Trình Tường: Tất cả những gì ông Tập làm là để ngăn ĐCSTQ tan rã như Liên Xô
- Lý Hoài Quất
- •
Nhà bình luận cấp cao ở Hồng Kông Trình Tường nói rằng xã hội phương Tây tin rằng ông Gorbachev đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử nhân loại – làm tan rã Liên Xô. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại rất thờ ơ trước sự qua đời của ông ấy. Điều này phản ánh các giá trị khác nhau giữa ĐCSTQ và một xã hội tự do.
Đặc biệt là về vấn đề Liên Xô tan rã, ông Tập Cận Bình không nhìn sự việc theo hướng tích cực, mà coi đó là một bài học tiêu cực, và làm mọi cách để ngăn chặn sự tan rã của ĐCSTQ.
Ông Trình Tường nói rằng sau khi biết tin ông Gorbachev qua đời, các chính trị gia trên khắp thế giới đã ngay lập tức gửi lời chia buồn.
Nhưng 4:00 chiều ngày hôm đó, ĐCSTQ mới phản hồi dưới dạng “Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của phóng viên”, nhưng “không đề cập đến đóng góp của ông Gorbachev trong việc chấm dứt chế độ Cộng sản ở Liên Xô.” Có thể thấy, ĐCSTQ có cái nhìn tiêu cực về ông Gorbachev, “khi cả thế giới ca ngợi ông ấy, ĐCSTQ lại chỉ muốn hạ thấp ông ấy”.
Ông Trình Tường tiếp tục, điều đáng tiếc là ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư ĐCSTQ, không tán đồng với Gorbachev, và cho rằng việc ông ấy dễ dàng làm tan rã một chế độ khổng lồ như vậy thật quá đáng tiếc.
Ngay từ tháng 12/2012, ông Tập Cận Bình đã có chuyến công du phía Nam đầu tiên sau khi trở thành Tổng bí thư và có bài phát biểu về “chuyến công du phía Nam mới”. Nhà bình luận Trình Tường chỉ ra rằng vào thời điểm đó, thế giới bên ngoài kỳ vọng rằng ông Tập sẽ đi theo ông Đặng Tiểu Bình và tiếp tục con đường cải cách mở cửa. Không ngờ khi ở Thâm Quyến, ông Tập lại than thở rằng Đảng Cộng sản Liên Xô lớn như vậy, nói tan rã là tan rã ngay được. Sau đó, ông Tập còn nói một câu rằng Đảng Cộng sản Liên Xô bị giải thể, nhưng không một người đàn ông nào đứng ra ngăn cản điều này.
Dưới đây là một đoạn trích trong “Bài phát biểu về chuyến công du phương Nam mới” của ông Tập Cận Bình năm 2012:
“Vì sao Liên Xô tan rã? Tại sao Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ? Một nguyên nhân quan trọng là lý tưởng và niềm tin đã bị lung lay. Cuối cùng ‘người đứng đầu thành trì này đã đổi cờ thay vua’ chỉ trong một đêm.
Một bài học rất sâu sắc! Hoàn toàn phủ nhận lịch sử của Liên Xô, lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ nhận Lenin, phủ nhận Stalin và phủ nhận hết thảy, để tham gia vào chủ nghĩa hư vô lịch sử, tư tưởng hỗn loạn, tổ chức đảng các cấp hầu như không có tác dụng gì.
Tại sao chúng ta phải kiên quyết tuân theo sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội? Đó là bài học rút ra từ sự tan rã của Liên bang Xô Viết.
Quân đội Liên Xô đã bị phi chính trị hóa, phi đảng hóa và quốc hữu hóa, và bị tước bỏ vũ khí. Một số người vẫn muốn ra mặt cứu Liên bang Xô Viết và đưa Gorbachev lên, nhưng họ đã bị lật đổ trong vòng vài ngày, vì công cụ của chế độ độc tài không nằm trong tay họ.
Yeltsin (Tổng thống đầu tiên của Nga) đứng trên xe tăng và phát biểu. Quân đội hoàn toàn thờ ơ vì giữ ‘trung lập’. Cuối cùng, Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng lớn như vậy đã không còn.”
Ông Trình Tường nói rằng đã bị sốc khi nghe “Bài phát biểu về chuyến công du mới về phía Nam” của ông Tập Cận Bình.
“Nhìn chung, thế giới bên ngoài đều kỳ vọng ông Tập Cận Bình sẽ là một nhà lãnh đạo khai sáng, giống như cha của ông ấy là ông Tập Trọng Huân. Ông Tập Cận Bình có thể ngồi vào vị trí Tổng bí thư một phần là do cha của ông – ông Tập Trọng Huân rất được kính trọng trong nội bộ đảng… Hổ phụ sinh hổ tử, người cha khai sáng, thì con trai cũng sẽ khai sáng. Đây là nhận thức của quần chúng lúc bấy giờ.”
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình lại bày tỏ tiếc nuối trước sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua “Bài phát biểu về chuyến du lịch phương Nam mới”. Ông còn than thở, vào thời điểm quan trọng khi Liên Xô sụp đổ, “lại không có một người đàn ông nào đứng ra chiến đấu.” Ngay khi đó, ông Trình Tường nói rằng ông đã đưa ra phán đoán: “Tập Cận Bình sẽ không đi theo đường lối cải cách và mở cửa.”
Nhà bình luận Trình Tường tiếp tục nói, ông Tập Cận Bình không hài lòng với việc Gorbachev giải thể Đảng Cộng sản Liên Xô, và tin rằng sự sụp đổ này là điều rất đáng tiếc.
Ngoài ra, ông Tập còn hạ quyết tâm muốn làm “người đàn ông của ĐCSTQ”, và lên kế hoạch ràng buộc vận mệnh của mình với đảng, nỗ lực hết mình bảo vệ ĐCSTQ. Tiếp đó, tất cả những biện pháp mà ông Tập thực hiện đều là để ngăn cản ĐCSTQ đi theo con đường giải thể của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ông Trình Tường chỉ ra rằng ĐCSTQ đã thực hiện rất nhiều công việc nghiên cứu về sự tan rã của Liên Xô, nhưng mục đích lại là làm thế nào để ngăn chặn sự tan rã của ĐCSTQ, và duy trì “chế độ độc đảng” trong một thời gian dài.
Ví dụ, khi ông Gorbachev cho phép các học giả nghiên cứu lịch sử, điều này tương đương với việc nới lỏng việc kiểm soát tư tưởng. Do đó, nhiều học giả bắt đầu khai quật lịch sử chân thực.
Người ta phát hiện ra rằng Đảng Cộng sản Liên Xô đã nói dối và che giấu sự thật về nhiều vấn đề. “Khi sự thật được tiết lộ, nó đã gây ra một cú sốc lớn đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản Liên Xô. Người dân Liên Xô bắt đầu chán ghét chế độ Đảng Cộng sản Liên Xô. ĐCSTQ đã tiếp thu bài học này và ngăn cản các học giả nghiên cứu những sai lầm của ĐCSTQ”, ông nói.
Ngay sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, ông Trương Tuyết Trung (Zhang Xuezhong), một giáo viên tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Hoa, từng đưa ra “7 điều không nói”, gồm “không nói về những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ.”
Ông Trình Tường tin rằng: “không nói về những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ” là điều phù hợp với hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Để duy trì sự cai trị của mình, ĐCSTQ sẽ không “phủ nhận hoàn toàn” các nhà lãnh đạo trong quá khứ. Như Đặng Tiểu Bình cũng từng mô tả Mao Trạch Đông là “7 phần công lao, 3 phần sai sót”, nhằm duy trì quyền lực chính trị. Nếu không người dân sẽ nghi ngờ về tính hợp pháp về sự cai trị của ĐCSTQ.
Ngoài ra, ĐCSTQ tin rằng một “sai lầm” khác của ông Gorbachev là quốc hữu hóa quân đội. Nhà bình luận nói rằng quân đội được duy trì bằng công quỹ và tiền mồ hôi nước mắt của người dân, và đảng chính trị không có tiền để nuôi quân đội.
Ở tất cả các nước phương Tây, quân đội phục vụ đất nước và nhân dân. Nhưng “trong mắt ĐCSTQ, điều này tương đương với việc giải giáp đảng (tước bỏ vũ khí)”, “quân đội phải trở thành tư hữu của một đảng và là đội quân bảo vệ đảng.”
Ông Trình Tường kết luận rằng nhiều cải cách của ông Gorbachev là “điều tốt” trong mắt phương Tây, nhưng tất cả đều là “điều xấu” trong mắt ông Tập.
“Cách hiểu của ông Tập Cận Bình về sự tan rã của Liên Xô hoàn toàn khác với phương Tây.” “Khi ông ấy muốn trở thành ‘người đàn ông của ĐCSTQ’, biện pháp nhất định là phải kiểm soát quân đội và kiểm soát tư tưởng.”
10 năm trước, nhiều người mong đợi ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục theo đuổi cải cách và mở cửa, dần dần tích hợp các giá trị phổ quát của phương Tây như nhân quyền, tự do và pháp quyền vào xã hội Trung Quốc, thậm chí cuối cùng sẽ giải thể ĐCSTQ.
Ông Trình Tường cho rằng tất cả những chính sách mà Tập Cận Bình đưa ra trong những năm gần đây, đều là chống tư bản, phản thị trường và khôi phục danh tiếng cho Cách mạng Văn hóa, quay lại con đường cũ thời Mao Trạch Đông, với mục đích duy trì chế độ ĐCSTQ.
Từ khóa ĐCSTQ Dòng sự kiện Mikhail S. Gorbachev Gorbachev Đảng Cộng sản Liên Xô Tập Cận Bình