Bắc Kinh tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào Đài Loan trong tương lai không phải là “xâm lược”.

Tham vọng thôn tính Đài Loan của Trung Quốc cho đến nay vẫn bị cản trở bởi ý chí phản kháng mạnh mẽ của hòn đảo và sự hