Tòa án Cao cấp Hồng Kông: Luật cấm che mặt của Carrie Lam là vi hiến
- Trọng Đức
- •
Trong một chiến thắng bất ngờ đối với người biểu tình Hồng Kông, các thẩm phán của một tòa án cấp cao tại thành phố này vừa phán quyết rằng việc ban hành Luật cấm đeo mặt nạ trong trường hợp khẩn cấp là “không phù hợp với Luật Cơ bản”, bộ luật được coi là hiến pháp của Hồng Kông.
Trưa thứ Hai (18/11), hai thẩm phán Anderson Chow Ka-ming và Godfrey Lam Wan-ho tuyên bố 25 nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã thắng kiện trong phiên tòa kiện 2 điều luật mà chính phủ Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carri Lam) ban bố vào ngày 5/10 để cấm người biểu tình che mặt.
Đây là vụ kiến chống lại Sắc lệnh Điều chỉnh Khẩn cấp và Quy định Cấm che mặt mà chính phủ Hồng Kông ban hành trên cơ sở “các mối nguy hiểm cho công chúng” trong nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình bị thổi bùng do dự luật dẫn độ mà bây giờ đã bị hủy bỏ.
Quy định cấm che mặt đã khiến những người phản đối tức giận và gửi 6 đơn kiện vi hiến, trong đó có 2 đơn kiện trong vụ kiện mà tòa án cấp cao vừa ra phán quyết.
Trong bản phán quyết dài 106 trang được công bố vào chiều nay, các thẩm phán tuyên bố sắc lệnh của Lâm Trịnh là “không phù hợp với Luật Cơ bản” ở mức độ mà nó cho phép Trưởng đặc khu được phép ra luật lệ mới bất kỳ lúc nào có nguy hiểm công cộng.
Các thẩm phán cũng cho hay việc sắc lệnh này trao cho cảnh sát quyền được yêu cầu một người phải cởi bỏ mặt nạ ở nơi công cộng là một biện pháp có phạm vi thái quá.
“Trên thực tế không có giới hạn về hoàn cảnh mà cảnh sát có thể sử dụng quyền lực này theo điều luật đó”, các thẩm phán viết.
Tuy nhiên, các thẩm phán vẫn để ngỏ câu hỏi rằng sắc lệnh này có vi hiến khi giới hạn phạm vi sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hay không.
Tòa án sẽ mở phiên tiếp theo vào sáng thứ Tư để nghe ý kiến các bên và quyết định về chi phí cũng như khoản bồi hoàn của vụ kiện.
Một trong những người khởi kiện, cựu nghị sĩ Leung Kwok-hung nói rằng ông cảm thấy rất buồn và cáo buộc Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã lạm dụng quyền lực để đổ thổi bùng thêm xung đột với việc đưa ra lệnh cấm này.
“Tôi sẽ không bình luận về việc tôi đã chiến thắng hay chính phủ đã thua”, ông Leung nói với phóng viên bên ngoài tòa án.
“Tất cả những gì trong đầu tôi bây giờ là người dân đang bị bao vây bởi cảnh sát”.
Các luật sư đại diện cho vụ kiện của 24 nghị sĩ trong Hội đồng lập pháp Hồng Kông và và ông Leung nói rằng sắc lệnh này là vi hiến bởi vì nó trao cho trưởng đặc khu những quyền lực gần như không bị giới hạn để tự ban hành luật mà không cần thông qua Hội đồng lập pháp.
Họ cũng tranh luận rằng quy định của bà Lâm đã “đi quá xa” và bao trùm cả những hoạt động ôn hòa không liên quan tới duy trì trật tự xã hội và áp đặt hạn chế thái quá lên tự do cơ bản của con người.
Chính quyền của bà Lâm phản bác lại rằng không có điều gì trong Luật Cơ bản cấm Hội đồng Lập pháp ủy quyền cho trưởng đặc khu ban hành luật trong trường hợp khẩn cấp có nguy hiểm cho công chúng, và rằng sắc lệnh cấm mặt nạ đã liên tục “chứng tỏ được tác dụng của nó”.
Benjamin Yu, một luật sư biện hộ cho chính phủ, nói rằng lệnh cấm “là phù hợp và cần thiết”, trong bối cảnh bạo lực leo thang vào ngày càng có nhiều người trẻ dễ bị tổn thương tham gia vào các cuộc biểu tình.
Tính từ tháng 6, hơn 4.000 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình rộng khắp; ước tính gần 40% trong số này là sinh viên, theo số liệu của cảnh sát Hồng Kông công bố hôm 13/11.
Luật cấm người dân đeo “vật che mặt” trong các buổi tập trung công cộng với mục đích “có thể để ngăn cản nhận dạng”, với người vi phạm có thể bị phạt tới 1 năm tù và 25.000 đô la Hồng Kông (3.187 USD).
Theo luật này, cảnh sát được quyền yêu cầu một người cởi bỏ mặt nạ ở nơi công cộng, và người không tuân thủ sẽ bị cưỡng chế bỏ mặt nạ, đồng thời có thể bị phạt tối đa 6 tháng tù và 10.000 đô la HK.
Tính đến ngày 7/11, cảnh sát đã bắt 247 nam và 120 nữ bị tình nghi vi phạm luật trên. Trong số này, 24 người đã bị mang ra tòa và các phiên xử vẫn chưa ngã ngũ.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Dòng sự kiện Carrie Lam Luật Cấm che mặt