Ông Robert Spalding là nhà nghiên cứu cao cấp và chuyên gia Trung Quốc tại Viện Hudson (Mỹ), vào ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra hôm 10/10, ông đã công bố bài viết trên tờ The Hill với nhận định rằng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất là cuộc chiến giữa hai mô hình kinh tế – chính trị: dân chủ và toàn trị.

Chiến tranh thương mại, Thương chiến
Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất là cuộc chiến giữa hai mô hình kinh tế – chính trị: dân chủ và toàn trị (Ảnh: rawf8/Shutterstocks)

Ông Spalding là Chuẩn tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, từng là Giám đốc chiến lược của Nhà Trắng, cũng đã là sĩ quan quốc phòng cấp cao của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Ông là tác giả của sách “Cuộc chiến vô hình: Cách Trung Quốc nổi lên trong khi giới ưu tú Mỹ đang ngủ” (Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept).

Trong tác phẩm này, ông Spalding tiết lộ rằng sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các tổ chức của Mỹ đã đạt đến mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ; sách cũng tiết lộ động cơ cùng các đợt tấn công bí mật của ĐCSTQ nhằm chống lại phương Tây. Spalding nhận định, giới truyền thông quốc tế thường cảnh báo Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ, nhưng thực tế nguy cơ lại nằm ở phương Đông xa xôi. ĐCSTQ đã phát động cuộc chiến chống lại Mỹ trên sáu mặt trận gồm kinh tế, quân sự, ngoại giao, công nghệ, giáo dục, cơ sở hạ tầng.

Trong  bài viết đăng trên tờ The Hill hôm 10/10, ông Spalding đã đề cập đến vụ ồn ào về tweet của Tổng giám đốc Đội Bóng rổ Houston là Daryl Morey. Ngày 4/10, ông Morey đã đăng một bức ảnh lên Twitter cùng dòng trạng thái “Chiến đấu vì tự do/đồng hành cùng Hồng Kông” (Fight For Freedom/Stand With Hong Kong). Hệ quả đã gây làn sóng tẩy chay tập thể của hệ thống ĐCSTQ nhắm vào NBA, bao gồm các hãng truyền thông, tổ chức thể thao, công ty Trung Quốc.

Mặc dù ông Morey đã nhanh chóng xóa bài viết và chia sẻ một tweet khác để xin lỗi, làm rõ tweet đó là ý kiến ​​cá nhân chứ không liên quan đến đội bóng rổ Houston hay NBA, nhưng cơn bão dư luận này vẫn không ngừng nóng lên tại Đại Lục.

Trong bài viết, ông Spalding cho biết thật không may là những chuyện tương tự như trường hợp của Morey lại xảy ra hàng ngày.

Jennifer Zeng
Robert Spalding, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson (Ảnh: Epoch Times)

Spalding: Thương chiến Mỹ – Trung là cuộc chiến giữa dân chủ và toàn trị

Vòng đàm phán thương mại cấp cao mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã được tổ chức tại Washington vào hai ngày 10 và 11/10. Ba ngày trước khi đàm phán, vào ngày 7/10, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê 28 thực thể Trung Quốc vào “danh sách thực thể” kiểm soát xuất khẩu (hay còn gọi là danh sách đen) với lý do vi phạm nhân quyền, hạn chế các thực thể này mua linh kiện và công nghệ từ Mỹ. Các thực thể trong danh sách đen bao gồm 20 đơn vị an ninh và 8 doanh nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như công ty sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu: “Chính phủ và Bộ Thương mại Mỹ không thể và sẽ không dung thứ trước thực trạng đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ nhắm vào các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc.”

Cùng ngày (7/10), Tổng thống Trump bày tỏ quan điểm về vấn đề Hồng Kông. Ông cho biết Trung Quốc (ĐCSTQ) nên hành động ôn hòa trước biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông, ông hy vọng sẽ thấy được giải pháp thực sự nhân đạo. Ông cũng cảnh báo nếu ĐCSTQ thực hiện bất kỳ biện pháp “bất lợi” nào để dập tắt các cuộc biểu tình ở Hồng Kông cũng sẽ ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Mỹ – Trung.

Mỹ đại diện cho dân chủ, còn ĐCSTQ đại diện cho chế độ toàn trị. Spalding cho rằng bản chất đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chính là cuộc chiến giữa dân chủ và toàn trị. Phe nào thống trị tương lai thế giới phụ thuộc vào phần thắng bại trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ; qua đó sẽ ảnh hưởng đến các nguyên tắc nhân quyền, kinh tế thị trường, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tự do khỏi sợ hãi.

ĐCSTQ đã phá hoại tính cởi mở của phương Tây

Các cựu Tổng thống Mỹ luôn ủng hộ chính sách kết nối với Trung Quốc, tin rằng việc Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thế giới giúp nền kinh tế Trung Quốc hưng thịnh sẽ buộc ĐCSTQ phải dần chuyển hướng dân chủ hóa. Nhưng Spalding nhận định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã sai lầm kéo dài nhiều thập kỷ qua, vì thực tế cho thấy con đường cởi mở của Mỹ đối với Trung Quốc không chỉ không mang lại tự do cho người dân Trung Quốc, trái lại ĐCSTQ còn tác động tiêu cực ngược trở lại phá hoại tính cởi mở của phương Tây, hiện ĐCSTQ đang đầu tư mạnh vào công nghệ 5G để thúc đẩy mô hình toàn trị kiểm soát toàn cầu.

