Theo báo cáo từ truyền thông Trung Quốc, ông Lý Hải Ba – chuyên gia về vật liệu nano và quang điện tử, kiêm giáo sư tại Đại học Ninh Hạ, đã đột ngột qua đời vào ngày 8/4 ở tuổi 41. Nhà văn nổi tiếng Nhan Trạch Nhã (Joyce Yen) cho rằng đặc điểm của thời đại Tập Cận Bình là làn sóng các nhà khoa học hàng đầu qua đời một cách bí ẩn.

Ly Hai Ba
Ông Lý Hải Ba – chuyên gia Trung Quốc về vật liệu nano và quang điện tử, kiêm giáo sư tại Đại học Ninh Hạ, đã đột ngột qua đời vào ngày 8/4 ở tuổi 41. (Ảnh: QQ)

Nhà trường nơi ông Lý Hải Ba công tác đã xác nhận thông tin trên, nhưng không công bố nguyên nhân hay đưa ra cáo phó hoặc tổ chức lễ tưởng niệm.

Ông Lý Hải Ba là tiến sĩ vật lý của Đại học Sư phạm Hoa Đông. Ông đã tiến hành nghiên cứu sau tiến sĩ tại Úc. Năm 2016, ông được tuyển chọn vào “Chương trình tuyển dụng 100 nhân tài ở nước ngoài” của Ninh Hạ. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm vật liệu nano, điện hóa học và vật liệu quang điện tử.

Ông đã xuất bản hơn 100 bài viết, nắm giữ 17 bằng sáng chế tại Trung Quốc và Hoa Kỳ. Năm ngoái, ông cũng được chọn vào danh sách “2% nhà khoa học hàng đầu thế giới” do Đại học Stanford tại Hoa Kỳ công bố.

Theo nhà trường, ông Lý Hải Ba đang phải chịu áp lực công việc rất lớn. Ông phải giảng dạy và họp hành vào ban ngày, còn các ứng dụng nghiên cứu khoa học chỉ có thể hoàn thành vào đêm khuya, dẫn đến tình trạng mất ngủ nghiêm trọng trong thời gian dài.

Jimu News đưa tin, ông Lý Hải Ba qua đời vì “bệnh đột ngột”, nhưng thông tin chi tiết vẫn chưa rõ ràng.

Trong những năm gần đây, những sự cố tương tự thường xuyên xảy ra trong cộng đồng nghiên cứu khoa học của Trung Quốc, khiến ngoại giới lo ngại.

Nhà văn nổi tiếng Nhan Trạch Nhã (Joyce Yen) viết trên Facebook rằng đây chính là đặc điểm của thời đại Tập Cận Bình lãnh đạo. Đầu tiên, các quan chức quân sự cấp cao thường xuyên bị sa thải, kế đến các nhà khoa học hàng đầu liên tiếp qua đời một cách bí ẩn.

Bà chỉ ra rằng các dự án nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất nhiều kinh phí, thường đến từ hệ thống công nghiệp quân sự và dễ dẫn đến tham nhũng. Các nhà nghiên cứu khoa học có quyền truy cập vào thông tin quan trọng có thể trở thành mục tiêu bị diệt khẩu.

Ngoài những suy đoán về việc thanh trừng quan chức và tham nhũng, một số cư dân mạng cũng xem xét những trường hợp tương tự.

Theo báo cáo trước đây của Nam Hoa Tảo Báo, trong những năm gần đây, 8 chuyên gia Trung Quốc trong các lĩnh vực máy bay không người lái, AI, quốc phòng, chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, v.v. đã qua đời “ngoài ý muốn” hoặc “tự nhiên” khi đang ở độ tuổi sung sức. Hầu hết họ đều liên quan đến an ninh quốc gia hoặc công nghệ tiên tiến.

Mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh mối liên hệ giữa những sự việc này, nhưng tần suất xảy ra cao của chúng đã thu hút sự chú ý từ ngoại giới.

Một suy đoán khác về cái chết đột ngột của ông Lý Hải Ba lại tập trung vào yếu tố sức khỏe.

Tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi tại Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn, các bệnh viện và nhà tang lễ đều quá tải. Một số cư dân mạng thắc mắc liệu cái chết của ông Lý Hải Ba có liên quan đến di chứng của COVID-19 hay tác dụng phụ của vắc-xin COVID hay không. Nhưng không có tuyên bố nào của giới chức được đưa ra.

Gần đây, ông Lý Hải Ba không phải là chuyên gia trẻ duy nhất qua đời vì bệnh đột ngột.

Ông Đinh Nhuệ, giám đốc Sở Tư pháp Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, 41 tuổi và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Trần Triết, 35 tuổi, cũng đột ngột qua đời. Các báo cáo chính phủ thường kết thúc bằng “bệnh đột ngột”, nhưng thông tin chi tiết cụ thể lại không rõ ràng, gây ra nhiều tranh cãi trong công chúng.

Tôn Vân / Epoch Times