Gần đây, Tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ Zhongzhi của Trung Quốc đã nộp đơn xin thanh lý phá sản, được Tòa án nhân dân trung cấp số 1 Bắc Kinh chấp nhận vào ngày 5/1 và sẽ tiến hành các thủ tục liên quan.

zhongzi
Ảnh chụp màn hình website Tập đoàn Zhongzhi (ZEG). (Ảnh chụp màn hình website)

Bloomberg đưa tin, ngày 5/1, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh thông báo trên WeChat rằng họ đã quyết định chấp nhận đơn xin thanh lý phá sản do Tập đoàn Zhongzhi đệ trình.

Tháng 11/2023, tập đoàn này đưa ra một bức thư ngỏ, thừa nhận họ đã “vỡ nợ” nghiêm trọng. Theo ước tính kiểm toán, quy mô nợ của Tập đoàn Zhongzhi đạt 64,4 tỷ USD, nhưng tổng tài sản chỉ có 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD), khoản tài chính thiếu hụt lên tới 36,4 tỷ USD. Các cơ quan quản lý Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã mở một vụ án để điều tra.

Báo cáo chỉ ra rằng đây là một trong những vụ thanh lý phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Chủ nợ chủ yếu là những cá nhân tương đối giàu có, chứ không phải các tổ chức tài chính, do đó giảm thiểu tác động đến hệ thống tài chính Trung Quốc.

Sự suy thoái của Tập đoàn Zhongzhi đã gây khó khăn ngày càng lớn cho ngành ủy thác tài sản của Trung Quốc có tổng quy mô 2.900 tỷ USD, vốn đang phải đối mặt với triển vọng kinh tế bi quan, và thị trường nhà đất bị thu hẹp. Tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn.

Báo cáo cho biết, các công ty quản lý tài sản, trong đó có Tập đoàn Zhongzhi, hút tiền tiết kiệm của hộ gia đình để cho vay và đầu tư vào bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu và hợp đồng tương lai. Ngoài ra, trước đây cơ quan chức năng quản lý các công ty này khá lỏng lẻo.

Trong những năm gần đây, ngay cả khi các công ty ủy thác khác tiếp tục cố gắng giảm thiểu rủi ro, thì những công ty dưới trướng của Tập đoàn Zhongzhi, đặc biệt là Zhongrong International Trust, đã mở rộng hỗ trợ tài chính cho tập đoàn bất động sản đang gặp khó khăn Evergrande Group, và mua lại tài sản của họ, khiến tình hình tổng thể của Zhongzhi rơi vào tình cảnh khó khăn.

Báo cáo chỉ ra rằng trong những năm gần đây, khi các ngành công nghiệp lớn của Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng, họ thường có xu hướng nộp đơn xin cơ cấu lại nợ trước, để tránh rơi vào tình trạng phá sản. Ví dụ Tập đoàn HNA rơi vào khủng hoảng dòng vốn năm 2017 đã chấp nhận tái cơ cấu vào năm 2020 và hoàn thành tái cơ cấu vào năm 2022.

Sóng gió của “gã khổng lồ” bất động sản Evergrande vào năm 2021 đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà ở của Trung Quốc. Tập đoàn này hiện phải đối mặt với khoản nợ xấp xỉ 327 tỷ USD, và đang cố gắng tránh lâm vào tình trạng phá sản và giải thể.

Reuters chỉ ra rằng quy mô của ngành ủy thác tài sản của Trung Quốc tương đương với quy mô của toàn bộ nền kinh tế Pháp. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, ngành bất động sản của Trung Quốc bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thanh khoản.

Sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát, từ cuối năm 2021, công ty nhiều lần rơi vào tình trạng vỡ nợ, cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Việc tiến hành thủ tục thanh lý phá sản sẽ giúp đẩy nhanh việc kiểm kê tài sản của Tập đoàn Zhongzhi.

Luật sư Ứng Việt từ Công ty Luật Leaqual Bắc Kinh chỉ ra, theo các trường hợp trước đây, thủ tục tư pháp sẽ chỉ khiến quá trình thanh lý kéo dài, các chủ nợ cuối cùng chỉ có thể lấy lại 30% số tiền của họ.

Bình Minh, theo Up Media