Trong quan điểm của ông, ĐCSTQ tận dụng thị trường khổng lồ của đất nước Trung Quốc cũng như nguồn tài chính dồi dào để thu hút giới tinh hoa nước ngoài và kích thích hủ bại làm suy thoái nền dân chủ. Một trong những kết quả là, bất chấp việc công ty Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn kiểm toán và minh bạch của Mỹ nhưng vẫn có thể thu hút được hàng tỷ đô la Mỹ từ các quỹ hưu trí của Mỹ. Trong đó có một số quỹ được ĐCSTQ sử dụng để mua tài sản quân sự, tiêu biểu như tàu sân bay. Hệ quả là chính người Mỹ lại đang tài trợ cho ĐCSTQ xây dựng lực lượng hải quân.

Trước đây, ông Spalding từng chỉ ra, hoạt động vận động hành lang thành công của ĐCSTQ đã giúp cho chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc tham gia vào các chỉ số đầu tư toàn cầu, tiêu biểu như Chỉ số thị trường mới nổi MSCI và Chỉ số tổng hợp toàn cầu Bloomberg. Điều này cho phép hàng trăm tỷ Đô la Mỹ thuộc các quỹ hưu trí của Mỹ chảy vào Trung Quốc.

Ông cũng tố cáo các thủ đoạn khác của ĐCSTQ, như trộm cắp tài sản trí tuệ trên quy mô lớn và các hoạt động thương mại không công bằng, làm suy yếu hệ thống công nghiệp Mỹ, phá vỡ tính gắn kết xã hội trong cộng đồng người Mỹ.

Hơn nữa, ĐCSTQ đã lợi dụng một số yếu tố bất lợi cho Mỹ, liên tục tăng cường thế lực quân sự trên phạm vi toàn cầu. Những yếu tố bất lợi cho Mỹ bao gồm di sản của Hiệp ước Chiến tranh Lạnh khiến Mỹ và Nga bị giới hạn hoạt động chế tạo tên lửa, trong khi ĐCSTQ không tham gia ký hiệp ước nên có thể phát triển tên lửa mà không bị hạn chế. Cũng chính vì yếu tố này, năm nay chính quyền Trump đã chính thức rút khỏi “Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung” đã ký với Nga.

ĐCSTQ đầu tư 5G phục vụ thúc đẩy mô hình toàn trị trên toàn cầu

Chuyên gia Spalding nhận định rằng ĐCSTQ đã đầu tư lớn vào công nghệ 5G mới nổi vì mục tiêu xây dựng vị thế bá chủ công nghệ, nhằm thúc đẩy mô hình chủ nghĩa toàn trị trên toàn cầu. Việc ĐCSTQ đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều nước trên thế giới (quan trọng nhất là 5G và kỹ thuật số) vì mục tiêu trong tương lai ĐCSTQ sẽ kiểm soát được hệ thống công nghệ toàn thế giới. Bằng cách này, mạng 5G do các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sẽ có thể giám sát người dân toàn cầu. Sự thống trị của 5G, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cùng với sự trỗi dậy của Baidu, Alibaba và Tencent, sẽ cho phép ĐCSTQ phát huy ảnh hưởng và kiểm soát thông qua mạng truyền thông xã hội và thương mại điện tử.

5G
ĐCSTQ đã đầu tư lớn vào công nghệ 5G mới nổi vì mục tiêu xây dựng vị thế bá chủ công nghệ, nhằm thúc đẩy mô hình chủ nghĩa toàn trị trên toàn cầu. (Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)

Ông Spalding cho rằng các gã khổng lồ Internet của Mỹ như Facebook, Amazon, Netflix và Google chiếm vị trí hàng  đầu nhờ ưu thế nền tảng các ứng dụng, dịch vụ và mô hình kinh doanh của hệ sinh thái 4G, dựa trên nền tảng điện toán di động của các công ty Mỹ như Apple và Google. Tương tự, nếu ĐCSTQ thống trị 5G, sẽ thúc đẩy các hệ thống vệ tinh của ĐCSTQ như  Baidu, Alibaba và Tencent lật ngược được thế cờ và chiếm được địa vị dẫn dắt thế giới như hiện nay các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đang làm.

Nhưng các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Facebook, Amazon, Netflix và Google chỉ thuần túy theo đuổi lợi nhuận; trong khi mục tiêu của Baidu, Alibaba và Tencent bao gồm giúp ĐCSTQ tăng cường đàn áp. Họ sẽ giúp ĐCSTQ tấn công vào quyền tự do ngôn luận ở trong và ngoài nước.

 “Không khó để nhận rõ những rủi ro: tự do và an ninh quốc gia của chúng ta sẽ gặp nguy cơ,” ông Spalding nhận định. Chỉ khi ý thức rõ rằng “nhu cầu của chủ nghĩa toàn trị ĐCSTQ là duy trì kiểm soát và tẩy chay tự do” thì Mỹ và các nước phương Tây mới có thể mạnh mẽ  bảo vệ nền dân chủ.

Ông Spalding kết luận, chính phủ Mỹ phải điều chỉnh chính sách cạnh tranh toàn cầu bằng cách áp dụng các biện pháp bảo vệ thương mại công bằng và có chính sách công nghiệp trọng điểm, đồng thời cần bảo vệ lĩnh vực kỹ thuật số. Hơn nữa, phải xây dựng nền tảng đồng thuận mới vì mục tiêu thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ trong các thể chế quốc tế.

Huệ Anh

Xem thêm: