TQ có thể thay Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông
- Trí Đạt
- •
Trong cuộc bầu cử nghị viên Hội đồng Lập pháp cấp quận kể từ khi phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ bùng nổ đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phán đoán sai tình hình, phe dân chủ lần đầu tiên chiến thắng áp đảo với 389 ghế so với 55 ghế của phe kiến chế thân Bắc Kinh. Bắc Kinh trở tay không kịp, và có phần rối loạn. Một mặt Bắc Kinh chuyển từ việc cao giọng chỉ trích trước đó sang “xử lý nguội” đối với kết quả bầu cử cấp quận; mặt khác ĐCSTQ cũng phát đi tín hiệu cho biết đang cân nhắc thay thế Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương Vương Chí Dân.
Theo Reuters đưa tin, phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài hơn 5 tháng, lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ lâu nay vẫn luôn xử lý thông tin tình báo từ Hồng Kông trong một căn biệt thự thuộc ngoại ô Thâm Quyến mà không thông qua Văn phòng Liên lạc Trung ương – cơ quan đã vận hành 20 năm qua.
Reuters: Bắc Kinh đi vòng qua Văn phòng Liên lạc Trung ương
Văn phòng Liên lạc Trung Quốc đã bị chỉ trích vì phán đoán sai tình hình Hồng Kông. Bản tin của Reuters trích dẫn lời của một quan chức phía Trung Quốc cho biết: “Văn phòng Liên lạc Trung ương luôn giữ liên hệ với những người giàu có ở Hồng Kông và tinh anh ở Đại Lục, tự làm bản thân ngăn cách với người dân Hồng Kông” cho nên “điều này cần phải thay đổi”.
Bản tin nói, kết quả bầu cử cấp quận ở Hồng Kông vừa mới kết thúc đã cho thấy phe dân chủ thắng lợi áp đảo, Văn phòng Liên lạc Trung ương có thể phải đối mặt với áp lực lớn hơn nữa. Reuters cũng dẫn 2 nguồn tin nói, Trung ương ĐCSTQ bất mãn với việc Văn phòng Liên lạc Trung ương xử lý khủng hoảng Hồng Kông, điều này cho thấy phía Bắc Kinh đang cân nhắc thay thế chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương của ông Vương Chí Dân.
Hình ảnh ngày 21/7, người biểu tình tập trung trước Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông và xịt sơn đen lên biển hiệu của Văn phòng này (Ảnh: Getty Images)
Bản tin cho biết, khu biệt thự Tử Kính ở Thâm Quyến là “Trung tâm chỉ huy tiền tuyến” đối với Hồng Kông, là căn cứ điều phối và giám sát tình hình tại Hồng Kông. Bản tin dẫn lời của 6 nhân sĩ nắm tình hình cho biết, trong 5 tháng qua, có quan chức cấp cao tại Bắc Kinh đã đến khu biệt thự Tử Kính để thương thảo đối sách, thỉnh thoảng lại triệu kiến lãnh đạo cấp cao Chính phủ Hồng Kông, bao gồm cả Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, lãnh đạo cấp cao cảnh sát Hồng Kông, lãnh đạo giới doanh nghiệp và phe kiến chế.
Bản tin dẫn lời của 2 nhân sĩ cho biết, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hàn Chính chủ quản về sự vụ Hồng Kông và Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Trương Hiểu Minh đều từng xuôi xuống miền Nam đến khu biệt thự Tử Kính. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mỗi ngày đều nhận được báo cáo ngắn gọn bằng văn bản liên quan đến vấn đề Hồng Kông từ khu biệt thự Tử Kính ở Thâm Quyến này.
Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao và Văn phòng Trưởng đặc khu Hồng Kông chưa hồi đáp về câu hỏi kiểm chứng của Reuters. Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trú tại Hồng Kông thì cho biết đã đề xuất nói chuyện nghiêm túc về thông tin “không đúng sự thực” của Reuters.
Nhà bình luận: Đi hay ở là dựa vào “nhu cầu chính trị” của Bắc Kinh
Về thông tin của Reuters, chính giới Hồng Kông cũng có nhiều bàn tán. Nhà bình luận thời sự kỳ cựu tại Hồng Kông Lưu Nhuệ Thiệu cho biết, ngày 26/11, điện thoại của ông nhận được rất nhiều cuộc gọi từ truyền thông, trong đó có không ít phóng viên nước ngoài, đều đang hỏi dò quan điểm của ông về việc Bắc Kinh thay người.
Ông Lưu Nhuệ Thiệu nói, liên tiếp có tin đồn nói có người nào đó ‘hạ đài’, quan trọng là không phải ở Hồng Kông, mà là Bắc Kinh tính toán nhu cầu chính trị như thế nào. Dùng tâm thái của người đương quyền của ĐCSTQ, thì sẽ không chủ động thay người, ĐCSTQ không có văn hóa truy cứu trách nhiệm.
“Phe kiến chế, bao gồm cả bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Bắc Kinh cần họ ở lại để xử lý cục diện. Nếu để họ từ chức, bằng như mặc nhận Bắc Kinh làm không đúng.”
Ông cũng chỉ ra, dù là Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Trương Hiểu Minh hay là Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương Vương Chí Dân đều là những người chấp hành chính sách, không phải là người hoạch định chính sách, “dù họ từ chức, nhưng chính sách không thay đổi thì cũng vô dụng.” Đương nhiên, họ cần phải chịu trách nhiệm, không thể đặt mình ở ngoài được.
Nhưng ông chỉ ra, lần này Văn phòng Liên lạc Trung ương phán đoán sai tình hình đã thực sự khiến Bắc Kinh nổi cáu. Bởi vì trước đó Bắc Kinh dự tính bầu cử sẽ không thảm bại thế này. Ông phân tích, lần bầu cử này có tỷ lệ bỏ phiếu cao kỷ lục lên đến 71%, động lực lớn nhất tạo ra kỷ lục này đến từ “hành động ngược ý dân của ĐCSTQ, Chính phủ, cảnh sát Hồng Kông”. Chính vì người dân Hồng Kông bất mãn với việc cảnh sát dùng bạo lực, nhất là sau Hội nghị Trung ương 4 của ĐCSTQ, Đại học Trung văn Hồng Kông và Đại học Bách khoa Hồng Kông bị cảnh sát bao vây, cho đến Ủy ban Pháp chế thuộc Nhân đại ĐCSTQ lên tiếng muốn ảnh hưởng đến chế độ tư pháp tại Hồng Kông, v.v, các nhân tố này khiến cho họ ngày càng sôi sục, “nhất định phải thông qua phiếu bầu để biểu đạt thái độ”.
Hình ảnh cảnh sát chống bạo động xịt nước cay vào người đi đường ở Hoàng Đại Tiên ngày 11/11 (Ảnh: Getty Images)
Tòa án cấp cao Hồng Kông hôm 18/11 đã phán quyết “Luật Cấm che mặt” là vi hiến. Ngày 19/11, Ủy ban Công tác Pháp chế Nhân đại ĐCSTQ nhấn mạnh, pháp luật Hồng Kông phù hợp với Luật Cơ bản hay không, chỉ có thể do Nhân Đại ĐCSTQ đưa ra phán đoán và quyết định.
Ông Lưu Nhuệ Thiệu nói, sau khi có kết quả bầu cử cấp quận tại Hồng Kông, truyền thông của ĐCSTQ và truyền thông thân ĐCSTQ tại Hồng Kông đã hạ giọng so với thái độ mạnh miệng chỉ trích “bạo lực” trước đó, hoàn toàn không nhắc đến thất bại, đều là vì trong lúc này ĐCSTQ không dám đổ thêm dầu vào lửa, đồng thời để tránh khiến cho cộng đồng quốc tế phản ứng lại. Điều quan trọng là, ĐCSTQ lừa gạt người dân trong thời gian dài, một khi nói ra sự thật “bằng như những gì nói trong quá khứ là sai. Người dân sẽ không bị lừa dối nữa.”
