Tại G-20, ông Tập hứa Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế
- Xuân Thành
- •
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại thượng đỉnh G-20, Osaka, Nhật Bản hôm thứ Sáu (28/6). Trong bài phát biểu này, ông Tập đã đưa ra lời hứa rằng chế độ Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế.
Trong bài phát biểu trước tất cả các lãnh đạo quốc gia dự thượng đỉnh G-20, ông Tập đã thông báo 5 khuyến khích mà chế độ Trung Quốc sẽ thực hiện.
Ông Tập hứa sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc hơn nữa và tăng nhập khẩu nước ngoài, nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách giảm thuế nhập khẩu, theo Tân Hoa Xã. Đây là những yêu cầu mà các nhà đàm phán Mỹ đã đưa ra trong suốt các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung thời gian qua.
Chủ tịch Trung Quốc cũng hứa đối xử công bằng với tất cả các doanh nghiệp đăng ký tại Trung Quốc và sẽ làm việc để xóa bỏ các rào cản tham gia thị trường Trung Quốc.
Ông Tập cũng nói Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các hiệp định thương mại, trong đó có hiệp định Trung Quốc – Liên minh Châu Âu và hiệp định Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc. Mỹ cũng đã đang theo đuổi các hiệp định song phương tương tự với Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Tháng Bảy năm ngoái Mỹ đã ký hiệp định thương mại với EU, thỏa thuận được cho là nỗ lực chung nhằm đối phó với Trung Quốc.
Trong phát biểu của mình, lãnh Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động rất tốt.
Tuy nhiên, học giả Trung Quốc có cái nhìn trái ngược ông Tập về thực trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Yu Yongding, học giả của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một viện nghiên cứu nhà nước, trong một sự kiện do Đại học Nhân Dân Trung Quốc tổ chức hôm 26/6, đã nói rằng tranh chấp thương mại Mỹ – Trung đã tác động rất lớn tới nền kinh tế Trung Quốc. Ông Yu nói thêm rằng việc Mỹ cấm xuất khẩu đối với một số công ty công nghệ Trung Quốc sẽ cho thấy là một đòn chí mạng.
Hãng tin Đài Loan CNA đưa tin ông Yu trích dẫn một báo cáo của UBS khảo sát 450 công ty có vốn đầu tư nước ngoại tại Trung Quốc, thì 82% nói rằng họ đang chuẩn bị chuyển hoặc đã chuyển nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.
Ông Yu giải thích rằng sau khi các nhà chức trách Mỹ tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đa số các công ty nước ngoài đã lên kế hoạch chuyển 20% tới 60% sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc trong các năm 2020 và 2021. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ thông tin.
Bộ Thương mại Mỹ gần đây đã đặt lệnh cấm Tập đoàn Huawei và 5 công ty siêu máy tính khác của Trung Quốc với lý do rủi ro an ninh quốc gia trong việc các nhà cung cấp Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc này.
Ông Yu nói rằng động thái nêu trên của Mỹ sẽ làm cho các công ty Trung Quốc khó có thể tồn tại vì nhiều doanh nghiệp trong số này phụ thuộc vào linh kiện và công nghệ Mỹ.
Ông Yu phân tích rằng Trung Quốc có ba giải pháp tiềm năng: tách biệt khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và tự làm mọi thứ; chào đón chuỗi cung ứng toàn cầu một cách chủ động; hoặc chuẩn bị các nguồn cung thay thế cho công nghệ Mỹ.
Theo ông Yu, lựa chọn thứ ba sẽ không hiệu quả vì việc phát triển công nghệ trong thời gian ngắn là gần như không thể. Với lựa chọn thứ hai, Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào các quốc gia khác. Trong khi đó, lựa chọn đầu tiền là khó đạt được.
Ông Yu cũng đề cập đến khả năng các nhà chức trách Mỹ sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt tài chính, điều sẽ tàn phá nền kinh tế Trung Quốc vì tất cả các ngân hàng Trung Quốc đều dựa vào hệ thống ngân hàng quốc tế do Washington chi phối.
Ông Tập sẽ có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G-20 với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào 11:30 ngày thứ Bảy 29/6 (giờ Nhật Bản). Cuộc gặp này sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức tới xu hướng thương chiến Mỹ – Trung.
Cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow trong cuộc phỏng vấn Fox News hôm 27/6 đã nói rằng ông Trump lạc quan về kết quả cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc. “Tổng thống Trump mong chờ cuộc gặp này. Chúng tôi tin rằng có khả năng Trung Quốc sẽ quay lại bàn đàm phán nếu cuộc gặp đó diễn ra tốt đẹp.”
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình kinh tế Trung quốc G-20