Thư ký của ông Tập Cận Bình nói về sự thay đổi sách lược trong “chống tham nhũng”
- Tuyết Mai
- •
Gần đây, phát ngôn của ông Đinh Tiết Tường – Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương và cũng là Thư ký hàng đầu của ông Tập Cận Bình, đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Ông nhận định, những quan chức hủ bại hàng đầu đều có vấn đề về chính trị, không có ngoại lệ, thậm chí còn có kẻ “âm mưu chiếm đoạt quyền lực tối cao trong Đảng”.
Đây là lần thứ hai có quan chức hàng đầu Trung Quốc lên tiếng về vấn đề này kể từ sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trước đó người đầu tiên có phát ngôn tương tự là Chủ tịch Ủy ban Giám sát Chứng khoán Lưu Sĩ Dư.
>> Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc: Chu Vĩnh Khang – Bạc Hy Lai “âm mưu soán đảng đoạt quyền”
Tạp chí “Trung trực Đảng kiến” thuộc Trung ương ĐCSTQ số ra tháng 2/2018 vừa qua có đăng bài phát biểu của ông Đinh Tiết Tường. Ông chỉ ra, hiện nay phải nhấn mạnh về các vấn đề chính trị vì từng “phải trả giá nặng nề”, trước đây để xảy ra nhiều biến cố là vì không tập trung về chính trị (trong công tác chống tham nhũng).
Ông Đinh Tiết Tường nói, từ các vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng đã được điều tra và xử lý trong những năm gần đây có thể thấy, các quan chức xảy ra vấn đề thường là có vấn đề về chính trị. Trước đây chống tham nhũng hiếm khi nói về các vấn đề chính trị, chỉ thường là vấn đề kinh tế, nhấn mạnh các vấn đề chính trị là chuyện xảy ra trong những năm gần đây.
Ông Đinh đặc biệt nhấn mạnh, trong chống tham nhũng kể từ sau Đại hội 18, đặc biệt là quan tham nhũng là lãnh đạo cấp cao, hầu như đều phát hiện ra các vấn đề chính trị, không có ngoại lệ, đó là các vấn đề như mua chuộc cử tri bỏ phiếu, kéo kết bè phái, thậm chí một số kẻ còn muốn đoạt quyền trong Đảng.
Tại Đại hội 19, ông Đinh Tiết Tường trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời thay ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lật Chiến Thư nhậm chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, trở thành “tổng quản” Trung Nam Hải. Ngoài ra ông còn kiêm chức Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Bí thư Ủy ban Công tác Cơ quan trực thuộc Trung ương.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, với vai trò là thư ký thứ nhất của ông Tập Cận Bình, phát ngôn của ông Đinh Tiết Tường một lần nữa khẳng định có một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ thực sự muốn “chiếm đoạt quyền lực tối cao trong Đảng”. Nói cách khác, trong số những “hổ to” bị ông Tập Cận Bình xử lý với danh nghĩa “chống tham nhũng” kể từ sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức tại Đại hội 18, phần lớn liên quan đến vấn đề chính trị, liên quan đến thế lực muốn chính biến do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đứng đầu.
Trước đây, nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đã tiết lộ rằng phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã nhiều lần lên kế hoạch cho âm mưu lật đổ ông Tập Cận Bình.
Năm 2012, cựu Phó Thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để xin được bảo vệ, dẫn đến âm mưu đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, mà đứng sau là các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng lần đầu bị truyền thông bên ngoài đưa ra ánh sáng.
Theo một số nhận định, kế hoạch chính biến này do hai ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng sau, ban đầu dự định đưa Bạc Hy Lai vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, làm Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật, trong vòng hai năm ép bằng được ông Tập Cận Bình phải rút lui.
Sau khi hai nhân vật quan trọng nhất là Bạc và Chu đều “ngã ngựa”, ngày 24/7 năm ngoái một nhân vật quan trọng phái Giang khác được cài cắm là ông Tôn Chính Tài tiếp tục ngã theo. Sau đó không lâu thì giới truyền thông Hồng Kông đã phao tin cựu Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) và cựu Chủ nhiệm Ban Chính trị Quân ủy Trung ương Trương Dương (Zhang Yang) bị điều tra.
>>Tôn Chính Tài chính thức bị lập án điều tra: Vì đâu nên nỗi?
Gần đây trả lời phỏng vấn truyền thông Đài Loan, luật gia sống lưu vong Viên Hồng Băng (Yuan Hongbinh) đã cho biết, việc ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa” có liên quan đến âm mưu chính biến. Trước và sau Đại hội 18, ý đồ chính biến lật đổ ông Tập Cận Bình của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu đã bị thất bại. Trước Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài đã cùng cựu Tham mưu trưởng quân đội Phòng Phong Huy và cựu Chủ nhiệm Ban Chính trị Quân ủy Trung ương Trương Dương âm mưu chính biến lần thứ hai, nhưng không ngờ cũng bị bại lộ, hệ quả là ông Tập Cận Bình đã lập tức ra tay xử lý, phá tan âm mưu chính trị này.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Giang Trạch Dân Chống tham nhũng Tăng Khánh Hồng Bạc Hy Lai Tôn Chính Tài âm mưu chính biến Chu Vĩnh Khang