Thế giới không ngừng thức tỉnh và phản đối chế độ độc tài ĐCSTQ
- Minh Nhật
- •
Phong trào phản đối Dự luật dẫn độ ở Hồng Kông đã diễn ra hơn 4 tháng, nhiều nơi trên thế giới cũng đã khởi động chiến dịch “toàn cầu liên kết chống chủ nghĩa độc tài”, giới văn học và nghệ thuật cũng nhanh chóng dấy khởi trào lưu chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Có thể thấy rằng, hiện nay cộng đồng quốc tế đang ngày càng thức tỉnh trước tội ác của ĐCSTQ, đặc biệt là nạn khủng bố trắng ở Hồng Kông, như tác giả của South Park, Tổng giám đốc NBA Daryl Morey, và chủ tịch NBA Adam Silver, họ đều nói “không” với ĐCSTQ.
Theo xu hướng này, ngày càng có nhiều tác phẩm châm biếm ĐCSTQ ra đời, ví dụ như thời gian trước hãng máy ảnh Leica đã quay một quảng cáo châm biếm ĐCSTQ thảm sát sinh viên tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (tên quảng cáo là Leica – The Hunt). Gần đây, loạt phim sitcom “South Park” của Mỹ liên tục tấn công ĐCSTQ, trong khi bộ phim của Hollywood “The Laundromat” cũng ngụ ý nhắc đến vấn nạn mổ cướp nội tạng của chính quyền Bắc Kinh.
“South Park” liên tiếp phản kích ĐCSTQ
Ngày 01/10, ĐCSTQ tiến hành kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền. South Park, chương trình phim hoạt hình sitcom nổi tiếng tại Mỹ dành cho người trưởng thành, ngày hôm đó đang phát sóng tập 2 của mùa thứ 23 có tên “Band in China” (Đoàn nhạc Trung Quốc), đọc chệch đi thành “Banned in China” (Bị cấm ở Trung Quốc). Do chương trình không ít từ khóa nhạy cảm của ĐCSTQ như: trại cải tạo, ĐCSTQ thu hoạch tạng sống, thoái xuất khỏi ĐCSTQ, kiểm duyệt tin tức, lễ duyệt binh của ĐCSTQ, diễu hành biểu tình ở Hồng Kông… nên đã bị ĐCSTQ phong tỏa toàn diện.
Các website video như Youku, Bilibili, v.v. đã gỡ các tập phim South Park khỏi dữ liệu của mình. Tìm kiếm trên Weibo không cho ra kết quả. Tìm kiếm trên Baidu cho ra các tin tức rất cũ và các bài viết chỉ trích South Park.
Sau khi South Park bị kiểm duyệt tại Trung Quốc, tác giả chương trình hoạt hình sitcom này tiếp tục chế nhạo chế độ Trung Quốc bằng cách đưa ra “lời xin lỗi” trên Twitter như sau:
Cũng như [vụ việc xảy ra tại giải bóng rổ nhà nghề] NBA, chúng tôi chào đón kiểm duyệt Trung Quốc [tới Mỹ,] vào gia đình và vào trong tim chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu quý tiền bạc hơn cả tự do và dân chủ. Ông Tập trông không giống gấu Pooh một chút nào. Nhớ xem tập 300 [của South Park] vào 10 giờ ngày thứ 4 nhé! Đảng Cộng sản Trung Quốc muôn năm! Mùa thu hoạch lúa thắng lợi! Giờ thì chúng tôi đã [là người] tốt chưa hả [Đảng Cộng sản] Trung Quốc?
Chia sẻ còn nói: “Hy vọng các bạn sẽ ‘thu hoạch nhiều cao lương’ mùa thu này! Bây giờ chúng ta làm hòa nhé, Trung Quốc (ĐCSTQ)?” Vì cách chơi chữ trong “thu hoạch cao lương mùa thu” (autumn’s sorghum harvest), chữ s trong sorghum đọc liền mạch với s trong autumn’s, làm cho âm đọc của sorghum harvest gần giống với organ harvest (thu hoạch nội tạng), gợi liên tưởng châm biếm ĐCSTQ liên quan đến mổ cướp nội tạng.
Ngày 10/10, South Park lại tung ra tập 3 của mùa 23 có tựa “Tiêm chích” (SHOTS). Nội dung phim kể về Cartman muốn tránh tiêm chủng, ám chỉ vắc-xin bẩn của ĐCSTQ hại chết nhiều trẻ em, đây là vấn đề đã nổi tiếng thế giới.
Một vai diễn khác trong phim “Tiêm chích” là Randy đã kiếm được 300.000 Đô la Mỹ bằng cách bán cần sa cho Trung Quốc, nhưng khi ông muốn phục hồi quan hệ với đối tác kinh doanh cũ là Towelie, đối tác đã yêu cầu ông chấm dứt cúi đầu trước ĐCSTQ, đề nghị ông chửi theo: “ĐCSTQ là đồ khốn!”
Nhưng giọng chửi của Randy rất nhẹ nhàng, làm cho Towelie không hài lòng. Vì vậy nhiều lần Towelie đề nghị Randy nhấn giọng to lên cho đến khi Towelie hài lòng mới thôi.
Bộ phim The Laundromat ngụ ý về nạn mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ
The Laundromatcó sự tham gia của một số nhân vật hàng đầu Hollywood, từ đạo diễn Steven Soderbergh (từng đoạt giải Oscar), nữ diễn viên Meryl Streep (15 lần được đề cử giải Oscar và 3 lần được giải Oscar), nam diễn viên Gary Oldman (năm ngoái từng giành giải Oscar), nhà biên kịch nổi tiếng và một đội ngũ lớn các ngôi sao hạng A.
