Ông Tập hứa không khai chiến, đích thân ra lệnh bắn tên lửa vào vùng biển Nhật Bản?
- Miêu Vi
- •
Kể từ ngày 1/8, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gồm 7 thành viên Ủy ban Thường vụ đã “ẩn thân” hơn 10 ngày, cho thấy Hội nghị Bắc Đới Hà có thể đang được diễn ra. Giới quan sát dự kiến, Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ quyết định bố trí nhân sự của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, đồng thời cũng sẽ tập trung vào các vấn đề như tình hình eo biển Đài Loan và quan hệ Trung – Mỹ.
Ủy ban thường vụ ĐCSTQ sẽ có sự thay đổi, Bộ Chính trị sẽ thay 11 người?
Ngày 12/8, tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đăng bài viết trên trang đầu với tiêu đề tăng cường an ninh lương thực, và ông Tập Cận Bình và một số thành viên trong Ban Thường vụ ĐCSTQ tiếp tục không xuất hiện.
Tờ Minh Báo (Ming Pao) tại Hồng Kông đã đăng một bài phân tích bình luận vào ngày 11/8. Theo thông lệ của ĐCSTQ, kế hoạch nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đã được chuẩn bị vào tháng Năm và tháng Sáu, và về cơ bản nó đã được hoàn thiện sau khi hội nghị Bắc Đới Hà vào tháng Tám, và quyết định tại cuộc họp Bộ Chính trị vào tháng Chín.
Theo luật bất thành văn của Bộ Chính trị ĐCSTQ, trong tình huống ông Tập Cận Bình quá tuổi tái cử, chỉ có ông Lật Chiến Thư và Hàn Chính có lẽ sẽ giải nhiệm do đã quá tuổi nghỉ hưu, với số lượng 7 thành viên Ủy ban Thường vụ không thay đổi thì sẽ có 2 vị trí trống. Nhưng ngoại giới suy đoán rằng ngoài ông Lý Cường và ông Thái Kỳ phù hợp điều kiện vào Ủy ban thường vụ, còn có ông Hồ Xuân Hoa, Đinh Tiết Tường và Trần Mẫn Nhĩ.
Phân tích chỉ ra rằng tại Hội nghị Bắc Đới Hà lần này, trọng tâm của các cuộc thảo luận trong nội bộ đảng có thể là vấn đề rốt cuộc ngoài ông Tập Cận Bình ra, toàn bộ thành viên Ban thường vụ ĐCSTQ rút lui hay là có phương án thỏa hiệp mới.
Các ứng cử viên cho các vị trí Ủy viên Bộ Chính trị khóa mới của ĐCSTQ cũng thu hút nhiều sự chú ý. Ming Pao bình luận rằng mặc dù quan trường của ĐCSTQ luôn hoạt động trong hộp đen, nhưng theo thành phần của các ủy viên Bộ Chính trị trước đây, những người vào Bộ Chính trị khóa mới chủ yếu đến từ 3 nguồn chính, một là quan chức địa phương, còn lại là các quan chức cấp phó quốc gia, và thứ ba là từ Chính phủ Trung ương.
Bài báo phân tích rằng Bộ Chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 sẽ thay thế 11 người, ngoại trừ hai phó chủ tịch Quân ủy, và khoảng 5 đến 6 quan chức địa phương, bao gồm Bí thư Tân Cương Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), Bí thư Hồ Bắc Vương Mông Huy (Wang Menghui), Bí thư Liêu Ninh Trương Quốc Thanh Zhang Guoqing), Thị trưởng Thượng Hải Cung Chính (Gong Zheng), Bí thư Tứ Xuyên Vương Hiểu Huy (Wang Xiaohui), Bí thư Sơn Đông Lý Cán Kiệt (Li Ganjie), Bí thư Hồ Bắc Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng) và Bí thư Liêu Ninh, đều là những ứng cử viên tiềm năng.
Ngoài ra, có khoảng 2 hoặc 3 người cho các bộ và ủy ban. Thân tín của ông Tập Cận Bình, Thứ trưởng Bộ tuyên truyền Trung ương Lý Thư Lỗi (Li Shulei), Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) và Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính trị Trung ương Uông Kim Quyền (Jiang Jinquan) có cơ hội cao.
Đối với các ứng cử viên cấp phó quốc gia có thể được chọn gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng), Ủy viên Quốc vụ Tiêu Tiệp (Xiao Jie), và Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Thẩm Diệu Diệu (Shen Yueyue).
