Mới đây, cộng đồng mạng Trung Quốc chia sẻ một đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện của một lãnh đạo chống dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm trong hoạt động này tại Trung Quốc gây thảm họa cho người dân.

shutterstock 2109126236
Một điểm xét nghiệm axit nucleic trong một khu cộng đồng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây ngày 31//12/2021. (Ảnh: canghai76 / Shutterstock).

Đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện là của lãnh đạo khoa học công nghệ phòng chống dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) Trung Quốc Hoàng Vạn Thịnh (Huang Wansheng). Đoạn đối thoại tiết lộ rằng nguyên nhân chính khiến chính sách Zero COVID của Trung Quốc thất bại thảm hại là do xét nghiệm axit nucleic và việc nghiên cứu phát triển vắc-xin tiêm chủng đều bị các nhóm lợi ích quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thao túng để kiếm tiền.

Ông Hoàng Vạn Thịnh là lãnh đạo chống dịch COVID-19 làm việc trực tiếp với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Theo bách khoa toàn thư Baidu của Trung Quốc, ông Hoàng Vạn Thịnh tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải năm 1997, và tốt nghiệp Viện Triết học của Học viện Khoa học Xã hội năm 1981, từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa So sánh và Văn phòng Nghiên cứu Triết học So sánh của Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải. Từ năm 1992 – 1997 ông là Nghiên cứu viên thỉnh giảng của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp. Ông hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Yenching của Đại học Harvard (Học viện Harvard-Yenching), là học giả có tiếng quốc tế. Theo tờ Epoch Times từng cho biết, nửa năm sau khi đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán (COVID-19) bùng phát vào tháng 7/2020, ĐCSTQ đã chi 170.000 RMB để mua vé máy bay một chiều cho ông, đồng thời khẩn cấp triệu tập ông đến Trung Quốc để chỉ đạo dự án khoa học công nghệ phòng chống đại dịch COVID-19 do “đích thân lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình chỉ đạo”.

Đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện với những chia sẻ gây sốc của chuyên gia này, được cho là tại một bữa tiệc riêng ở Trung Quốc vào tháng Giêng. Ông Hoàng Vạn Thịnh chỉ ra, theo thông tin mà ông có được, có một công ty Trung Quốc đã kiếm được 670 tỷ RMB chỉ riêng từ việc xét nghiệm axit nucleic. Theo con số thu nhập kinh tế khoảng 67.000 tỷ RMB (nhân dân tệ) có được từ hoạt động chống dịch của Trung Quốc vào năm 2020 do giáo sư Lý Linh (Li Ling) của Đại học Bắc Kinh đưa ra, thì con số thu nhập không tưởng của công ty vừa kể chỉ chiếm 1% tổng nguồn thu từ chống dịch COVID-19.

Theo ông Hoàng, quyền lợi từ việc xét nghiệm axit nucleic có liên quan lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, đã dẫn đến việc nếu một khu nào đó chỉ cần có trường hợp nhiễm COVID-19 là toàn bộ khu vực phải thúc đẩy xét nghiệm cho toàn bộ người dân, do nguồn lợi khổng lồ có được từ hoạt động này. Ông nhấn mạnh rằng không có nước nào trên thế giới chống dịch theo kiểu này.

Ông cũng đề cập vấn đề đặc quyền đặc lợi trong hệ thống y tế của Trung Quốc là quá tập trung, cho nên các vấn đề bắt nguồn từ cơ chế đặc quyền này, vì quyền lợi được tập trung chủ yếu vào một nhóm: “Nguồn lực y tế của Trung Quốc tập trung ở các bệnh viện lớn, khiến các bệnh viện lớn quá tải. Sự tập trung quyền lực và lợi ích quá mức đã gây thảm họa lớn đối với tính mạng người dân Trung Quốc”.

Chuyên gia Hoàng Vạn Thịnh cho biết, đã từng viết báo cáo khuyến nghị các quan chức cấp cao học hỏi kinh nghiệm từ hệ thống y tế Mỹ. Vì nền tảng hệ thống y tế của Trung Quốc yếu kém, không thể thiết lập một cách hiệu quả hệ thống y tế công ích cho toàn dân. Ngoài ra, khả năng tự chủ nghiên cứu phát triển của Trung Quốc cũng không tốt, việc nghiên cứu phát triển thuốc, thiết bị y tế và thuốc thử xét nghiệm đều dựa vào nhập khẩu nước ngoài. Theo ông, tại Trung Quốc các khoản trợ cấp hàng năm của chính phủ và vốn tư nhân đổ vào ngành dược phẩm là vài nghìn tỷ RMB, nhưng 90% trong số đó được sử dụng để mua bằng sáng chế của nước ngoài. Hầu hết thiết bị y tế cốt lõi của Trung Quốc đều được nhập khẩu. Thiết bị CT được sử dụng phổ biến nhất do Trung Quốc sản xuất thì cho đến nay vẫn chưa kiểm định thành công.

Chuyên gia này cho biết để xác định hệ thống công ích của một quốc gia có tốt hay không thì mấu chốt ở lĩnh vực chăm sóc y tế vì liên quan đến tính mạng con người một cách trực tiếp, thứ hai là hệ thống giáo dục và dưỡng lão.

Thiên Bình, Vision Times

Xem thêm: