TQ: Bé 3 tuổi tử vong vì bị nhân viên chống dịch chặn đường đi cấp cứu
- Lý Mộc Tử
- •
Một cậu bé 3 tuổi ở Trung Quốc bị ngộ độc khí gas, trên đường đi cấp cứu đã bị nhân viên phòng chống dịch chặn lại dẫn đến việc giải cứu không thành công. Cách xử lý vấn đề của chính quyền sau đó càng gây thêm nhiều bức xúc trong dư luận.
Ngày 1/11, một cậu bé 3 tuổi ở quận Thất Lý Hà, thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc bị nhân viên phòng chống dịch chặn lại khi được đưa đến bệnh viện do ngộ độc khí gas. “Thằng bé bị hại chết một cách gián tiếp”, cha của cậu bé nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Sau đó, trên mạng xuất hiện thông tin giới chức “cướp xác cháu bé”, và yêu cầu gia đình khẳng định cậu bé chết do bị ngộ độc khí gas, chứ không phải do phòng dịch quá mức, “mới chịu giao lại thi thể của đứa bé.”
Sau khi yêu cầu vô lý bị từ chối, cha đứa trẻ đã bị cảnh sát đánh đập dã man. Rất đông công an đã đến hiện trường cầm khiên đối đầu với người dân. Tuy nhiên, cha của cậu bé nói rằng cái chết của con trai anh có liên quan đến chính sách phòng chống dịch Zero-COVID.
网友投稿
甘肃兰州卡扣阻拦互相推诿导致三岁小孩因无法出小区病逝的事件后续
大量武警进入小区戒严 pic.twitter.com/pckwGFZF8P— 李老师不是你老师 (@whyyoutouzhele) November 1, 2022
(Nội dung tweet: “Cư dân mạng cho biết Lan Châu, Cam Túc chặn đường và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, dẫn đến cái chết của một đứa trẻ 3 tuổi do không thể rời khỏi tiểu khu. Sau khi vụ việc xảy ra, rất đông cảnh sát có vũ trang đã vào đây.”)
Cái chết của cậu bé liên quan đến Zero-COVID
Reuters đưa tin, cái chết của cậu bé là vụ việc mới nhất làm dấy lên sự phản đối của người dân với chính sách Zero-COVID.
Hôm thứ Tư (2/11), thẻ dữ liệu hashtag liên quan đến vụ việc đã đạt được gần 380 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo. Anh Thác Thạch Lỗi (Tuo Shilei), cha của đứa trẻ, nói qua điện thoại: “Cá nhân tôi nghĩ rằng thằng bé đã bị giết một cách gián tiếp.”
Thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, nơi Thác Thạch Lỗi và gia đình anh sinh sống, đã bị phong tỏa vài tháng. Trưa thứ Ba (1/11), vợ của anh Thác Thạch Lỗi hít phải khí gas khi đang nấu ăn và bị trượt chân.
Anh Thác Thạch Lỗi nhận thấy con trai mình là Văn Hiên (Wenxuan) cũng không được khỏe, anh đã cố gắng gọi xe cấp cứu, và gọi cho cảnh sát một cách tuyệt vọng, nhưng điện thoại không thể kết nối.
Khoảng 30 phút sau, tình trạng của Văn Hiên trở nên tồi tệ hơn. Thác Thạch Lỗi nói anh đã hô hấp nhân tạo cho con trai mình, nhưng không có tác dụng. Anh ôm con trai lao ra cổng của tiểu khu đang được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng nhân viên ở cổng từ chối cho anh ra ngoài, bảo anh gọi cho lãnh đạo của tiểu khu hoặc xe cấp cứu.
Thác Thạch Lỗi quá lo lắng, không muốn đợi thêm nữa, nên đã ôm con trai lao qua rào chắn. Một số người dân tốt bụng đã gọi taxi đưa hai người đến bệnh viện, nhưng bác sĩ không thể cứu được Văn Hiên.
Anh Thác Thạch Lỗi (32 tuổi) điều hành một cửa hàng bán thịt nhỏ, nói với Reuters rằng các nhân viên chặn cổng tại tiểu khu đã không làm gì, chỉ phớt lờ và né tránh vấn đề. Sau đó hai cha con đã bị một trạm kiểm soát khác chặn lại, không một ai giúp đỡ họ. Thác Thạch Lỗi cho biết một chuỗi sự kiện đã dẫn đến cái chết của con trai anh.
Tuy nhiên, chính quyền Lan Châu và các cơ quan y tế, cũng như chính quyền tỉnh Cam Túc, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Có người chi 100.000 nhân dân tệ để anh “không truy cứu trách nhiệm của tiểu khu”
Ngày 2/11, Internet đưa tin một người tự nhận là “người nhà của cậu bé ngộ độc bằng khí gas ở Lan Châu”, được cho là cha của cậu bé “tìm công lý cho con trai” qua mạng Internet, cho biết cậu bé đã được chôn cất.
Người này nói: “Một người tự xưng là tổ chức phi chính phủ đã liên hệ với tôi, và nói rằng họ sẽ đưa cho tôi 100.000 nhân dân tệ (khoảng 13.900 USD), yêu cầu tôi ký một thỏa thuận. Thỏa thuận viết rõ rằng tôi không được tiếp tục quy cứu trách của tiểu khu và chôn cất đứa bé, tôi đã không ký tên. Tôi chỉ muốn một lời giải thích.”
Cuối cùng anh nói rằng mình muốn “một phản ứng tích cực, nói cho tôi biết lúc đó vì sao lại không cho tôi đi, vì sao bảo tôi phải báo cáo lãnh đạo, chờ lãnh đạo thông báo mới được đi?”
Nhưng thông tin do tài khoản “Tìm công lý cho con trai” đưa ra hiện vẫn chưa thể xác minh được đó có phải là cha của cậu bé 3 tuổi ở Lan Châu hay không.
Sinh ra trong đại dịch, chết vì Zero-COVID
Nhà bình luận thời sự Vương Kiếm nói rằng hiện tượng thương vong và việc điều trị y tế bị trì hoãn do chính sách Zero-COVID vẫn xảy ra hàng ngày.
Ông nói: “Chúng tôi gọi đây là một ‘thảm họa nhân đạo’. Vấn đề cốt lõi của Zero-COVID là có vẻ như đây là một chính sách y tế, nhưng kỳ thực nó là cơ chế trừng phạt quan chức địa phương. Chỉ cần nơi bạn ở bùng phát dịch bệnh, bạn sẽ bị mất chiếc mũ ô sa. Vì vậy, các chính quyền địa phương, đặc biệt là các quan chức địa phương sẽ làm mọi cách để ngăn chặn dịch bệnh, nhốt bạn ở nhà và không cho bạn ra ngoài.”
Ông Vương Kiếm cũng nói: “Thực ra, mục đích của tất cả các phương pháp y học là để bảo vệ sức khỏe người dân, nhưng Zero-COVID thì ngược lại. Nó không bảo vệ sức khỏe của người dân, chỉ bảo vệ chức vụ của các quan lại. Nhân dân có quyền tối cao chỉ là lời nói dối. Người dân chưa bao giờ là trên hết. Kỳ thực, từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập đến nay, người dân chỉ là công cụ hoặc vật phẩm tiêu hao để đạt được mục tiêu chính trị của họ.”
Từ khóa Cam Túc Zero COVID Dịch bệnh tại Trung Quốc