Cốt truyện của The Laundromat dựa trên vụ bê bối thế kỷ là vụ bại lộ Hồ sơ Panama. Phần Trung Quốc của Hồ sơ Panama chiếm một tỷ trọng lớn, có đến 1/3 số doanh nghiệp ở nước ngoài trong Hồ sơ Panama là thuộc Trung Quốc, tài liệu liên quan đến nhiều quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham nhũng. Từ New York, Paris đến Panama, từ Nga đến Trung Quốc, toàn bộ bộ phim kéo dài 96 phút, trong đó có 13 phút kể chuyện ở Trung Quốc. Làm thế nào để tầng lớp đặc quyền của ĐCSTQ rửa tiền?
Hồ sơ Panama đã tiết lộ chuyện vợ chồng Bạc Hy Lai giấu tài sản ở nước ngoài, rửa tiền và mua một ngôi nhà sang trọng ở Pháp. Hai tuần sau khi bà Cốc Khai Lai giết chết doanh nhân người Anh Neil Heywood, bà ta đã chuyển tài sản của một công ty nước ngoài sang tên một người Pháp. Đối với những người có kiến thức về tình hình Trung Quốc, các tình tiết trong The Laundromat đã lột trần hoạt động làm giàu khủng khiếp của vợ chồng Bạc Hy Lai: Nhân vật Maywood chính là để chỉ Neil Heywood ngoài đời thật. Trong phim còn có một nhân vật chỉ người tập Pháp Luân Công (Christopher Chen – Falun Gong man). Chi tiết tra tấn bên trong một nhà xác treo toàn xác vịt là ngụ ý tới việc vợ chồng Bạc Hy Lai buôn bán nội tạng của người tập Pháp Luân Công và buôn bán thi thể nhựa hóa (Cinema Scope). (Xem bài: Nguồn gốc thi thể nhựa hóa – Tam giác giết người)
Năm 2012, bà Cốc Khai Lai bị tình nghi giết chết doanh nhân người Anh Neil Heywood và bị bắt giữ. Cùng năm đó, sau khi Bạc Hy Lai “ngã ngựa”, Vương Lập Quân chạy trốn đến lãnh sự quán Mỹ tố cáo tội ác của vợ chồng Bạc – Cốc. Năm 2013, Bạc Hy Lai bị phán xử án chung thân cho tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và lạm quyền.
Trong bộ phim có cảnh ở một phòng trong khách sạn hạng sang, Cốc Khai Lai đưa cho Neil Heywood một ly whisky và bắt đầu cuộc đàm phán kinh doanh. Khi ống kính chuyển cảnh, một quả tim người và giác mạc vừa mới được mổ trích còn đang tươi mới được phóng to cận cảnh. Những thay đổi đột ngột và hình ảnh gây sốc này khiến khán giả phải bất ngờ thốt lên khi xem phim.
Cảnh quay còn lướt qua hình ảnh trong một khoảng sân rộng của một khu nhà theo thiết kế Trung Quốc, một nhóm người mặc quần áo màu vàng đang tập Pháp Luân Công, Bạc Hy Lai bất ngờ dẫn cảnh sát đến bắt giữ họ. Sau đó, trong một gian phòng, nhân viên y tế đã lấy ra một quả tim vẫn còn tươi mới rồi đặt vào trong hộp y dụng.
Tội ác được hé lộ thêm một bước, bao gồm buôn bán nội tạng, hạ độc diệt khẩu… khi cựu Phó Thị trưởng và Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân xuất hiện. Ông ta vừa là đồng phạm, vừa là người cung cấp thông tin.
Ngay khi Cốc Khai Lai cho rằng mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp, cảnh sát đã tiến vào hội trường của ĐCSTQ và bắt giữ Bạc Hy Lai, khi ông ta đang trên bục phát biểu về chống tham nhũng, dư âm còn lại là những tiếng cầu cứu bi thống của Cốc Khai Lai.
Tháng trước, khi bộ phim The Laundromat công chiếu tại Bắc Mỹ, ĐCSTQ đã lệnh cho Sina.com xuất bản một bài báo nói xấu bộ phim. Tất cả các thông tin quảng bá về thông điệp của bộ phim The Laundromat cũng bị kiểm duyệt và xóa trên mạng Douban.
Những năm qua, Hollywood vì muốn có thị phần tại Trung Quốc đã phải khuất phục ĐCSTQ, nhưng đến nay cũng có trường hợp thức tỉnh, bắt đầu suy nghĩ lại và hành động nhắm vào những vấn đề xã hội nghiêm trọng từng nhiều năm bị che giấu, đặc biệt là thế giới đen tối dưới quyền lực độc tài của ĐCSTQ. Chuyện lần này có nhà làm phim Hollywood dám nhắc đến vấn nạn mổ cướp nội tạng, dùng quyền lực của phim ảnh chống lại quyền lực ma quỷ của ĐCSTQ!
Điểm nhấn này cung cấp thêm cho thế giới thêm một hình ảnh về lòng can đảm đạo đức và tinh thần hướng thiện, cũng mang đến cho thế giới một bất ngờ! Giống như trong lời mở đầu phim đã gợi mở cho khán giả: “Đây không chỉ là câu chuyện của chúng tôi, cũng là câu chuyện của các bạn.”
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa Mổ cướp nội tạng biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện Bộ phim The Laundromat South Park