>> Bầu cử Hồng Kông: Trò “tẩy não” của ĐCSTQ đã thảm bại
Phán đoán sai tình hình, truyền thông ĐCSTQ “tiến thoái lưỡng nan”
Hôm 25/11, trang Tạp chí Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy) tại Mỹ đã đăng bài viết của biên tập viên kỳ cựu James Palmer, bài viết nói, ĐCSTQ trước đó tràn đầy tự tin về cuộc bầu cử cấp quận lần này tại Hồng Kông, truyền thông nhà nước thậm chí còn viết sẵn tin tức về đại thắng lợi trong cuộc bầu cử.
James Palmer đã hỏi biên tập viên và người làm công tác đưa tin, bao gồm cả người nước ngoài và bản địa của tờ Trung Quốc Nhật báo bản tiếng Anh, Hoàn cầu Thời báo tiếng Anh, Nhân dân Nhật báo, mỗi tờ báo đều đã viết sẵn “bài viết giả định phe kiến chế đại thắng” trước cuộc bầu cử cấp quận ngày 24/11.
Khi có kết quả bầu cử, “cơ quan báo chí Bắc Kinh đã bị lúng túng, các biên tập viên bận rộn tìm biện pháp để khiến kết quả bầu cử có lợi cho dư luận của ĐCSTQ.” “Những biên tập viên này và quan chức đằng sau họ, dường như thực sự tin rằng chính đảng phe kiến chế thắng lợi áp đảo.”
Văn phòng Liên lạc Trung ương phụ trách kiểm soát dư luận Hồng Kông
James Palmer nói, lãnh đạo ĐCSTQ dường như thực sự tin vào những lời mà phe kiến chế phát biểu trước bầu cử; giống Trưởng Đặc khu Hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục nói những người Hồng Kông bình thường “đại đa số im lặng”, họ ghét biểu tình đấu tranh, chỉ trích và phản đối bạo lực, hy vọng mọi việc khôi phục lại bình thường.
James Palmer nói: “Nguyên nhân nào tạo thành phán đoán sai lầm lớn như thế này? Vấn đề lớn nhất là: người phụ trách kiểm soát dư luận Hồng Kông cũng là người phụ trách báo cáo thành công cho chính mình. Kênh chủ yếu là Văn phòng Liên lạc Trung ương, cơ quan này phụ trách thúc đẩy hòa hợp nội địa Trung Quốc và Hồng Kông, thực tế là người điều phối chính sách mặt trận thống nhất, điều phối chính khách thân Bắc Kinh các kênh tin tức ủng hộ ĐCSTQ, lôi kéo nhà tài trợ và mạng lưới doanh nhân. Đồng thời, cơ quan này còn cung cấp tình báo cho Chính phủ Trung ương.”
Vương Chí Dân có thể bị thay thế
Thời báo Epoch Times hôm 25/10 từng đăng tin độc quyền “Sau Hội nghị Trung ương 4, Bắc Kinh có thể thay thế Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương Vương Chí Dân”. Bản tin dẫn nguồn từ nhân sĩ thân cận với Trung Nam Hải cho biết, người khơi mào cục diện hỗn loạn tại Hồng Kông chính là Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và những người đứng sau ủng hộ bà ta thuộc Văn phòng Liên lạc Trung ương, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao, là những đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hàng đầu.
Thông tin cho biết thêm, Vương Chí Dân là người thuộc “bang Thượng Hải” của phe phái cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, có quan hệ mật thiết với nhân vật số 2 của phe Giang là Tăng Khánh Hồng. Tăng Khánh Hồng có thời gian dài kiểm soát Hồng Kông, “Người nhà Tăng Khánh Hồng đến Hồng Kông, ông ta có bổn phận tiếp đón, hơn nữa là tiếp đón vô cùng chu đáo”.
Đồng thời, nhiều kênh thông tin cũng chỉ ra, phe kiến chế của ĐCSTQ cũng thông qua các kênh khác nhau của mình để phản ánh thông tin đến chính quyền Tập Cận Bình, trong đó có Văn phòng Liên lạc Trung ương, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao được cho là nhúng tay vào sự vụ Hồng Kông, “dẫn dắt Trung ương đi sai”, nên đã bị tố cáo nhiều nhất.
Về tương lai chính trị của Vương Chí Dân và Trương Hiểu Minh, nguồn tin cũng tiết lộ rằng Bắc Kinh đã bố trí ứng cử viên tiếp quản vị trí của Vương.
