Trung Quốc: Khuyến khích sinh viên ‘tận hưởng tình yêu’ với kỳ nghỉ xuân kéo dài
- Nhật Tân
- •
Một số trường đại học Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ xuân để sinh viên ‘tận hưởng tình yêu’ khi chính quyền triển khai các chính sách khuyến khích sinh đẻ và lập gia đình sớm, Fox News báo cáo 29/3.
Tuần trước, Trường Cao đẳng Nghề Hàng không Dân dụng Tây Nam Tứ Xuyên ở Thành Đô, Trung Quốc, đã thông báo cho tất cả sinh viên và nhân viên rằng kỳ nghỉ tiết Thanh Minh sẽ được kéo dài thành cả tuần. Trong thông báo chính thức viết rằng mọi người được khuyến khích “rời khỏi lớp học, rời khỏi khuôn viên trường, tận hưởng thiên nhiên và cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân và tình yêu.”
Trường đại học ở Tứ Xuyên không phải là trường duy nhất kéo dài kỳ nghỉ; Đại học Hạ Môn cũng cho sinh viên nghỉ cả tuần.
Thông tin này được đưa ra khi Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng dân số. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ năm 2016. Năm ngoái, lần đầu tiên Trung Quốc có tỷ lệ tăng dân số là âm, kể từ thời Đại Nhảy vọt 60 năm trước.
Năm nay, tiết Thanh Minh ngày 5/4 rơi vào tháng 2 âm lịch, do tháng 2 nhuận. Chúng ta vẫn biết đến tiết này như dịp lễ truyền thống tảo mộ và chơi xuân, như trong truyện thơ:
Thanh Minh là tết tháng ba
Hội là tảo mộ lễ là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
— Truyện Kiều, Nguyễn Du
Tin tức về kỳ nghỉ kéo dài đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông trên khắp Trung Quốc. Trên mạng xã hội Trung Quốc, thông báo của trường đại học đã nhận được nhiều phản hồi. Mặc dù hầu hết mọi người nói rằng họ hy vọng điều này sẽ trở thành tiêu chuẩn quốc gia, hoặc nói rằng họ mong mỏi trường đại học hoặc cao đẳng của mình cũng có tinh thần tự do như vậy, trong khi những người khác đặt câu hỏi về động cơ của trường.
“Tôi chắc chắn rằng đây chỉ là một nỗ lực khác nhằm thúc đẩy mọi người sinh thêm con,” một người viết trên Weibo. Những người khác chỉ trích đây là một nỗ lực rẻ tiền để thu hút nhiều sinh viên đăng ký học nghề hơn.
Đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc nhận thức rất rõ về tác động của xã hội đang già đi nhanh chóng đối với triển vọng kinh tế của nước này. Họ tiếp tục kêu gọi chính quyền địa phương áp dụng các chính sách khuyến khích những người trẻ tuổi sinh thêm con, thông qua các chính sách đem lợi ích cho các gia đình trẻ.
Nhiều chính quyền địa phương cung cấp thời gian nghỉ thai sản kéo dài, trợ cấp tài chính, cắt giảm thuế hoặc nới lỏng các hạn chế trong việc mua tài sản. Bây giờ có vẻ như sự chú ý đã mở rộng sang cả các trường học. Tuần trước, thành phố Duy Phường tuyên bố sẽ miễn học phí trung học cho con thứ ba của một gia đình.
Năm ngoái, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Giáo dục Nghề nghiệp lần đầu tiên sau hơn 25 năm. Một trong những thay đổi quan trọng nhất của luật là nâng cấp tình trạng giáo dục nghề nghiệp ở Trung Quốc. Theo truyền thống, ngành này và sinh viên tốt nghiệp của nó bị coi là kém hơn so với các trường đại học, mà nguyên nhân chủ yếu là do chương trình giảng dạy nghèo nàn. Tuy nhiên, với tham vọng chuyển đổi các ngành sản xuất của Trung Quốc từ thâm dụng lao động kỹ năng thấp sang sản xuất công nghệ cao tự cung tự cấp, quốc gia này cần nhiều lao động lành nghề hơn.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp khác nhau để thu hút nhiều sinh viên lựa chọn con đường giáo dục nghề nghiệp và nhiều chuyên gia và nhà đầu tư hơn để nâng cấp chất lượng tổng thể của ngành.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của những người từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc đạt 18,1% vào tháng 2/2023. Với ước tính khoảng 12 triệu sinh viên mới tốt nghiệp trong năm nay, dự kiến thị trường lao động sẽ tiếp tục khan hiếm vị trí lao động.
Theo Cao đẳng Nghề Tây Nam Tứ Xuyên, kỳ nghỉ xuân sẽ không rút ngắn thời gian học của học sinh. Học sinh cũng sẽ được yêu cầu hoàn thành các bài tập về nhà khác nhau trong kỳ nghỉ của mình. Liu Ping, hiệu phó của trường cho biết kỳ nghỉ nên được coi là một cách để sinh viên thực hành sự kết hợp giữa cuộc sống và học tập.
Nhật Tân
Từ khóa Xã hội Trung Quốc sinh viên Trung Quốc điều tra dân số Trung Quốc