Mới đây, Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc đã chính thức ra lệnh bắt giữ ông Lý Cương – nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tại Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ (cơ quan chịu trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ), với cáo buộc phạm tội nhận hối lộ. Giới phân tích cho rằng ông Lý Cương là một quan chức cấp cao trong hệ thống kỷ luật Đảng – còn gọi là “cán dao” của ĐCSTQ – việc ông bị bắt cho thấy nội bộ cơ quan quyền lực này đang tự thanh trừng, đồng thời cũng phản ánh rằng quyền lực của ông Tập Cận Bình đang suy yếu, phe phản Tập đã đánh thẳng vào trung tâm quyền lực nội bộ.

Ly Cuong 2
Tin tức về việc ông Lý Cương, nguyên Tổ trưởng Tổ Giám sát Trung ương tại Ban Tổ chức Trung ương bị bắt đã nhanh chóng lọt top tìm kiếm nóng trên mạng. (Ảnh từ mạng xã hội)

Nguyên Tổ trưởng Tổ Kỷ luật Trung ương tại Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ Lý Cương bị bắt

Theo thông báo từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của ĐCSTQ, ngày 22/4, vụ án Lý Cương bị tình nghi nhận hối lộ đã được Ủy ban Giám sát Nhà nước kết thúc điều tra và chuyển giao cho cơ quan kiểm sát để truy tố. Viện Kiểm sát Tối cao đã ra lệnh bắt giữ ông Lý với cáo buộc nhận hối lộ, vụ án hiện đang được xử lý tiếp theo đúng quy trình pháp luật.

Thông báo cho biết, ông Lý Cương lợi dụng thời cơ mưu cầu cá nhân, kết giao với các “chính trị gia lừa đảo”, chống đối quá trình điều tra; nhận lời mời ăn uống có thể ảnh hưởng đến việc thi hành công vụ công bằng, không khai báo các vấn đề cá nhân theo quy định; trong quá trình bổ nhiệm và đề bạt cán bộ đã mưu lợi cho người khác; tham gia hoạt động kiếm lợi trái quy định; biến quyền lực công thành công cụ trục lợi cá nhân, nhận tiền bất chính quy mô lớn, lợi dụng vị trí để mưu lợi trong các lĩnh vực kinh doanh doanh nghiệp, đấu thầu dự án, điều chỉnh chức vụ, và nhận hối lộ với số tiền khổng lồ.

Thông tin công khai cho thấy, ông Lý Cương, năm nay 60 tuổi, người huyện Đại Ấp, tỉnh Tứ Xuyên, có học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông từng làm việc nhiều năm tại Tứ Xuyên, giữ các chức vụ như: Bí thư Thành ủy Bát Trung, Bí thư Thành ủy Tự Cống, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Tứ Xuyên… Năm 2020, ông được bổ nhiệm làm Phó Tỉnh trưởng, Ủy viên Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên, và đến năm 2021, ông được điều động giữ chức Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vân Nam, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Ông Tập mất “báng súng”, đến “cán dao” cũng không giữ nổi

Chủ đề “Lý Cương bị bắt” hiếm hoi leo lên vị trí số một trên bảng tìm kiếm nóng tại Trung Quốc Đại Lục.

Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn phân tích trên chương trình truyền thông cá nhân rằng việc của ông Lý Cương lọt top tìm kiếm nóng là có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, tên của ông này trùng hoàn toàn với cái tên vang danh giang hồ “Bố tôi là Lý Cương”; thứ hai, thân phận của ông ta rất đặc biệt, ông ta là quan chức cấp cao trong hệ thống kỷ luật – tức là “cán dao” của ĐCSTQ. “Điều này cho thấy bên trong dao găm cũng bắt đầu thanh lọc nội bộ”; thứ ba, ông ta mới nhậm chức được 9 tháng, “ghế ngồi còn chưa kịp nóng” thì đã bị bắt. “Hơn nữa, trong tội danh của ông ta có một điều khá hiếm gặp, gọi là ‘kết giao với kẻ lừa đảo chính trị’. Theo tôi, điều này chẳng khác gì cái tát công khai vào mặt Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hiện nay là Lý Hy,” ông Đường Tĩnh Viễn nhận định.

