Tân Hoa Xã Trung Quốc bị cáo buộc “ăn không nói có”
- Huệ Anh
- •
Bên cạnh cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ nổ ra, nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, vấn đề “sụt giảm chi tiêu” đã trở thành vấn đề được quan tâm. Gần đây Tân Hoa Xã công bố một bài báo nhằm phản bác lại quan điểm “chi tiêu giảm sút” này, đã trích dẫn lời của giáo sư Phùng Cương (Feng Gang) tại Đại học Chiết Giang nhằm tăng cường độ tin cậy cho lập luận. Tuy nhiên, không lâu sau khi thông tin công bố, giáo sư Phùng Cương đã lên tiếng rằng ông chưa nhận được phỏng vấn của Tân Hoa Xã. Ông “chưa từng nói một lời nào” như trích dẫn mà Tân Hoa Xã dẫn ra.
Gần đây Tân Hoa Xã Trung Quốc đưa tin về mức tiêu dùng của xã hội Trung Quốc đã bị cáo buộc “ăn không nói có” (Ảnh: Getty Images)
Tân Hoa Xã bị cáo buộc đưa tin giả
Thời gian gần đây vấn đề “sụt giảm chi tiêu” tại của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế dòng chính. New York Times ngày 23/8 công bố bài viết chỉ ra nhiều nơi trên thế giới cũng cảm nhận rõ hoạt động giao dịch chi tiêu tại Trung Quốc sụt giảm. Nhật báo Kinh tế Hồng Kông (Hket) cho biết, một lý do quan trọng của xu thế chi tiêu sụt giảm tại Trung Quốc Đại lục là hiệu ứng giàu có do nhà cầm quyền Trung Quốc dùng đòn bẩy mang lại đã suy yếu và tình trạng sụt giảm thu nhập dự kiến (anticipated revenue).
BBC tiếng Trung trích dẫn quan điểm của một chuyên gia tại Trung Quốc nói rằng đi cùng tình trạng nền kinh tế đình trệ, giá nhà đất tại hầu hết đô thị Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, kể từ đầu năm nay đồng nhân dân tệ đã mất giá khá nhiều, cộng thêm sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và sự sụp đổ của mô hình P2P, một làn sóng lớn trong tầng lớp trung lưu đô thị phải “thắt lưng buộc bụng”.
Trong khi giới truyền thông nước ngoài chú ý đến xu thế chi tiêu tại Trung Quốc đại lục đi xuống nhanh chóng thì giới truyền thông nhà nước Cộng sản Trung Quốc đã công bố một loạt bài viết bác bỏ quan điểm này. Ngày 08/9 Tân Hoa Xã công bố bài viết đặc biệt trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia học giả và người tiêu dùng nói rằng, ở Trung Quốc đại lục hiện nay, mức giá Trá Thái (Zhacai) và rượu trắng Trung Quốc (Erguotou) không hạ giá mà trái lại là tăng giá, nền kinh tế Trung Quốc không đi xuống mà là đang có sự điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng, mức sống vật chất của người dân Trung Quốc đang đi lên.
Bài viết đặc biệt trích dẫn quan điểm của giáo sư xã hội học Phùng Cương tại Đại học Chiết Giang cho biết, “Thực tế, những sản phẩm chất lượng cao giá tốt của Trung Quốc như Zhacai và Erguotou có xu thế được xem trọng, thực chất là biểu hiện quan niệm chi tiêu của người Trung Quốc được nâng cấp, quyết định chi tiêu có tính thực dụng hơn.”
Nhưng bài viết đã dẫn đến bùng nổ làn sóng dư luận công kích và giáo sư Phùng Cương cũng trở thành đối tượng của những lời chỉ trích cư dân mạng. Sau đó, giáo sư Phùng Cương đã đăng trên Weibo dòng trạng thái cải chính thông tin, cho biết ông đã không nhận được một cuộc phỏng vấn nào của Tân Hoa Xã.
Ngày hôm sau, thông qua báo Phượng Hoàng, giáo sư Phùng Cương tiếp tục công khai phủ nhận lời trích dẫn trên Tân Hoa Xã. Giáo sư Phùng Cương làm rõ rằng ông chưa từng nói “Zhacai và Erguotou có xu thế được xem trọng, thực chất là biểu hiện quan niệm chi tiêu của người Trung Quốc được nâng cấp, quyết định chi tiêu có tính thực dụng hơn”. Ông nhấn mạnh ông chưa hề nói những từ mà Tân Hoa Xã trích dẫn.
Giáo sư Phùng Cương cũng tiết lộ rằng những sự cố tương tự trước đây cũng đã nhiều lần xảy ra, rất nhiều cơ quan truyền thông đã làm như vậy. Tuy nhiên, mũi dùi dư luận lần này là nhằm vào ông, vì vậy ông phải làm rõ.
Truyền thông nhà nước làm trò cười cho quốc tế
Trong thực tế, nhiều cơ quan truyền thông của nhà nước Cộng sản Trung Quốc thường xuyên bóp méo thông tin, trích dẫn không đầy đủ ý kiến chuyên gia cho phù hợp quan điểm của họ. Đầu năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 tổ chức ở Davos Thụy Sĩ, Nhật báo Trung Quốc (China Daily) công bố một bài viết trích dẫn lời của Thị trưởng Davos Tarzisius Caviezel cho biết: Bên tổ chức chương trình nghị sự của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chịu trách nhiệm quyết định chủ đề của diễn đàn này, họ đã trích dẫn một số thảo luận quan trọng từ một bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, điều quan trọng là họ không chỉ trích dẫn ý kiến, mà toàn bộ chương trình nghị sự dựa trên những tư tưởng quan trọng được biểu đạt trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, tạp chí trực tuyến Quartz của Mỹ đã phát hiện ra rằng, Nhật báo Trung Quốc dẫn lời thị trưởng Caviezel của Davos đã không chuẩn xác mà được chế biến lại. Trả lời tờ Quartz, trợ lý thị trưởng Caviezel cho biết, Caviezel không nói “Toàn bộ chương trình nghị sự dựa trên những tư tưởng quan trọng được biểu đạt trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình”.
Giáo sư Roderick MacFarquhar ngành Khoa học Lịch sử và Chính trị tại Đại học Harvard cũng đã trải qua sự cố tương tự. Tháng 10/2015, Roderick MacFarquhar đã công bố một số quan điểm tại một hội nghị của chính quyền Bắc Kinh, nhưng Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã đăng tải xuyên tạc ý kiến ban đầu của Roderick MacFarquhar khiến ông phải viết email khiếu nại.
Vào tháng Một cùng năm, Nhật báo Trung Quốc trích dẫn quan điểm của Peter Hessler (Mỹ) trên tờ New Yorker tại Mỹ ca ngợi mô hình chính trị Cộng sản Trung Quốc nhưng không chính xác, và Peter Hessler đã phải lên tiếng chia sẻ rằng rõ ràng lời trích dẫn đã bóp méo nội dung ông trả lời tờ New Yorker, nội dung trích dẫn đã bỏ những phần quan trọng, bị chỉnh sửa.
Năm 2012, Rory Medcalf, Viện trưởng Học Viện An ninh Quốc gia tại Đại học Quốc gia Úc đã phát hiện Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trích dẫn nhận định của ông, nhưng Rory Medcalf cho biết rằng ông chưa bao giờ đồng ý viết bình luận cho cơ quan truyền thông này, nội dung của bài viết đã bóp méo quan điểm của ông. Ông nhấn mạnh: “Từ vấn đề khó xử này cho thấy, truyền thông Trung Quốc và toàn xã hội Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nan giải.”
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa nói dối tin tức giả Tân Hoa Xã