Tập Cận Bình thăm Nga để ‘nhờ viện binh’ đối phó Mỹ?
- Trí Đạt
- •
Hôm 5/6, ông Tập Cận Bình đã đến thăm nước Nga, trong lúc chiến tranh thương mại đang liên tiếp leo thang, chuyến thăm nước ngoài này của ông Tập cũng đã khiến dư luận chú ý. Có kênh truyền thông phân tích, chuyến đi này của ông Tập là vì không trụ nổi chiến tranh thương mại nữa, không còn cách nào khác nên đã nghĩ đến việc bắt tay với Nga. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có thể đã tính sai, quan hệ Trung – Nga thực tế là “bằng mặt mà không bằng lòng”, lợi dụng lẫn nhau, Nga rất có thể nhân cơ hội này chém một nhát dao sau lưng ĐCSTQ.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngày 5/6, ông Tập Cận Bình đã đến Moscow, chính thức có chuyến thăm cấp quốc gia với Nga, đồng thời, ông Tập cũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg lần thứ 23 tại Nga.
Giới quan sát phổ biến cho rằng, trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn đang liên tiếp leo thang, ông Tập Cận Bình gấp rút thăm Nga là có ý muốn “củng cố hậu phương”.
Có kênh truyền thông phân tích, trong cuộc đối kháng với Mỹ, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không còn lực chống đỡ, kinh tế xuất hiện dấu hiệu đi xuống, chuyến đi này của ông Tập là muốn bắt tay với Nga để nhờ viện binh.
Tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng, e là Bắc Kinh đã tính sai khi muốn “liên thủ Nga để đối kháng Mỹ”. Quan hệ Trung – Nga là “bằng mặt không bằng lòng”, nên khi Mỹ nâng mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, Nga cũng có thể nhân cơ hội này để chém một nhát dao sau lưng ĐCSTQ. Có thể nói, trong cuộc chiến thương mại này, ĐCSTQ hai mặt thọ địch.
Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin hôm 15/5, Bộ trưởng Tài chính Nga đột nhiên tuyên bố, thuế quan xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ tăng 5,8 USD từ ngày 1/6 lên mức 110,4 USD mỗi tấn. Việc Nga đột nhiên tăng thuế quan xuất khẩu dầu mỏ chắc chắn sẽ tạo ra cú sốc lớn đến Trung Quốc.
Do Mỹ phong tỏa xuất khẩu dầu mỏ của Iran, nên Trung Quốc đã phải nhập lượng lớn dầu mỏ từ Nga. Tính theo dữ liệu nhập khẩu năm 2018, chỉ riêng về tăng thuế, phía Trung Quốc phải chi trả cho Nga ít nhất 410 triệu USD thuế quan mỗi năm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 462 triệu tấn dầu thô, trong đó, nhập từ Nga là 71,49 triệu Tấn (tương đương 1,43 triệu thùng/ngày).
Có cư dân mạng bình luận nói, “Nga mới chính là sói mắt trắng lớn nhất, từ lâu nay vẫn là như vậy.”
Có người nói, “Khủng hoảng Iran ngày càng nghiêm trọng, ĐCSTQ lập tức muốn tìm quốc gia khác để thay thế, nhưng lại bị người ta ‘chém’ cho một dao, ăn chắc ĐCSTQ.”
Trước đó, trong lúc chiến tranh thương mại đang leo thang, hôm 13/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm Nga vội vã. Ông Vương tán dương mối quan hệ Trung – Nga, đồng thời cho biết trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Trung Quốc “tuyệt đối không thỏa hiệp”.
Nhưng Nga lại biểu hiện ra thái độ “việc không liên quan đến tôi”, ngày hôm sau, ông Dmitry Peskov – người phát ngôn Tổng thống Nga nói rằng, “đây không phải là cuộc chiến tranh của chúng ta”.
Ông còn nói, “Moscow hy vọng tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Washington và Bắc Kinh”. Điều này có ý nói, đối với tranh chấp Mỹ – Trung, Nga chỉ là đứng ngoài cuộc, giữ thái độ ngư ông đắc lợi.
Mỹ cũng không lạc quan về quan hệ Trung – Nga, Michael Collins – Phó trợ lý Giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ gần đây đã nói trong một hội thảo rằng, Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh.
Ai Rong, một chuyên gia về các vấn đề Nga ở Mỹ cho rằng, mặc dù ông Putin và ông Tập Cận Bình gọi nhau là bạn tốt, nhưng quan hệ Trung – Nga không còn như ngày xưa. Trung Quốc và Nga có những trở ngại về kinh tế, ngoại giao và không thể kết thành một liên minh thực sự.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á thông qua Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, và sáng kiến này gần như không tương thích với “Cộng đồng Kinh tế Á – Âu” của Nga, hai bên đang cạnh tranh quyết liệt vì lợi ích ở khu vực Trung Á.
Có tin đồn rằng ông Putin đã phủ quyết dự án đường sắt cao tốc Moscow-Kazan, cho rằng khoản đầu tư cho dự án này rất lớn và rất khó để thu hồi vốn. Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng tin tức này chắc chắn là một đòn nặng đối với “Một vành đai, Một con đường” của ĐCSTQ.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Trung Quốc Nga quan hệ Nga - Trung Putin