TQ chính thức công bố ‘chính sách 3 con’: Liệu có kịp cho “Trung Quốc mộng”?
- Văn Long
- •
Ngày 20/7, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức công bố chính sách 3 con của Trung Quốc, cho biết chính sách không có nghĩa là tự do hóa hoàn toàn vấn đề sinh con. Có phân tích cho rằng hành động về dân số của ĐCSTQ hiện nay quá muộn cho mong muốn nhanh chóng lấy lại được tiềm lực cho phát triển kinh tế vì các mục tiêu cấp bách của nhà cầm quyền.
Ngày 20/7, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã công bố toàn văn “Quyết định về việc tối ưu hóa chính sách mức sinh nhằm thúc đẩy vấn đề dân số cân đối bền vững” (sau đây gọi là “Quyết định”).
“Quyết định” đề xuất thực hiện chính sách một cặp vợ chồng có thể có 3 con, để chính sách đi vào thực tế, ĐCSTQ hủy bỏ các các hình thức thu phí liên quan trước đây như phí hỗ trợ xã hội [trong vấn đề sinh con] và các hình thức xử phạt liên quan khác, đồng thời thúc đẩy các biện pháp nhằm khích lệ sinh con.
Tài liệu cho biết “sẽ xem xét tổng thể việc kết hôn, sinh con, nuôi dạy con cái và giáo dục, để giải quyết triệt để những lo lắng của quần chúng và giải phóng tiềm năng sinh con cái”.
Tờ The Paper của ĐCSTQ đã phỏng vấn ông Dương Văn Trang (Yang Wenzhuang) – Vụ trưởng Vụ Dân số và Gia đình của Ủy ban Y tế Quốc gia về vấn đề này: “Liệu việc bãi bỏ các khoản phí hỗ trợ xã hội có đồng nghĩa với việc tự do hóa hoàn toàn việc sinh?” Ông Dương Văn Trang trả lời: “Tôi nghĩ rằng việc bãi bỏ các khoản phí hỗ trợ xã hội không thể được đánh đồng với việc tự do hóa hoàn toàn việc sinh con. Vì ‘Quyết định’ của Ủy ban Trung ương rất rõ ràng là thực hiện chính sách 3 con, nghĩa là một cặp vợ chồng có thể có 3 con chứ không phải cởi mở hoàn toàn chính sách sinh con, chính sách sinh 3 con vẫn là chính sách sinh con có kế hoạch”.
Trước đó ngày 31/5, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị đề xuất việc thực hiện chính sách và các biện pháp hỗ trợ một cặp vợ chồng sinh 3 con, nhằm cải thiện cơ cấu dân số và thực hiện chiến lược quốc gia ứng phó với tình trạng già hóa dân số, ngoài ra là để bảo đảm nguồn nhân nhân lực dồi dào vốn là lợi thế của nước này.
Về vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn ngày 31/5 mà Đài Á châu Tự Do (RFA) thực hiện hỏi một giáo sư nghỉ hưu ở Thượng Hải, được cho biết hiện nay giới trẻ Trung Quốc cũng không muốn sinh con vì chi phí chăm sóc, nhiều người cảm thấy nuôi một đứa con cũng còn khó khăn chứ nói gì đến 2 – 3 con…
Một nhà nghiên cứu tên Nhậm Trọng Đạo (Ren Zhongdao) tại nhóm Think Tank Chính trị và Kinh tế Thiên Vận (Tianjun) bên ngoài Đại Lục chỉ ra rằng dù cho một cặp vợ chồng được phép sinh 3 con thì đây cũng vẫn là “biến thể” của chính sách kế hoạch hóa gia đình, điều này cũng được chính giới quan chức Ủy ban Y tế ĐCSTQ thừa nhận. Ông cho rằng vấn đề dân số thực tế có liên quan suy thoái kinh tế của Trung Quốc, so với cuộc tổng điều tra quốc gia lần thứ 6 vào năm 2010 thì kết quả cuộc tổng điều tra lần thứ 7 năm 2021 cho thấy dân số trong độ tuổi lao động (từ 16 đến 59 tuổi) của Trung Quốc đã giảm hơn 40 triệu người. Nhưng ngay cả khi việc sinh con được tự do hóa hoàn toàn thì cũng sẽ mất nhiều thời gian để trẻ sơ sinh phát triển thành dân số lao động. Vậy nên, thực tế bây giờ đã quá muộn cho các mục tiêu cấp bách vì ‘Trung Quốc mộng’ của nhà cầm quyền.
Một minh chứng là sau khi ĐCSTQ thực hiện chính sách 2 con vào năm 2015, ngoài việc tỷ lệ sinh tạm thời tăng đột biến vào năm 2016 thì số trẻ sơ sinh trong 4 năm tiếp theo đã liên tục sụt giảm. Số trẻ sơ sinh năm 2020 giảm gần 15% so với năm 2021. Do chi phí nuôi dạy con cái ngày càng cao và nhiều vấn đề khác như áp lực giá nhà đất cao… khiến đông đảo mọi người không còn mong muốn sinh nhiều con cái.
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra vấn đề. Tiêu biểu như ông Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping) là nhà kinh tế trưởng của công ty chứng khoán Trung Quốc Soochow đã cho biết sau kết quả điều tra dân số rằng, theo dữ liệu điều tra dân số quốc gia lần thứ 7 cho thấy vào năm 2020 dân số Trung Quốc là 1,41 tỷ người, số lượng sinh giảm 2,6 triệu người so với năm 2019, tức là 18%, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên là 13,5%. “Đặc điểm mới và xu hướng mới” của dân số và xã hội Trung Quốc cho thấy 5 vấn đề: già hóa, giảm sinh, không kết hôn, tập trung ở thành thị, và kiên cố hóa vấn đề giai tầng địa vị xã hội.
Ông Nhậm Trọng Đạo cho rằng ở Trung Quốc vấn đề giai tầng xã hội đã từ lâu luôn trong tình trạng “bất di bất dịch”, khiến đông đảo giới trẻ vào xã hội phấn đấu cảm thấy mệt mỏi để có thể vươn lên. Hệ quả ngày càng nhụt hết ý chí phấn đấu và chọn cách không yêu đương cũng như kết hôn, như bây giờ phổ biến cái gọi xu thế sống theo “chủ nghĩa nằm ngửa”. Vì vậy việc ĐCSTQ thúc đẩy chính sách 3 con thì cứ thúc đẩy, nhưng giới trẻ có sẵn sàng đón nhận không là chuyện khác!
Văn Long, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc kế hoạch hóa gia đình Chính sách 3 con