Từ ngày 9/12/2021 đến ngày 5/1/2022, số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận tại thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây lên đến 1.856 ca, số người cách ly tập trung là hơn 40.000 người. Theo Ủy ban Y tế Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc, ngày 5/1, tỉnh Thiểm Tây có tổng cộng 63 ca nhiễm viêm phổi virus corona mới, và đều ở thành phố Tây An; trong cùng ngày tỉnh Hà Nam cũng xuất hiện 64 ca nhiễm và 9 trường hợp lây nhiễm không triệu chứng. 

Tổng hợp thông tin từ truyền thông Đại Lục, ngày 5/1, số ca nhiễm tại thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây là 61 ca. Đến hết 24 giờ ngày 5/1, tổng số người xác nhận lây nhiễm tại Tây An là 1.856 ca. Chiều ngày 5/1, tại cuộc họp báo về phòng chống dịch của thành phố Tây An, cơ quan chức năng cho biết, tính đến hết 24 giờ ngày 4/1, thành phố Tây An đang cách ly tập trung hơn 42.000 người.

Từ ngày 9/12/2021, thành phố Tây An bùng phát dịch bệnh, tình hình ngày càng nghiêm trọng, trong 10 ngày liên tiếp kể từ ngày 25/12, số ca nhiễm mới mỗi ngày được xác nhận tăng bình quân 150 ca trở lên, đến ngày 4/1 thì đột nhiên giảm xuống 35 ca. Chính quyền thông báo có hơn 40.000 người tiếp xúc gần (F0) và F1 đang được cách ly tập trung.

Chính quyền Tây An ra “thông báo quan trọng” chặn toàn diện thông tin tiêu cực trên WeChat

Thành phố Tây An phong tỏa từ ngày 23/12, đến ngày 6/1 là tròn 15 ngày. Tuy nhiên đến nay số ca nhiễm tăng lên đến 1.856 ca, cùng với việc dịch bệnh quay trở lại toàn diện, chính quyền cũng kêu gọi thực hiện nhiệm vụ “0 ca nhiễm cộng đồng”, “cần thực hiện nhiệm vụ làm sạch ca nhiễm cộng đồng về 0 trước ngày 4/1”.

Đối mặt việc người dân nhiều ngày liên tiếp cầu cứu và oán trách, chính quyền không tích cực giúp giải quyết vấn đề sinh hoạt của người dân, ngược lại còn triển khai hành động ngăn chặn toàn diện các thông tin tiêu cực.

Vào sáng sớm ngày 5/1, ứng dụng WeChat trên điện thoại di động của người dân Tây An nhận được một “thông báo quan trọng” từ chính quyền, trong đó có nội dung: “Trong thời kỳ phòng chống dịch bệnh, người dân Tây An đoàn kết một lòng và đồng tâm hiệp lực, để hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, bắt đầu từ 0h ngày 4/1, trong các nhóm trên WeChat không được phép đăng các loại tin đồn, tin vỉa hè, các chương trình mini, liên kết và video về dịch, đặc biệt là các tin tức tiêu cực. Đội ngũ hậu trường của WeChat đang giám sát tất cả các nhóm WeChat. Nếu tin tức tiêu cực lan truyền, nhóm này sẽ bị chặn, mong mọi người chú ý lẫn nhau và chia sẻ lại cho nhau về thông tin này.”

p3074511a114146780 ss
Ảnh bên phải: Giao thông ở ngoại ô thành phố Tây An bị cảnh sát phong tỏa, cấm thông hành. Ảnh giữa: Chính quyền thành phố Tây An cấm chia sẻ lại các tin tức tiêu cực, có người vi phạm sẽ cấm cả nhóm. Ảnh phải: Nhân viên phòng dịch tại Tây An dùng máy phun khử khuẩn. (Ảnh: RFA).

Có người dân Tây An chứng thực với Đài Á Châu Tự Do rằng tại địa phương hiện không cho phép đăng video và tin tức tiêu cực liên quan đến dịch bệnh trên WeChat, thậm chí trước đó có thông tin về một người lớn tuổi ở trong khu vực nguy cơ lây nhiễm trung bình tử vong do bệnh viện từ chối tiếp nhận, cũng không được tiếp tục lan truyền.

Một cư dân khác nói, “Hiện tại chính quyền làm gì thì nhìn một cái là biết, mặc dù chính quyền bịt miệng, không cho người khác nói bất cứ điều gì, nhưng vẫn có người nói ra. Bụng đói, mà anh không cho người ta kêu đói. Trong thời gian dịch bệnh mà anh còn đối đãi với người ta như thế này, có bệnh không cho chữa trị, sinh con cũng không cho sinh, có ai không lo lắng chứ. Đây không phải là nơi người ở.”

Trước đó, một người dân Tây An sống ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm trung bình đã phản ánh, bố của người này tái phát bệnh tim, nhưng bị bác sĩ từ chối tiếp nhận, không có chỗ chữa trị, cuối cùng bị lỡ thời gian cứu chữa nên không may mất mạng. Sau đó, còn có một người phụ nữ mang thai do xét nghiệm axit nucleic quá hạn “4 tiếng đồng hồ” nên không cách nào nhập viện, và phải đợi 2 tiếng đồng hồ dưới trời gió rét, cuối cùng xuất huyết và  sinh non 8 tháng.

Hà Nam xuất hiện dịch bệnh, phong tỏa Vũ Châu, Trịnh Châu

Ngày 5/1, chính quyền thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam thông báo, bắt đầu từ 10h sáng cùng ngày sẽ triển khai xét nghiệm axit nucleic toàn thành phố. Đến 6h tối cùng ngày, thành phố Trịnh Châu có thêm 6 ca dương tính mới, tổng cộng có 7 ca xác nhận lây nhiễm, 10 trường hợp nhiễm không triệu chứng.

Truyền thông Trung Quốc Đại Lục “Tin tức Đại Tượng” đưa tin, chính quyền thành phố Hứa Xương tỉnh Hà Nam thông báo trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh rằng đến 2h chiều ngày 5/1, thành phố (cấp huyện) Vũ Châu có 7 ca xác nhận lây nhiễm, 5 người nhiễm không triệu chứng. Đợt dịch lần này tổng cộng thông báo có 9 ca xác nhận lây nhiễm, 23 trường hợp lây nhiễm không triệu chứng.

(Thành phố Vũ Châu tỉnh Hà Nam ngày 2/1, phong tỏa nhiều nơi và thiết lập nhiều chốt phòng chống dịch.)

Theo Reuters đưa tin, thành phố Vũ Châu tỉnh Hà Nam tuyên bố bắt đầu phong tỏa thành phố từ ngày 2/1, 1,1 triệu người dân không được ra ngoài. Ngoài ra, 2 ngày mỗi hộ chỉ được cử 1 người ra đến cửa hàng chỉ định để mua đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt và đời sống. Tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, người dân không được ra khỏi nhà, tất cả các đồ dùng thiết yếu đều cần chuyển đến nơi.

Đến ngày 5/1, nhiều nơi như Trịnh Châu, Tín Dương, Thương Khâu, Vũ Châu, Chu Khẩu đều xuất hiện ca nhiễm.

Theo Hãng tin AP đưa tin, cùng với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đang sắp khai mạc vào ngày 4/2, lần dịch bệnh này bùng phát tại Trung Quốc đã mang đến áp lực lớn cho chính quyền Bắc Kinh. Đặc biệt đỉnh điểm về tình hình lây nhiễm trong những tuần gần đây là đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: