Tòa án Tối cao Hồng Kông hôm Thứ Sáu (28/7) đã bác bỏ đề nghị của Chính phủ cấm bài hát “Vinh quang Hương Cảng” (Glory to Hong Kong), nói rằng nó có thể làm suy yếu quyền tự do biểu đạt và gây ra “hiệu ứng ớn lạnh” tiềm ẩn. Đề nghị lệnh cấm được chính quyền Hồng Kông đưa ra sau khi bài “Vinh quang Hương Cảng” được phát trong một số sự kiện thể thao quốc tế, thay vì bài quốc ca của Trung Quốc Đại Lục, làm trái với kỳ vọng của chính quyền Bắc Kinh, Reuters đưa tin.

p3255081a427201659
Vận động viên Susanna Lin của Hồng Kông đã làm thế tay hình chữ “T” để biểu thị rằng bản nhạc đại biểu Hồng Kông đã bị phát nhầm. (Ảnh chụp màn hình video)

Trước yêu cầu của chính quyền muốn thông qua lệnh cấm bài hát “Vinh quang Hương Cảng”, Tòa án Tối cao Hồng Kông hôm 27/6 đã có một phán quyết bằng văn bản bác bỏ lệnh cấm. Thẩm phán Tòa án Tối cao Anthony Chan viết: “Tòa án công nhận quyền tự do ngôn luận có liên quan đến việc xem xét đơn này,” đồng thời lưu ý “hiệu ứng ớn lạnh” có thể xảy ra nếu lệnh cấm được thông qua — ám chỉ việc lòng người nguội lạnh khi bị chèn ép và đối xử bất công.

“Sẽ không phải là nói quá đi khi hình dung rằng những người hoàn toàn vô tội sẽ tránh xa những gì có thể là hành vi hợp pháp nhưng lại liên quan đến bài hát, chỉ vì họ sợ vi phạm lệnh cấm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng,” Ông Chan viết. “Tôi không thể hài lòng rằng việc ban hành lệnh này là công bằng và thuận tiện. Cho nên đơn này bị bác bỏ.”

Hồng Kông —với tư cách là một đặc khu “1 quốc gia 2 chế độ” thuộc lãnh thổ của Trung Quốc Đại Lục— là không có ‘quốc ca’ của riêng mình. Tuy nhiên, Hồng Kông có lá cờ riêng, và đặc biệt ở chỗ trong nhiều sự kiện thể thao quốc tế, Hồng Kông có tư cách tham gia như một đội tuyển quốc gia.

Khi vận động viên của đội tuyển Hồng Kông đoạt giải —điều không thường xuyên xảy ra ở các giải quốc tế danh tiếng— thì lúc nhận giải sẽ dẫn tới vấn đề là bật bản nhạc đại biểu cho Hồng Kông.

Chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh nhận định rằng kể từ khi ‘trở về’ Trung Quốc năm 1997, thì bài quốc ca của Trung Quốc Đại Lục là bản nhạc thích hợp cho sự kiện này. Trước năm 1997, như là một thuộc địa của Anh quốc, thì bản nhạc đại biểu cho cho Hồng Kông trong những sự kiện này là bài “God Saves The King” (Chúa Cứu rỗi Nhà Vua/Nữ Hoàng), bài nhạc đại biểu của Vương quốc Anh.

Nhưng vì một số lý do nào đó, bài “Vinh quang Hương Cảng” đã được phát tại một số sự kiện thể thao quốc tế, bao gồm các cuộc thi bóng bầu dục và khúc côn cầu trên băng, thay vì quốc ca của Trung Quốc Đại Lục.

Bài “Vinh quang Hương Cảng” được hát và phát rộng rãi trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của nhân dân Hồng Kông vào năm 2019. Từ đó, bài hát này được chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh coi là sự thách thức uy quyền của họ, và coi đó là bài hát của những người bất đồng chính kiến. Người ta cũng gọi bài hát này là “bài hát chống dẫn độ”.

hong kong anthem search
Cuối năm ngoái, nếu tìm “Quốc ca Hồng Kông” bằng Google (tiếng Anh hoặc tiếng Trung) thì sẽ thấy bài “Vinh quang Hương Cảng”. Đây được coi là 1 trong những lý do dẫn tới bản nhạc này được phát trong một số sự kiện thể thao quốc tế (ảnh chụp màn hình 12/2022). Thời điểm bấy giờ, Google đã từ chối yêu cầu của chính quyền Hồng Kông muốn đổi bản nhạc này thành bài quốc ca của Trung Quốc Đại Lục. (Ảnh chụp màn hình)

Khi chính quyền lần đầu tiên nộp đơn lên tòa án về lệnh cấm hoàn toàn bài hát vào tháng 6, bài hát đã sớm bị gỡ xuống khỏi một số nền tảng phát nhạc trực tuyến bao gồm iTunes và Spotify.

Các quan chức Hồng Kông cũng đã chỉ trích Google vì đã từ chối thay đổi kết quả tìm kiếm của mình để hiển thị quốc ca của Trung Quốc thay vì “Vinh quang Hồng Kông” khi người dùng tìm kiếm quốc ca của Hồng Kông.

Một quan chức cấp cao của Hồng Kông, Sun Dong, nói hồi đầu tháng này rằng Google đã yêu cầu chính quyền Hồng Kông trước hết phải chứng minh rằng bài hát vi phạm luật pháp địa phương — do đó dẫn đến việc chính quyền muốn cho thông qua lệnh cấm.

Công ty mẹ của Google, Alphabet không đưa ra phản hồi ngay lập tức đối với yêu cầu bình luận của Reuters về phán quyết. Hiện chưa rõ liệu chính quyền có kháng cáo quyết định này hay không.

Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông (HKJA) đã phản đối lệnh cấm của Chính phủ, đã hoan nghênh quyết định này của tòa án.

“Việc thực thi quyền lực công cộng sẽ tạo ra hiệu ứng ớn lạnh, đe dọa những người vô tội,” Ronson Chan, người đứng đầu HKJA, nói với các phóng viên bên ngoài tòa án. “Tôi nghĩ rằng phán quyết là rất hợp lý.”

Theo một văn bản mà Reuters có được, Chính phủ đã tìm cách cấm biểu diễn và phổ biến bài hát, bao gồm cả phần chuyển thể, giai điệu, lời bài hát và trực tuyến, bao gồm cả trên YouTube, cho rằng đó là một sự xúc phạm đối với quốc ca của Trung Quốc.

“Vinh quang Hồng Kông” được sáng tác vào năm 2019 khi thành phố này đang bị chấn động bởi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng thu hút hàng triệu người phản đối việc thắt chặt kiểm soát của Trung Quốc đối với thành phố tự do này.

Nhật Tân