“Bố tôi là Lý Cương” là một câu nói nổi tiếng ở Trung Quốc, xuất phát từ một vụ việc gây tranh cãi vào năm 2010 và trở thành biểu tượng cho sự kiêu ngạo của “quan nhị đại” (con cái quan chức). Lý Cương là Phó cục trưởng Cục Công an khu Bắc Thị, Tp. Bảo Định, tỉnh Hà Bắc.

Ông Đường Tĩnh Viễn phân tích thêm, cái gọi là “kẻ lừa đảo chính trị” thực ra là một thuật ngữ đặc thù mang màu sắc Trung Quốc, chỉ những kẻ môi giới quyền lực mà các gia tộc quyền quý trong ĐCSTQ thường sử dụng. “Vì vậy, ý nghĩa là ông Lý Cương đã luồn lách để được ông Lý Hy đề bạt thăng chức. Giờ đây, khi ông ta gặp chuyện và bị bắt, điều này rõ ràng mang chút ý nghĩa răn đe đối với ông Lý Hy.”

Nhà bình luận Nhạc Sơn cũng cho rằng việc ông Lý Cương bị điều tra chỉ sau 9 tháng nhậm chức đã là một cú tát vào mặt ông Lý Hy. Một là chứng minh không có quan chức nào trong ĐCSTQ là không tham nhũng, hai là cho thấy ông Lý Hy không biết nhìn người.

Ông Đường Tĩnh Viễn nhận định, ông Tập Cận Bình đã bị đoạt quyền quân sự, mất cả “báng súng” thì “chuôi dao” sớm muộn cũng không giữ nổi. “Việc ông Lý Cương gặp chuyện, lại còn cố tình đưa tin lên top tìm kiếm nóng, thật ra mục đích chính là ở chỗ này – nhắc mọi người: giờ là lúc tới lượt ‘chuôi dao’ bị thanh trừng rồi.”

“Chuôi dao” là thuật ngữ dùng để chỉ lực lượng công an, an ninh quốc gia, tư pháp của ĐCSTQ; còn “báng súng” là chỉ lực lượng quân đội của ĐCSTQ.

Thế lực phản Tập đã xâm nhập vào nội viện

Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn chỉ ra rằng vụ án của ông Lý Cương không phải là trường hợp đơn lẻ. Vào ngày 18/4, chính quyền ĐCSTQ đã thông báo rằng cựu Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương Trương Kiến Xuân (Zhang Jianchun) bị khởi tố vì tình nghi nhận hối lộ. Ông Trương Kiến Xuân có mối quan hệ thân thiết với cựu Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương ĐCSTQ (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) Trần Hy, đồng thời cũng có quan hệ rất tốt với bà Bành Lệ Viện – cả hai người đều là đồng hương đến từ huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông. Vì vậy, ông Trương Kiến Xuân từ lâu đã được xem là một thành viên của “nhóm phu nhân Bành Lệ Viện”.

Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn cho biết, trong quá trình ông Trương Kiến Xuân được đề bạt hoặc bổ nhiệm, bà Bành Lệ Viện đã đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Đường Tĩnh Viễn nói: “Việc ông Trương Kiến Xuân bị khởi tố cho thấy ông ta đã không thể thoát thân được nữa, xảy ra chuyện rồi thì không ai có thể cứu ông ta. Điều này cũng chứng minh rằng cả bà Bành Lệ Viện lẫn ông Tập Cận Bình đều không thể bảo vệ được người của mình, không giữ được ‘quân phe Tập’. Do đó có thể tưởng tượng được, địa vị thực sự của ông Tập Cận Bình trong nội bộ đảng hiện nay là như thế nào.”

