TQ: 12.000 trẻ vị thành niên bị kết án, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái
- Hạ Tùng
- •
Tỷ lệ tội phạm vị thành niên ở Trung Quốc đang ở mức đáng báo động. Dữ liệu mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy, 12.000 tội phạm vị thành niên đã bị kết án trong quý đầu tiên, tăng 77,67% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 3,12% tổng số tội phạm, tỷ lệ kết án nặng là 8,5%.
Ngày 22/4, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã công bố số liệu chính về các phiên tòa xét xử trong quý 1 năm 2024. Dữ liệu cho thấy, các vụ án hình sự sơ thẩm đang gia tăng, với 289.000 vụ án hình sự sơ thẩm được thụ lý, tăng 8,32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian này, 374.000 bị cáo đã bị kết án, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 12.000 tội phạm vị thành niên bị kết án, tăng 77,67% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 3,12% tổng số tội phạm, tăng 1,12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ án nặng là 8,5%.
Tỷ lệ tội phạm vị thành niên một lần nữa khiến dư luận lo ngại.
Nhà đầu tư, blogger tài chính và người có ảnh hưởng trên weibo Lưu Nhuế Đông tỏ ra hoài nghi: “Mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhiều vậy sao?”
Blogger video và người có ảnh hưởng trên weibo “Yelei Xinlei” (Diệp Lỗi Tân Lôi) cho biết: “Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Khi chúng cần được quản giáo và chỉ dẫn nhất về giá trị quan thì cha mẹ lại không ở bên cạnh, điều này dẫn đến tội ác của trẻ em… và sự biến mất của trẻ vị thành niên.
Không chỉ cần sự nghiêm minh của pháp luật, mà còn cần sự quan tâm từ xã hội, hơi ấm của gia đình và sự chỉ dẫn của giáo dục. Khi phân tích, xem xét quá khứ, chúng ta cũng nên nhìn về tương lai, dùng tấm lòng rộng lớn và trí tuệ phong phú để xây dựng một môi trường xã hội cho sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ.”
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tội phạm vị thành niên gây chấn động xã hội Trung Quốc, trong đó có nhiều vụ liên quan đến trẻ em bị bỏ rơi.
Ngày 10/3 năm nay, Vương Tử Diệu, học sinh lớp 7 ở quận Phì Hương, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, đã bị 3 bạn cùng lớp tra tấn, giết chết và chôn cất sau khi gây án.
Sau đó, những học sinh này vẫn đến trường như thể không có chuyện gì xảy ra, khiến cả xã hội bàng hoàng. Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận, Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc đã quyết định phê chuẩn việc truy tố các nghi phạm hình sự họ Trương, họ Lý và họ Mã này.
Trước đó, trong cùng tháng, một cậu bé 13 tuổi ở Cam Túc cũng bị tình nghi đã giết hại dã man một bé gái hàng xóm 8 tuổi. Đây là vụ án đầu tiên được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn khởi tố.
Các vụ án trên đều liên quan đến trẻ bị bỏ rơi. Trẻ em bị bỏ rơi là một hiện tượng đặc biệt ở Trung Quốc Đại Lục. Do cha, mẹ hoặc cả hai người đều đi làm xa tại các thành phố và thị trấn, nên trẻ nhỏ bị bỏ lại quê nhà, hoặc ở với người thân ở nông thôn, và sống tách biệt với cha mẹ trong một thời gian dài.
Ngày 18/3, tài khoản công khai WeChat “Nhận thức cơ bản” đăng bài trực tuyến, nói rằng đây là thảm kịch đẫm máu khi 3 đứa trẻ bị bỏ lại đã giết chết một đứa trẻ bị bỏ lại khác. Phía sau bức màn là cuộc sống u ám của 10,86 triệu đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn Trung Quốc (dữ liệu năm 2023).
Đại đa số trẻ em bị bỏ lại nông thôn phải sống cùng ông bà, xa cách với cha mẹ. Về cơ bản, chúng chỉ được quan tâm đến vấn đề cơm ăn, áo mặc. Một số người già ốm đau thậm chí còn bỏ bê chúng, càng không nói đến việc giúp chúng làm bài tập về nhà, tư vấn tâm lý, an ủi khi các em gặp khó khăn, bối rối, hay có thể đưa ra những chỉ dẫn đúng đắn.
Bài viết đặt câu hỏi, phải chăng hàng triệu phụ huynh có con bị bỏ lại nông thôn không muốn đưa con đi học ở thành phố nơi họ làm việc? Hãy hỏi Ủy ban Giáo dục tại các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, hay Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc.
Liệu con cái của những người lao động nhập cư có thể đăng ký vào những trường của thành phố này, và thi tuyển đầu vào mà không có sự phân biệt?
Bài viết tố cáo: “Điều phẫn nộ nhất là ở một trong những huyện nhân văn nhất, ngay cả cơ hội thi vào trường trung học tại địa phương, một trường dành riêng cho con của những người lao động nhập cư, nơi chuyên nhận trẻ em bị bỏ lại nông thôn, cũng bị cấm…”
Theo số liệu chính thức của ĐCSTQ năm 2016, 70% tội phạm hình sự ở Trung Quốc là tội phạm vị thành niên, và 70% trong số đó là các em nhỏ bị bỏ rơi.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Giáo dục Trung Quốc Trẻ em Trung Quốc Dòng sự kiện trẻ vị thành niên