vô tình gặp Pháp Luân Công ở một góc công viên. Trong bốn tháng tiếp theo, cô trở thành người phương Tây duy nhất trong nhóm. Đến nay cô vẫn là một học viên Pháp Luân Công tích cực.
Giống như Yulia, Victoria Ledwidge cư trú ở thủ đô Luân Đôn của Anh Quốc cũng là người đến với Pháp Luân Công từ một cơ hội ngẫu nhiên. Đến nay Victoria là một tình nguyện viên của “Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép Nội tạng ở Trung Quốc” (International Coalition to End Transplant Abuse in China), đóng vai trò là người liên lạc truyền thông trong dự án “Tòa án Trung Quốc” (China Tribunal) của cơ quan này. Cô cũng thường xuất hiện trong các hoạt động tọa kháng trước Đại sứ quán Trung Quốc Đại lục trú tại Anh.
Anh Ollie Torma 38 tuổi sống ở Upstate New York làm việc ngành công nghệ thông tin, là người đã trải nghiệm qua văn hóa phương Đông khi bắt đầu quan tâm đến Phật giáo và triết học phương Đông lúc hơn 1o tuổi. Năm 21 tuổi, thông qua giới thiệu của một người bạn, anh bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công và cuộc đời anh rẽ sang một trang mới.
Cô gái trẻ 25 tuổi người Việt Nam được bạn bè gọi là “Lee H.”, năm 2017 đã bắt đầu tập Pháp Luân Công. Cô có trải nghiệm cả văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Tại Việt Nam cô lớn lên ở Sài Gòn, đến Mỹ học Đại học vào năm 2013. Gần đây cô đã giành được bằng thạc sĩ Quản lý Giáo dục Đại học tại Đại học Temple của Mỹ.
Cô Lee chia sẻ rằng, vì Việt Nam và Trung Quốc có cội nguồn văn hóa tương đồng nên Pháp Luân Công cũng được yêu thích tại Việt Nam.
Anh Chu (Zhou), một kỹ sư phát triển phần mềm sống ở Los Angeles Mỹ bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công vào năm 2011. Để bảo vệ an toàn của người thân còn ở tại Trung Quốc, anh yêu cầu các phóng viên không được công bố tên đầy đủ của mình.
Anh Chu năm nay 28 tuổi, là người tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, anh cho biết sau khi ra nước ngoài đã tìm kiếm trên mạng và hiểu về nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công cũng như cách luyện môn này.
Anh Chu đã đến Mỹ học từ năm 2011, sau đó thấy địa điểm tập luyện Pháp Luân Công trong khuôn viên trường đại học, và đã trở thành một học viên Pháp Luân Công.
“Bởi vì người Trung Quốc ở nước ngoài có thể không hiểu biết nhiều về Pháp Luân Công, còn Pháp Luân Công ở trong nước thì thường bị truyền bá mang tính thù hận, cho nên ngay từ đầu tôi đã hơi lo ngại. Nhưng một mặt nhờ nhiều học viên Pháp Luân Công sống ngoài Đại lục nói rõ sự thật giúp nhiều người hiểu Pháp Luân Công là gì. Mặt khác, cùng với quá trình tu luyện khiến một số suy nghĩ tiêu cực mang tính cá nhân của tôi cũng ngày càng tiêu tan.”
Còn ít nhất 6 triệu người tập tại Trung Quốc Đại lục
Nhà nghiên cứu Sarah Cook thuộc tổ chức nhân quyền Freedom House cho biết, cuộc điều tra tổ chức vào năm 2017 cho thấy có thể vẫn còn khoảng 6 – 20 triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại lục. Còn ở nước ngoài, số lượng người theo học Pháp Luân Công đã tăng khá nhanh.
Một báo cáo được Freedom House công bố năm 2017 cho biết có khoảng 6 – 20 triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại lục, như vậy so với trước khi bị đàn áp thì số người tập chỉ còn được khoảng 1/10 – 1/3.
Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour vì điều tra vấn đề mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc Đại lục cũng thường xuyên phối hợp với các học viên Pháp Luân Công, ông nói rằng Pháp Luân Công đã phát triển nhanh chóng ở bên ngoài Đại lục trong những năm gần đây.
“Hiện nay có khoảng 100 quốc gia trên thế giới có Hiệp hội Pháp Luân Công, đây là những gì tôi biết. Ngoài Trung Quốc Đại lục, chỉ có Bắc Triều Tiên đang đàn áp Pháp Luân Công, điều này không đáng ngạc nhiên. Nhiều quốc gia khác xem Pháp Luân Công là phong trào mới nổi.”
>> Đông đảo chính khách quốc tế lên tiếng vì Pháp Luân Công
Ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm
Ông David Kilgour cho biết, vấn đề Pháp Luân Công đang ở một bước ngoặt, cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Ông đoán rằng tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền ĐCSTQ sẽ ngày càng gánh chịu chỉ trích nặng nề hơn.
Cùng với sự gia tăng số lượng người, Pháp Luân Công đã tổ chức và tham gia rất nhiều hoạt động tại các khu vực và quốc gia bên ngoài Trung Quốc Đại lục, bao gồm các lễ kỷ niệm, diễu hành quy mô lớn được tổ chức tại các nước sở tại có Pháp Luân Công. Họ cũng phân phát tờ rơi nói rõ về cuộc đàn áp tại các tụ điểm du lịch. Trong các hoạt động này, các học viên Pháp Luân Công không chỉ nói rõ sự thật về cuộc bức hại họ ở Trung Quốc mà còn phơi bày những tội ác tàn bạo mà ĐCSTQ đã gây ra ở Trung Quốc hàng chục năm qua.
Ngày 17/7 năm nay, trước thềm kỷ niệm 20 năm lệnh cấm Pháp Luân Công của chính phủ Trung Quốc, tại Nhà Trắng Tổng thống Mỹ Trump đã gặp gỡ các đại diện của Hội nghị Bộ trưởng Mỹ về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo và bắt tay với một học viên Pháp Luân Công tên Trương Ngọc Hoa (Zhang Yuhua). Bà Trương đã từng bị cầm tù 7 năm tại Trung Quốc và sau này đào thoát đến Mỹ.
>> TT Trump gặp gỡ người tập Pháp Luân Công và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo
Sự trỗi dậy của truyền thông Pháp Luân Công
Ông Tăng Dũng (Zeng Yong), tốt nghiệp Đại học Phúc Đán, đến Mỹ vào đầu những năm 1990 và làm việc về công nghệ máy tính tại một công ty công nghệ cao ở Thung lũng Silicon, California. Sau năm 1999 khi Trung Quốc Đại lục bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, ông và vài người bạn làm việc trong ngành công nghệ cao tại Mỹ đã quyết định thành lập một đài phát thanh. Họ đặt tên cho đài là “Tiếng nói Của Hy vọng” (Sound of Hope).
Ông Tăng Dũng nói: “Thời gian chúng tôi thành lập đến nay đã 16 năm, hiện đã thành một mạng lưới phát sóng về Trung Quốc, bao phủ 80% khu vực tại Trung Quốc Đại lục. Tại Mỹ, ngoài đài phát thanh của chúng tôi còn có 15 đài khác tham gia liên kết, đã hình thành một mạng lưới phát sóng tiếng Trung tại Mỹ.”
Ngoài Sound of Hope, Pháp Luân Công còn thành lập trang web và báo giấy Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times), Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) và nhiều tổ chức truyền thông đa ngôn ngữ khác.
Ban đầu giới học viên Pháp Luân Công tại Mỹ chủ yếu là những trí thức Trung Quốc Đại lục có trình độ học vấn cao, đa số họ là người đến Mỹ du học, nhưng cũng có người đến từ Đông Nam Á và Đài Loan.
Phát triển phần mềm giúp người Trung Quốc vượt tường lửa
Cô Chung Phi (Zhong Fei) đến từ Đài Loan là người hiện đang làm việc về công nghệ mạng Internet trong một tổ chức khoa học nổi tiếng ở Mỹ, là một chuyên gia máy tính. Năm 2001 cô gia nhập một nhóm chuyên gia máy tính do những người tập Pháp Luân Công thành lập. Mục tiêu của họ là đột phá phong tỏa mạng Internet của ĐCSTQ, cung cấp những phần mềm vượt tường lửa cho người dân Trung Quốc.
Cô Chung Phi kể: “Thời điểm đó, ĐCSTQ chặn mạng Internet quá kinh khủng, vì vậy chúng tôi luôn phải tự điều chỉnh. Chúng tôi phải bám sát tình hình và luôn cập nhật phiên bản mới. Cho nên thời điểm đó có khi làm việc từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày, cứ vậy duy trì công việc được ít nhất ba năm.”
Kể từ khi Internet bùng nổ đến nay, người dân Trung Quốc Đại lục đột phá phong tỏa mạng Internet để xem thông tin ở nước ngoài chủ yếu nhờ công cụ vượt lường lửa do học viên Pháp Luân Công phát triển, bao gồm Freegate, UltraSurf, Garden, Gateway và FirePhoenix.
Ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người đứng đầu tổ chức phi chính phủ “Sức mạnh Công dân” tại Mỹ, đã có nhiều năm phối hợp với Pháp Luân Công, như tổ chức các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, cùng nhau tổ chức các cuộc kháng nghị công khai.
“Họ không chỉ viết bài, bình luận mà còn xây dựng một số kênh truyền thông, bao gồm báo Epoch Times, NTDTV và đài phát thanh, đây là điều mà nhiều tổ chức phản kháng khác không làm được. Học viên Pháp Luân Công còn phát triển phần mềm vượt tường lửa, điều này đã có ảnh hưởng to lớn đối với Trung Quốc,” ông nói.
Cường quyền không thể tiêu diệt được niềm tin tín ngưỡng
Ông Dương Kiến Lợi cho rằng, qua 20 năm kháng cự của Pháp Luân Công, điều quan trọng nhất là đã chứng minh rằng thủ đoạn dùng vũ lực để tiêu diệt tín ngưỡng của hệ thống chuyên chế độc tài toàn trị là không thể thành công được. “Điều này chứng minh với thế giới rằng, việc ĐCSTQ muốn đàn áp một nhóm người, đặc biệt là nhóm theo tôn giáo, là không thể thành công.”
Thạch Sơn (Dan Shan) và Gia Ngạo (Jia Ao)
Theo RFA
Xem thêm:
Từ khóa Tự do tôn giáo Tư do tín ngưỡng Cuộc đàn áp Pháp Luân Công Pháp Luân Công