Văn phòng Liên lạc Trung ương, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao khuấy động tình hình Hồng Kông
Từ ngày 12/2/2019, khi Chính phủ Hồng Kông đứng đầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thúc đẩy dự luật “Pháp lệnh Tội phạm bỏ trốn” sửa đổi (gọi tắt là Dự luật Dẫn độ), các hoạt động kháng nghị của người Hồng Kông cũng liên tiếp bùng nổ. Tiểu ban Trung ương Điều phối Công tác Hồng Kông & Ma Cao do ông Hàn Chính đứng đầu công khai ủng hộ Dự luật và nhiều lần đến Thâm Quyến trực tiếp chỉ đạo. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao và Văn phòng Liên lạc Trung ương nhiều lần tỏ rõ thái độ cứng rắn, từ chối các yêu cầu của người Hồng Kông, định tính hoạt động kháng nghị của người Hồng Kông là bạo động, đồng thời sử dụng thế lực ngầm cùng cảnh sát bạo lực trấn áp các hoạt động, khuấy động tình hình Hồng Kông leo thang.
Gần đây, Ủy ban Chính trị Pháp luật của ĐCSTQ còn tăng cường kiểm soát Hồng Kông hơn nữa. Chính quyền ĐCSTQ ngoài thông qua Văn phòng Liên lạc Trung ương và Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao để thu thập tình báo, Ủy viên kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Quách Thanh Côn gần đây được cắt cử phối hợp xử lý sự vụ Hồng Kông và Ma Cao, không chỉ một lần tháp tùng ông Hàn Chính đến Thâm Quyến để nghiên cứu phán đoán tình hình Hồng Kông.
Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao, hệ thống Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông, thế lực ngầm tại Hồng Kông, lực lượng cảnh sát Hồng Kông, và thế lực công an, quốc an của ĐCSTQ đều chịu sự kiểm soát của nhân vật số 2 phe Giang Trạch Dân là Tăng Khánh Hồng và tâm phúc của Tăng, cũng như chịu sự kiểm soát của Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Quách Thanh Côn.
Đương nhiệm Trưởng Tiểu ban Trung ương điều phối công tác Hồng Kông Ma Cao Hàn Chính, đương nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Trương Hiểu Minh cùng Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương Vương Chí Dân, đều là người của Tăng Khánh Hồng thuộc bang Thượng Hải.
Ngày 21/10, nhà bình luận thời sự Lưu Tế Lương có bài bình luận chỉ ra, mỗi khi tình hình hòa hoãn, thì luôn có sự kiện tấn công bạo lực kích thích cục diện leo thang, tin rằng đây không phải là mục tiêu của Chính phủ Trung ương Bắc Kinh, mà là do thế lực chính trị nào đó gây ra, mục đích là vận dụng thủ đoạn “quản lý bằng khủng bố”, lợi dụng tâm lý sợ hãi để kìm kẹp toàn bộ Hồng Kông, để nhằm tập trung các lực lượng cảnh sát, quân nhân, thương nhân, truyền thông lại. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là con rối, quan chức cấp cao Chính phủ Hồng Kông cũng là ‘nô tài’, không có sức mạnh chính trị.
Bình luận viên thời sự Kiệt Tư chỉ ra, “Tin đồn Trung ương ĐCSTQ thay thế Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao và Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương, không phải là ngẫu nhiên mà có. Hai vị trí này thực ra đều quan trọng, truyền thống đều là do người của bang Thượng Hải nắm giữ. Gần đây tình hình rất rối loạn, ông Tập Cận Bình phải chăng không có năng lực thay đổi 2 vị trí này, để cho người của phe mình vào? Tôi nghĩ đó là bước tiếp theo, hiện tại là lấy Văn phòng Liên lạc Trung ương làm trung tâm để xử lý phong trào đấu tranh ở Hồng Kông, nhưng thực ra là vẫn có biến số.”
Trí Đạt
Xêm thêm
Từ khóa Văn phòng Liên lạc Trung ương Trung Quốc Bầu cử Hồng Kông Dòng sự kiện