Theo thông lệ trước đây của ĐCSTQ, các lãnh đạo cao nhất của bốn thành phố trực thuộc Trung ương là Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh và Thiên Tân, cũng như Quảng Đông và Tân Cương đều sẽ là ứng cử viên Bộ chính trị. Khi ông Mã Hưng Thụy thay thế ông Trần Toàn Quốc phụ trách Tân Cương vào năm ngoái, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng ông đã có được tấm vé vào Bộ Chính trị. Các lãnh đạo cao nhất của Quảng Đông và các thành phố trực thuộc trung ương khác sẽ được thay thế.
Trong số đó, Thượng Hải luôn là chong chóng chỉ hướng nhân sự của giới chính trị. Gần đây, một số tỉnh và thành phố ở Trung Quốc đã tổ chức họp báo với chủ đề “Thập kỷ này của Trung Quốc“, các quan chức địa phương lại một lần nữa khởi xướng cao trào tâng bốc ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, ông Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đã vắng mặt trong “cuộc họp biểu thị trung thành” được tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 8/8 và chỉ có Thị trưởng Cung Chính tham dự. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng ông Lý Cường có thể đến Bắc Kinh trước lịch trình cho “bổ nhiệm khác“. Thị trưởng Thượng Hải Cung Chính vẫn luôn được coi là một trong những ứng cử viên thay thế ông Lý Cường.
Tuy nhiên, truyền thông chính quyền Thượng Hải đưa tin, ông lý Cường xuất hiện và đi thị sát tại Tân khu Phố Đông và quận Mẫn Hàng vào ngày 10/8.
Quan hệ Trung – Mỹ và tình hình eo biển Đài Loan dự kiến sẽ là trọng tâm
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã thăm Đài Loan từ tối ngày 2/8 đến chiều ngày 3/8 theo giờ Bắc Kinh, trở thành nhân vật chính trị cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan trong 25 năm. Căng thẳng ở eo biển Đài Loan do chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi tiếp tục gia tăng, quân đội ĐCSTQ tiếp tục uy hiếp Đài Loan các phát biểu đe dọa, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận chung hải quân và không quân quy mô lớn xung quanh eo biển Đài Loan. Dự kiến, đây sẽ là tâm điểm của hội nghị Bắc Đới Hà.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã phân tích rằng các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ chỉ là màn trình diễn chính trị, và chúng nhằm thể hiện cái gọi là sức mạnh hùng hậu của ĐCSTQ cho người dân Trung Quốc xem.
Theo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm 12/8, bốn ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Biden và đưa ra thông điệp: Bây giờ không phải là lúc cho một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Bản tin của WSJ cho biết, theo nguồn tin thân cận với tầng quyết sách của Trung Quốc, ông Tập thất vọng khi những nỗ lực ngoại giao trong nhiều tháng đã không ngăn được chuyến thăm của bà Pelosi.
Nguồn tin cũng nói với WSJ rằng sau khi bà Pelosi rời Đài Loan, sở dĩ Trung Quốc đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, là vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn có vẻ ngoài rất quyền lực, nhưng không kích động phản ứng leo thang từ Mỹ và các đồng minh.
Các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ không chỉ làm căng thẳng thêm quan hệ Trung – Mỹ mà còn khiến Nhật Bản lo ngại về an ninh quốc gia của mình. Ngày 5/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên án ĐCSTQ phóng nhiều tên lửa đạn đạo xung quanh Đài Loan, trong đó Nhật Bản nói rằng 5 tên lửa trong số đó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc đã khiến quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng hơn, đồng thời làm gia tăng lo ngại về an ninh giữa các đồng minh của họ.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng, trong cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ nhắm vào Đài Loan, 5 tên lửa đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, đây là do ông Tập Cận Bình đích thân ra lệnh.
Bản tin cho biết, quân đội ĐCSTQ đã đệ trình 2 kế hoạch tập trận cho ông Tập, một kế hoạch bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và kế hoạch tránh các vùng biển liên quan để tránh làm tổn hại quan hệ Trung – Nhật. Tập Cận Bình cuối cùng đã chọn phương án bao trùm khu kinh tế của Nhật Bản, một trong những mục đích là để cảnh báo Chính phủ Nhật Bản không nên can thiệp vào vấn đề eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Tập Cận Bình đang phản tác dụng, không chỉ đề cao vị thế quốc tế của Đài Loan mà còn hình thành thế đối đầu với Nhật Bản. Một số học giả Nhật Bản đã lên tiếng một lần nữa, cho rằng việc sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu.
Từ khóa Tập Cận Bình Đài Loan Nhật Bản Hội nghị Bắc Đới Hà Joe Biden Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan