Chiến tranh thương mại tiếp tục khiến nội bộ ĐCSTQ chia rẽ
- Trí Đạt
- •
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gần đây tiếp tục leo thang, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động lại cuộc chiến thuế quan, phía Trung Quốc đã phản kích lại. Tuy nhiên, theo truyền thông Hồng Kông tiết lộ, có không ít người trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc không đồng tình với cách làm “đá chọi đá” của chính quyền Bắc Kinh. Một số người thuộc phái ôn hòa của ĐCSTQ và thế hệ đỏ thứ hai đã cảnh báo chính quyền Bắc Kinh, đừng có chiến tranh thương mại với Mỹ, bởi vì Trung Quốc không thể làm nổi kẻ thù hàng đầu của Mỹ. Kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ đến nay, ít nhất đây là lần thứ 3 nội bộ ĐCSTQ có sự chia rẽ.
(Ảnh từ Getty Images)
Vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 không kết quả, nội bộ ĐCSTQ bất đồng
Do hồi đầu tháng 5, chính quyền Trung Quốc đột nhiên trở mặt hủy cam kết, khiến cho ông Trump tức giận, và đã quyết định khởi động vòng thuế quan mới trong tháng 5. Sau đó, vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ 11 diễn ra vào ngày 9 – 10/5 cũng không có kết quả, chính quyền Tổng thống Trump đã điều chỉnh tăng mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5. Hiện tại, hai bên Mỹ – Trung vẫn chưa xác định thời gian cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo.
Trong thời gian này, chính quyền Trung Quốc cũng tuyên bố phản kích lại Mỹ, tối ngày 13/5, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu từ ngày 1/6 sẽ nâng mức thuế quan đối với một bộ phận hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng bắt đầu có khuynh hướng cứng rắn. Nhưng cùng với đó, tiếng nói chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tiếp tục truyền ra ngoài.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin hôm 12/5, một số nhân vật thuộc phái ôn hòa và có ảnh hưởng trong nội bộ ĐCSTQ yêu cầu chính quyền ĐCSTQ cần xem xét lại chiến lược tổng thể đối với Mỹ.
SCMP dẫn lời của quan chức ĐCSTQ đã nghỉ hưu Trương Mộc Sinh (Zhang Musheng) nói rằng, nhiều năm qua ĐCSTQ đã quá tùy tiện muốn gì làm lấy, không thể nhận thức được Mỹ – Trung có chênh lệch rất lớn trong rất nhiều lĩnh vực. Tầng lãnh đạo của ĐCSTQ cần phải tiến hành điều chỉnh một số chính sách.
Ông Trương Mộc Sinh từng là người đứng đầu tòa soạn tờ tạp chí “Thuế vụ Trung Quốc”, ông có mối quan hệ mật thiết với cựu tướng lĩnh quân đội Lưu Nguyên – con trai ông Lưu Thiếu Kỳ, Trương Mộc Sinh được coi là cố vấn của Lưu Nguyên.
SCMP còn cho biết, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Lý Nhược Cốc trước đó có tham gia một diễn đàn và phát biểu rằng, dù cho Trung – Mỹ có đạt được thỏa thuận hay không, thì Bắc Kinh vẫn cần phải duy trì mối quan hệ với Mỹ, bởi vì đối kháng toàn diện với Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc.
Quan điểm này của Lý Nhược Cốc được nhiều nhân sĩ tự do ở Trung Quốc tán đồng, trong đó có nhiều người là thế hệ đỏ thứ hai có sức ảnh hưởng như Hồ Đức Bình (Hu Deping) – con trai của cố Bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang.
Tôn Vân (Sun Yun) Giám đốc các chương trình về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) cho biết, nếu chính sách của Trung Quốc có bất cứ thay đổi nào, có thể là Trung Quốc không thể nào chịu được áp lực trở thành kẻ địch lớn nhất của Mỹ.
Ít nhất đã có 3 làn sóng chia rẽ nội bộ ĐCSTQ
Tờ SCMP tiết lộ, nội bộ ĐCSTQ có ý kiến khác nhau trong việc ứng phó với chiến tranh thương mại, và từ năm ngoái, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, liên tiếp có tin đồn nói nội bộ ĐCSTQ chia rẽ.
Trong khoảng tháng 7 – 8 năm ngoái, trước và sau khi ĐCSTQ khai mạc hội nghị bí mật Bắc Đới Hà, Reuters từng dẫn nguồn tin nói rằng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thực sự khiến cho nội bộ ĐCSTQ chia rẽ, trong đó có ông Vương Hỗ Ninh bị rơi vào phiền phức. Ông Vương Hỗ Ninh bị phê bình là sử dụng “chủ nghĩa dân tộc một cách quá độ” để dẫn hướng sai ông Tập Cận Bình từ đó khiến Mỹ tức giận, và làm cho lập trường của Mỹ trở nên cứng rắn hơn.
Tháng 10/2018, sau khi ông Tập Cận Bình hoàn thành chuyến khảo sát Quảng Đông, trong phát biểu nhân dịp 40 năm cải cách mở cửa đã không nhắc đến ông Đặng Tiểu Bình, việc này được coi là tiếng nói bất đồng trong nội bộ ĐCSTQ đã nổi ra bề mặt. Trong khi đó, trên mạng lan truyền bài viết phát biểu của Đặng Phác Phương (con trai ông Đặng Tiểu Bình), nhắc nhở người cầm quyền nên “thực sự cầu thị”, “giữ đầu óc thanh tỉnh, tự biết lượng sức mình”. Phát biểu này của Đặng Phác Phương ủng hộ “Lý luận Đặng Tiểu Bình” nhưng lại không đề cập đến “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Đây được coi là làn sóng chia rẽ trong nội bộ ĐCSTQ thể hiện ra bên ngoài với hình thức “cuộc chiến cải cách mở cửa”.
Ngày 3/5, Đài Á châu Tự do xuất bản bài viết chỉ ra, có tin nói rằng cao tầng của ĐCSTQ dường như có một chỉ thị nội bộ về vấn đề tuyên truyền lý luận, đó là cần cảnh giác với những người có dụng tâm lấy danh nghĩa Đặng Tiểu Bình để phản đối Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, xung đột giữa thế hệ con của ông Hồ Diệu Bang và chính quyền cũng biểu hiện ra ngoài.
Trước đó, con trai thứ ba của ông Hồ Diệu Bang là Hồ Đức Hoa (Hu Dehua) bị chính quyền yêu cầu phải chuyển khỏi căn nhà mà ông Hồ Diệu Bang cư trú khi còn sống ở Quận Tây Thành, Bắc Kinh; sau đó dưới áp lực của dư luận, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã bố trí một căn nhà rộng 250 mét vuông cho Hồ Đức Hoa, và ông được ở với hình thức thuê theo tháng.
Ông Hồ Đức Hoa năm nay 70 tuổi cùng những nhân vật phái tự do trong ĐCSTQ như Lý Nhuệ, Đỗ Đạo Chính có mối quan hệ mật thiết, thường hay phê bình thể chế hiện tại.
Con trai cả của ông Hồ Diệu Bang là Hồ Đức Bình, do bị cuốn vào tranh chấp “quốc tiến dân lùi” trong giới kinh tế, nên cũng khiến chính quyền không vui.
Từ năm 2018 đến nay, lý luận “quốc tiến dân lùi” liên tiếp nâng cấp, tháng 9/2018 lộ ra lý luận “thoái trào kinh tế tư nhân”, ông Hồ Đức Bình công khai nhắc lại văn kiện số 15 năm 1991 của Trung ương ĐCSTQ, yêu cầu các doanh nghiệp hợp doanh công – tư cảnh giác, lấy danh nghĩa công để làm lợi bản thân đã chứng minh sẽ phải trả cái giá rất nặng nề. Hồ Bình cho rằng nếu hình thành trào lưu không có ai đưa ra ý kiến phê bình, vậy thì hậu quả sẽ rất đáng sợ.
Tháng 1/2019, SCMP đưa tin, ngày 16/1, ông Hồ Đức Bình tham gia một hội thảo tại Bắc Kinh do Trung tâm nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Hồng Phạm (Hongfan Legal and Economic Studies) tổ chức, tiếp tục phê phán cách làm dùng hệ thống chính trị tập quyền cao độ và hệ thống kinh tế cứng nhắc.
Cuối năm ngoái, Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan từng đưa tin và dẫn lời của Giáo sư chính trị học Cao Kính Văn công tác tại Đại học Tẩm Hội Hồng Kông, theo đó, ông cho rằng ĐCSTQ hiện vẫn chưa giải quyết được tranh nghị trong nội bộ về vấn đề làm thế nào để xử lý chiến tranh thương mại với Mỹ và làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy cải cách, cho đến việc liệu phải do thúc đẩy lại cải cách mà xuất hiện “chia rẽ nghiêm trọng”.
Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 ĐCSTQ nhiều lần trì hoãn, cũng bị cho là do tiếng nói tranh nghị trong nội bộ quá lớn.
Phần tử tri thức Trung Quốc mong chiến tranh thương mại có thể thay đổi chính trị Trung Quốc
Điều đáng chú ý là, trong xã hội Trung Quốc hiện nay, các phần tử tri thức có nhiều kênh để nắm bắt được thông tin, nên cũng tán đồng với quan điểm của phái tự do trong ĐCSTQ.
Ngày 12/5, RFA đưa tin, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, cũng được phần tử tri thức Trung Quốc một lần nữa hoan hô, họ hy vọng dùng chiến tranh với Mỹ để thúc đẩy chính trị Trung Quốc xuất hiện chuyển biến từ gốc rễ.
Bản tin dẫn lời của ông Đàm ở Hồ Nam chỉ ra, người tán đồng với giá trị phổ quát, chắc chắn ủng hộ Mỹ tăng thuế quan. Nếu số người ủng hộ tăng thuế quan ngày càng nhiều, thì điều này có nghĩa là chính quyền coi như gặp rắc rối. Hiện tại, nhìn vào sự việc này, chính là đã phân hóa rất rõ. Những nhân sĩ có khuynh hướng theo phái tự do đã cùng nhau hoan hô, còn đại đa số người dân bình thường không có được thông tin từ bên ngoài, thì lại tin vào những gì mà chính chính quyền nói, cho rằng là âm mưu để đế quốc Mỹ chèn ép sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Đây có lẽ là nguyên nhân mà từ trước đến giờ ĐCSTQ dùng mọi cách để tăng cường phong tỏa internet và kiểm soát truyền thông đưa tin.
Có phân tích cho rằng, trong chiến tranh thương mại, ông Trump đã nhắm vào chính quyền ĐCSTQ. Giới quan sát cũng phát hiện, chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, từ lâu đã điều chỉnh chiến lược, trong các văn kiện chính thức của “Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ”, “Báo cáo Chiến lược quốc phòng Mỹ”, v.v, đều coi ĐCSTQ là “kẻ địch”, không phải là chủ nghĩa khủng bố. Sự điều chỉnh chiến lược trọng tâm của Mỹ cũng đồng nghĩa xung đột trong các vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chỉ đơn thuần là trong chiến tranh thương mại, mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực như hình thái ý thức, quân sự, công nghệ, mạng internet, tôn giáo, v.v.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Vương Hỗ Ninh chiến tranh thương mại Hồ Đức Bình Hồ Đức Hoa