TQ: Xung đột nội bộ qua cách truyền thông đưa tin về việc thị sát lũ lụt?
- Nicole Hao
- •
Từ ngày 20/8 đến 21/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm thành phố Trùng Khánh, nơi trải qua lũ lụt nghiêm trọng, nhưng truyền thông nhà nước đã không đưa tin về chuyến đi của ông cho đến tận ngày 23/8. Đây là sự trì hoãn bất thường của các cơ quan truyền thông Trung Quốc vốn thường đưa tin liên tục về các hoạt động công tác của quan chức hàng đầu.
Các bài đăng trên phương tiện truyền thông cũng tập trung vào việc phát triển kinh tế, chứ không nói gì đến thông tin về chuyến đi của ông Lý vốn đã được đăng trên trang web của chính phủ trung ương từ ngày 20/8 đến 25/8. Trang web nhấn mạnh rằng ông Lý đã đi thị sát ảnh hưởng của lũ lụt và khuyến khích người dân địa phương đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết sự bất thường này làm tăng thêm bằng chứng về bất đồng giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Lý, đồng thời cũng cho thấy có xung đột nội bộ trong giới lãnh đạo ĐCSTQ.
“Truyền thông nhà nước cố ý không đăng tin về chuyến đi Trùng Khánh của ông Lý, nhưng đã có một bức ảnh gây sốc của ông Lý trên cánh đồng ngô đăng trên trang web của chính phủ trung ương Trung Quốc. Bức ảnh này đã buộc đài truyền hình nhà nước CCTV phải đưa tin về chuyến đi này của ông Lý vào tối ngày 23/8,” ông Zhong Yuan, một nhà bình luận các vấn đề chính trị Trung Quốc ở Mỹ, đã viết trong một bài bình luận được đăng trên tờ Epoch Times bản tiếng Trung.
Bức ảnh được chụp tại một cánh đồng ngô bị ngập lụt ở làng Shuangba, huyện Đồng Nam, Trùng Khánh vào ngày 20/8, cho thấy ông Lý đang kiểm tra vụ ngô đã bị lũ lụt tàn phá. Không giống ảnh chụp chính thức thông thường cho thấy hình ảnh tươi mới, ông Lý được thấy đang đứng trong nước bùn với đôi giày đi mưa lấm bẩn.
Ông Zhong viết: “Chế độ cộng sản Trung Quốc không muốn phơi bày bất kỳ tình huống thảm họa thực sự nào cho công chúng, bởi vì cuộc sống bi thảm mà người dân Trung Quốc gánh chịu sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của chế độ và đe dọa sự cầm quyền của nó.”
Đó là lý do tại sao truyền thông nhà nước Trung Quốc đã không đăng tin về chuyến đi, “thậm chí đối với một quan chức cấp cao cỡ Thủ tướng,” ông cho biết thêm.
Những bình luận trái ngược
Theo phân cấp của Đảng, với tư cách Thủ tướng, ông Lý chịu trách nhiệm giám sát các chính sách kinh tế của nước này.
Trong Hội nghị thường niên của cơ quan lập pháp của Đảng vào tháng 5 năm nay, ông Lý đã nói về các tác động kinh tế do đại dịch virus Vũ Hán gây ra và sự cần thiết phải phục hồi sau thời kỳ suy thoái.
Nhưng trong buổi hội thảo kinh tế do ông Tập tổ chức tại Trung Nam Hải vào ngày 24/8, ông Lý đã vắng mặt một cách đáng chú ý.
Truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập đã mời 9 nhà kinh tế hàng đầu tham dự hội thảo. Tháp tùng ông Tập có ông Vương Hỗ Ninh, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư và là lãnh đạo của hệ thống tuyên truyền Trung Quốc; và ông Hàn Chính, phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao.
Ông Tang Jingyuan, nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc ở Mỹ, cho biết “Ông Tập muốn chứng tỏ rằng ông mới là nhà lãnh đạo thực sự của nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tổ chức Hội thảo này mà không có ông Lý. Ông muốn nói với mọi người rằng ông Lý không phải là người đưa ra bất ký quyết định nào.”
Kể từ tháng 5, ông Tập và ông Lý đã đưa ra những bình luận trái ngược nhau về tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Tập nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là đưa Trung Quốc trở thành “một xã hội thịnh vượng vừa phải” và tuyên bố rằng Trung Quốc đang hướng đến đạt mục tiêu đó, với “400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.”
Trong bài phát biểu tại phiên họp ngày 28/5 của cơ quan lập pháp, ông Lý đã tiết lộ rằng 600 triệu người Trung Quốc chỉ kiếm được 1.000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi tháng, không đủ để trả tiền thuê nhà hàng tháng cho một căn hộ một phòng ngủ tại một thành phố Trung Quốc cỡ vừa.
Ông Lý cũng đã đề xuất ý tưởng thành lập một “nền kinh tế bán hàng rong” để giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng do đại dịch gây ra. Tuy nhiên sau đó truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã đã chỉ trích ý tưởng chính sách này, nói rằng những người bán hàng rong sẽ phá hỏng hình ảnh của một đô thị hiện đại.
Thị sát lũ lụt
Miền trung và miền nam Trung Quốc đã hứng chịu trận lụt lịch sử kể từ tháng 6. Vào ngày 18/8, ông Tập đã đến thăm các khu vực bị ngập lụt của tỉnh An Huy. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông đến một vùng bị thiên tai trong năm nay.
Tuy nhiên, trong các bức ảnh do truyền thông nhà nước đăng tải, ông Tập được thấy chỉ đến thăm các khu vực chưa bị ngập lụt. Một người trong chính quyền thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy nói với The Epoch Times rằng tất cả các phương diện của chuyến đi của ông Tập đã được sắp xếp trước, bao gồm cả việc ông đến đâu, gặp ai, và người dân địa phương nào sẽ nói chuyện với ông.
> Nghi vấn dàn dựng tuyên truyền trong chuyến thị sát của ông Tập
Người này đã chia sẻ các tài liệu của chính quyền địa phương chuẩn bị cho chuyến đến thăm của ông Tập. Tài liệu này cho thấy người dân địa phương đã được lựa chọn trước để xuất hiện trên truyền thông nhà nước. Việc họ nói gì và kể về cách chính quyền đã giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của họ ra sao cũng đã được chuẩn bị trước.
Chuyến đi Trùng Khánh của ông Lý là chuyến đi thứ hai của ông đến một vùng bị lũ lụt tàn phá trong năm nay. Không giống như chuyến đi đầu tiên đến tỉnh Quý Châu vào tháng 7 khi nước lũ đã rút, ông Lý đã đến thăm các làng và thị trấn bị ngập lụt trong chuyến đi thứ hai.
Theo The Epoch Times
Gia Huy biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Lý Khắc Cường lũ lụt ở Trung Quốc Dòng sự kiện mâu thuẫn trong nội bộ ĐCSTQ