Trung Quốc: Người dân hoảng loạn tranh giành mua hàng ở nhiều nơi
- Mộc Lan
- •
Thông báo khuyến khích người dân tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày do Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành hôm thứ Hai (ngày 1/11) đã khiến người dân hoảng sợ. Gần đây, ở nhiều nơi tại Đại Lục rộ lên việc người dân giành giật mua hàng, thậm chí còn xuất hiện cảnh đánh nhau trong siêu thị.
Hôm thứ Hai (ngày 1/11), Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về làm tốt việc duy trì nguồn cung và ổn định giá rau và các nhu cầu hàng ngày khác trên thị trường cho vụ đông xuân”. Trong đó nêu rõ “khuyến khích các gia đình tích trữ một lượng nhu yếu phẩm hàng ngày cần thiết để đáp ứng cuộc sống hàng ngày và những trường hợp khẩn cấp.”
Thông báo làm dấy lên nhiều lo lắng và hoảng sợ cho người dân. Một số người liên hệ nó với sự lây lan của dịch bệnh, không khí lạnh dự kiến sẽ ập đến trong tương lai và thậm chí có người còn giải thích đó là việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp gây chiến và tấn công Đài Loan.
Ngay cả vào thời kỳ nghiêm trọng nhất của đại dịch, chính quyền ĐCSTQ cũng không yêu cầu người dân tích trữ nhu yếu phẩm. Do đó, sau khi thông báo ngày 1/11 được đưa ra, nó đã ngay lập tức được lên top đầu tìm kiếm của Baidu và thứ hai trên tìm kiếm nóng của Weibo.
Sau đó, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát đi hàng loạt thanh minh, nói rằng có thể đảm bảo nguồn cung hàng hóa nhưng người dân không tin tưởng điều này. Cảnh người dân đổ xô đi giành mua nhu yếu phẩm hàng ngày vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên Đại Lục, nhiều kệ hàng siêu thị đã trống trơn.
Nhiều đoạn video cho thấy một số lượng lớn người dân bỏ nhiều bao gạo vào xe hàng của họ. Có người dân đã mua một lúc 300 kg gạo. Nhiều kệ hàng siêu thị đã được bán sạch trơn. Có người đã bị xô ngã xuống sàn vì việc tranh giành mua gạo.
Bắc Kinh: Người mua tranh mua gạo và mì, cung không kịp cầu
Chiều ngày 4/11, một nhân viên tại Thế giới Siêu thị Vĩnh Huy ở Bắc Kinh nói với phóng viên báo Epoch Times: “Rất nhiều người đã đến mua gạo và mì. Hôm nay, hàng dư không còn mấy. Ngày mai còn hàng hay không thì rất khó nói, vì giờ nguồn cung đang hết.”
Cô Vương Anh (bút danh), một người dân ở quận Tông Châu, Bắc Kinh, nói với các phóng viên rằng chồng cô đã đến cửa hàng Quảng trường thương mại Vạn Đạt của siêu thị Vĩnh Huy vào tối hôm qua (ngày 3/11) và thấy lượng khách còn nhiều hơn so với những ngày cuối tuần, điều này rất hiếm khi xảy ra.
“Người ta giành giật mua hàng rất kịch liệt. Có rất nhiều người tranh mua thực phẩm, chủ yếu là giật lấy các bao gạo và mì.”
Cô Vương Anh cho rằng lý do người dân tranh nhau mua hàng là bởi vì thông báo mà Bộ Thương mại đưa ra hôm thứ Hai đã khiến người dân hoảng sợ. “Mọi người đều nghĩ một khi không có thức ăn thì không đói sao?” Cô cho biết, từ khi có dịch, ai cũng sợ đói.
Chiết Giang: Người dân giành giật mua hàng điên cuồng trong siêu thị
Bà Lý ở quận Thương Thành, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang nói với các phóng viên rằng bà được người chuyển phát nhanh và nhân viên thu ngân trong siêu thị miêu tả cảnh giành giật mua hàng tối ngày 3/11 là rất điên cuồng.
Bà tin rằng việc đổ xô đi mua là do thông báo của Bộ Thương mại, “bằng cách này, họ đang cố tình tạo ra sự hoảng loạn và gây ra tình trạng mua bán rầm rộ.”
Khải Đông, tỉnh Giang Tô: Có người mua một lúc 300 kg gạo
Theo JiMu News (hãng tin Cực Mục) ngày 3/11 đưa tin, tại thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô, nhiều siêu thị và cửa hàng đã diễn ra cảnh người dân xếp hàng dài chờ đến lượt thanh toán.
Theo nhân viên một siêu thị lớn ở Khải Đông, khách hàng đã đổ xô đi mua hủ tiếu và các sản phẩm khác từ chiều ngày 2/11. “Hiện hủ tiếu và các sản phẩm khác trên kệ không còn nhiều, các đơn đặt hàng online hiện cũng đang tương đối nóng, siêu thị không kịp bổ sung hàng.” chị cho biết, hầu hết những khách hàng đổ xô đến siêu thị mua hàng đều là do nghe một số thông tin trên mạng.
Chị cho biết thêm, sáng ngày 3/11, khi đang đi dạo xung quanh thì thấy điểm bán gạo đối diện cửa hàng của chị cũng đã gần hết hàng.
Chiều ngày 3/11, một nhân viên của Cục Thương mại thành phố Khải Đông cho biết trong hai ngày qua, một số người dân đã mua một lúc 300 kg gạo.
Bạng Phụ, tỉnh An Huy: Lưu lượng hành khách cũng giống như khi khuyến mại
Nhân viên một chuỗi siêu thị lớn ở Bạng Phụ, tỉnh An Huy cho biết, ngay khi mở cửa vào sáng ngày 3/11, đã có rất nhiều khách hàng đến mua sắm, lượng khách đông hơn thường lệ, giống như trong thời gian diễn ra các hoạt động khuyến mại.
Cô cho biết: “Hầu hết những người đến mua sắm là người trung niên và cao tuổi. Phần lớn các mặt hàng họ mua là gạo, mì, ngũ cốc, dầu và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác. Họ nói rằng họ đến đây sau khi đọc tin tức về việc tích trữ trên Internet.”
Ông Lý Dũng (bút danh), một người dân ở Bạng Phụ, nói với phóng viên báo Epoch Times vào chiều ngày 4/11, sau khi Bộ Thương mại đưa ra thông báo, đã gây ra sự hoảng loạn trong khu vực địa phương, mọi người cảm thấy hơi hoảng sợ. “Hầu hết những người đi lấy hàng đều là người trung niên và cao tuổi, tương đối ít người trẻ, một số công nhân xí nghiệp cũng đến giành mua đồ dùng sinh hoạt sau khi tan sở.” ông nói.
Trùng Khánh: Một số siêu thị đã bán gần hết gạo
Gạo trên kệ của siêu thị Trùng Khánh cũng đã bán hết sạch, bên trong siêu thị chen chúc người dân đến mua sắm.
Một nhân viên của một siêu thị lớn ở quận Sa Bình, thành phố Trùng Khánh nói với JiMu News rằng từ chiều ngày 2/11, người dân đã đổ xô đến siêu thị mua hàng. Các sản phẩm như gạo, ngũ cốc, dầu, thịt lợn và bột mì đặc biệt đắt hàng, trong đó, một số mặt hàng tạm thời hết hàng. Việc mua bán hoảng loạn chủ yếu là do một số người cảm thấy lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung sau khi nghe được thông báo liên quan do Bộ Thương mại ban hành. Việc giành mua không liên quan nhiều đến vấn đề dịch bệnh.
Nhân viên một siêu thị lớn trên đường Trâu Dung, quận Du Trung, cho biết, từ chiều ngày 2/11, trong siêu thị đã xuất hiện hiện tượng người dân hoảng loạn mua hàng. Hiện gạo trong siêu thị cơ bản đã bán hết, bột mì cũng không còn nhiều.
Các siêu thị ở quận Sa Bình Bá, Trùng Khánh cũng xảy ra tình trạng mua bán hoảng loạn và hết hàng.
Vào ngày 4/11, phóng viên của báo Epoch Times đã tìm hiểu từ một nhân viên của siêu thị Sa Bình Bá tại Vĩnh Huy và được biết rằng vào ngày 2 và ngày 3/11, đã có rất nhiều người đến mua hàng tại siêu thị. Nhân viên này cho biết: “Gạo, mì, dầu đậu nành, dầu lạc, mì gói… nhiều nhãn hiệu hiện đã hết hàng.” “Siêu thị có thể hết hàng trong ngày mai và ngày mốt. Phải mất một tuần mới có thể tiếp thêm hàng.”
Trịnh Châu: Lượng khách trong siêu thị đông hơn nhiều so với bình thường
Một số lượng lớn người tiêu dùng ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam cũng mua các loại thực phẩm như gạo, bột mì, dầu, v.v.
Một nhân viên của một siêu thị lớn ở quận Nhị Thất, cho biết, từ chiều ngày 2/11, nhiều người dân đến siêu thị để mua gạo, mì, dầu và các mặt hàng khác. Nhân viên một siêu thị lớn ở đường Trường Giang, quận Nhĩ Kỳ cho biết, chị nhận thấy lượng người mua gạo, dầu trong siêu thị tăng mạnh vào sáng ngày 3/11.
Một cư dân mạng ở Trịnh Châu đã đăng một bức ảnh chụp màn hình mua sắm trực tuyến của mình. Giỏ hàng của cô về cơ bản là thực phẩm, trong đó có cả rượu gạo, hai gói 10 kg gạo và bốn thùng dầu ăn.
Thường Châu: Hàng trăm xe đẩy trong siêu thị không đủ
Người dân thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô cũng đổ xô đi tìm nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày. Chủ đề này đã nhanh chóng lên top đầu tìm kiếm vào ngày 3/11.
Nhân viên một siêu thị lớn ở quận Chung Lâu, thành phố Thường Châu, cho biết, siêu thị chật cứng người, mấy trăm chiếc xe đẩy của siêu thị cũng không đủ dùng.
Liên quan đến việc mua bán hoảng loạn tại địa phương, nhân viên của Văn phòng Vận hành Thị trường và Xúc tiến Tiêu thụ của Cục Thương mại thành phố Thường Châu cho biết, một lý do là liên quan đến thông báo do Bộ Thương mại đưa ra, lý do còn lại là liên quan đến các ca nhiễm địa phương ở Thường Châu.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa đổ xô mua hàng Dự trữ lương thực Dòng sự kiện Bộ Thương mại Trung Quốc