Thiếu tiền mặt, nhiều công ty Trung Quốc rơi vào cảnh khốn đốn
- Xuân Lan
- •
Đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp tại Trung Quốc phải đối mặt với điều khoản thanh toán ngày càng kéo dài. Nghiên cứu mới của công ty bảo hiểm Coface cho thấy tình trạng dòng tiền mặt ngày càng xấu hơn đối với nhiều công ty từ cuối năm 2019, khiến những doanh nghiệp này rơi vào cảnh khốn đốn.
Trong những năm gần đây, công ty dệt và đồ nội thất ở tỉnh Chiết Giang của ông Xie Jun thường phải chờ từ 2 tới 3 tháng để được thanh toán cho các lô hàng đã giao.
Nhưng giờ đây, một nửa thời gian của năm 2020 đã trôi qua mà ông vẫn chưa nhận được tiền cho các lô hàng đã bán vào tháng 11 năm ngoái. Nền kinh tế phát triển chậm, cùng với tác động của đại dịch corona, đã làm gián đoạn nghiêm trọng ngành thương mại và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và trên thế giới, đồng thời gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp nhỏ của nước này.
“Chúng tôi không thể làm gì cả,” ông Xie nói. “Kể từ tháng 2, người ta nói tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tái sản xuất, nhưng trên thực tế tất cả chúng tôi đều thiếu hụt nghiêm trọng các đơn hàng và tiền mặt. Làm thế nào chúng tôi có thể thanh toán đúng hạn cho các nhà cung cấp? Vòng nợ luẩn quẩn giữa ba bên sẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết trong năm nay.”
Đại dịch đã tạo ra hiệu ứng domino, theo đó các công ty mắc nợ không thể thanh toán cho các nhà cung cấp, và các nhà cung cấp này lại không thể thanh toán cho các nhà cung cấp của chính họ. Những cơn sóng nợ đang lan rộng trong các chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Bản phân tích mới của công ty bảo hiểm tín dụng Coface về 1.000 công ty Trung Quốc cho thấy các công ty này đã phải giành giật để được thanh toán vào cuối năm 2019, thậm chí ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. 37% trong số đó phải chờ hơn 4 tháng để được thanh toán – mức tăng mạnh so với năm trước.
“Đáng lo ngại hơn nữa”, Coface cho biết, “có khoảng một phần tư các công ty Trung Quốc mà các khoản nợ quá hạn hơn 6 tháng của họ chiếm tới hơn 10% doanh thu hàng năm.”
Đại đa số các công ty với món nợ quá hạn kéo dài này sẽ không nhận được thanh toán, theo Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế của công ty bảo hiểm Coface.
Ông Casanova dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc cùng lắm sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay, sau khi đã giảm tới 6,8% trong quý đầu tiên, kéo theo đó là làn sóng phá sản, vỡ nợ trái phiếu và mất khả năng chi trả.
> Kinh tế chiến lang của ĐCSTQ còn có thể hung hăng được bao lâu?
SCMP đã thực hiện phỏng vấn với một loạt các chủ doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc, qua đó cho thấy vấn đề đã trở nên rất nghiêm trọng.
Richard Hu, một nhà cung cấp đồ nội thất cho lĩnh vực lưu trú tại Quảng Châu, nói rằng ông bị một chuỗi căn hộ dịch vụ nợ hơn một triệu tệ cho các hóa đơn chưa thanh toán, có nghĩa là ông cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp của mình.
“Gần đây, được trả tiền là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi,” Hu Maosheng, người điều hành công ty sản xuất điện cực tại tỉnh Quảng Đông cho biết.
“Kể từ năm ngoái, chúng tôi đã phải chịu tổn thất lớn khi các điều khoản thanh toán trở nên ngày càng dài. Đặc biệt trong đại dịch, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn so với cùng kỳ năm 2019,” ông Hu nói.
Nghiên cứu của Coface cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa thời gian thanh toán trung bình và tăng trưởng kinh tế. Năm 2011, khi nền kinh tế tăng trưởng 9,6%, thời gian thanh toán trung bình là 55-60 ngày. Năm ngoái, khi nền kinh tế tăng trưởng khoảng 6,1%, thời gian thanh toán trung bình đã tăng lên 85-90 ngày.
Nếu nền kinh tế tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng, nó sẽ trở thành nguyên nhân khiến các vụ phá sản và vỡ nợ trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Trong quý đầu tiên năm 2020, hơn 460.000 doanh nghiệp Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản, theo Tianyancha, một cơ sở dữ liệu thương mại tổng hợp.
Cũng như đại dịch, Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ và thương mại ngày càng thù địch với Mỹ kể từ tháng 7 năm 2018. Điều này đã gây áp lực rất lớn lên các ngành điện tử và công nghệ cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấm một số công ty Trung Quốc nhập khẩu các linh kiện do Mỹ sản xuất, cùng lúc đó mức thuế quan áp lên các lô hàng xuất khẩu Trung Quốc cũng đã gây sốc cho các chuỗi cung ứng địa phương.
Alice Han, chủ một hãng sản xuất thiết bị điện tử nhỏ ở Tô Châu, nói rằng “việc di chuyển các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ra khỏi vùng đồng bằng sông Dương Tử” đã khiến “nguồn tiền cho chuỗi cung ứng và các vấn đề trong điều khoản thanh toán trở nên nghiêm trọng hơn, bởi các doanh nghiệp nước ngoài thường có lịch sử thanh toán tốt”.
Đối phó với vấn đề trên, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tập trung vào tăng trưởng trong nước và nền kinh tế nội địa trong kế hoạch 5 năm tới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hóa các quan hệ thương mại của mình để tránh việc bị cô lập với Hoa Kỳ.
Tuy vậy, viễn cảnh mơ hồ của đại dịch vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng của các nhà sản xuất. Nhiều đơn vị đã báo cáo các đơn hàng xuất khẩu đang giảm mạnh, cũng như triển vọng ảm đạm cho việc tuyển dụng mới.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế Trung Quốc sau đại dịch chậm thanh khoản