Nhà bình luận thời sự Lý Mộc Dương phân tích, việc ông Trương Kiến Xuân bị khởi tố đã lôi ra mối quan hệ với bà Bành Lệ Viện, khiến người ta càng chú ý hơn đến việc quyền lực của ông Tập Cận Bình đang sụp đổ. Nếu như những gì ông Thái Thận Khôn nói là đúng, “thì việc Trương Kiến Xuân ‘ngã ngựa’ cho thấy thế lực phản Tập đã tấn công đến tận trung tâm của nội viện’”.

Ông Trần Hy là bạn học kiêm bạn cùng phòng của ông Tập Cận Bình tại Đại học Thanh Hoa, mối quan hệ giữa hai người từ trước đến nay luôn rất tốt. “Vì vậy, việc ông Trương Kiến Xuân bị chính thức công bố ‘ngã ngựa’, dù là thế lực phản Tập đang nhằm vào ông Trần Hy hay bà Bành Lệ Viện, thì đối với ông Tập Cận Bình mà nói, cảm giác chẳng khác nào dao kề cổ. Khi những người thân tín, thậm chí là người nhà cũng bị thiêu đốt, thì điều đó có nghĩa là thế lực phản Tập đã đột phá vào nội viện, ông Tập Cận Bình đã đến lúc hết thời rồi.”

Tập Cận Bình nổi giận, sắp tới sẽ có một cơn bão chính trị lớn?

Tuy nhiên, cũng có phân tích cho rằng việc ông Lý Cương bị bắt là do ông Tập Cận Bình không đạt được thành công ở bên ngoài nên đã trút giận vào nội bộ, cho nên mới xuất hiện nhiều quan chức bị “ngã ngựa”.

Nhà bình luận thời sự Chương Thiên Lượng trong một chương trình tự truyền thông cho biết, gần đây trong chiến dịch “chống tham nhũng” của ĐCSTQ đã xuất hiện một xu hướng mới, báo hiệu rằng trong tương lai gần sẽ có một cơn bão chính trị lớn, chắc chắn sẽ khiến hàng loạt quan chức cấp trung ương và tỉnh bộ bị “ngã ngựa”.

Ông cho biết những quan chức bị xử lý lần này là rất then chốt. Khi một cán bộ của Ủy ban Kỷ luật Trung ương trú tại Bộ Tổ chức Trung ương nhận hối lộ, điều đó có nghĩa là những người được ông ta đề bạt có vấn đề, vì Bộ Tổ chức Trung ương là cơ quan chịu trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ.

Mọi người đều biết rằng ông Miêu Hoa là Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị thuộc Quân ủy Trung ương, tất cả các cán bộ quân đội khi được bổ nhiệm đều phải thông qua ông ấy. Ông Miêu Hoa bị điều tra, tất cả những người do ông ấy đề bạt cũng sẽ bị điều tra. Trong quân đội, vị trí của Miêu Hoa tương tự như bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương. Vì vậy, khi các quan chức của Bộ Tổ chức Trung ương bị điều tra, như cựu Thứ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương Trương Kiến Xuân và nguyên Tổ trưởng tổ Giám sát kỷ luật Trung ương trú tại Bộ Tổ chức Trung ương Lý Cương, thì chắc chắn sẽ liên lụy đến hàng loạt người mà họ từng đề bạt, thậm chí có thể liên đới đến cả cựu Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương Lý Cán Kiệt (Li Ganjie).

“Nếu ông Lý Cán Kiệt bị điều tra, mọi người cũng không nên quá bất ngờ. Bộ Tổ chức Trung ương phụ trách bổ nhiệm các cán bộ cấp tỉnh bộ trở lên, nên nếu cơ quan này xảy ra vấn đề, thì rất nhiều quan chức cấp tỉnh, bộ và cả cấp trung ương đều sẽ bị sờ gáy. Khi đó, một cơn bão chính trị sẽ thực sự ập đến. Một nhà độc tài càng không thuận lợi bên ngoài thì càng có xu hướng trút lửa giận vào nội bộ. Vì vậy, tôi nói rằng Tập Cận Bình là đang tức giận đến mức phát cuồng,” ông Chương Thiên Lượng nói.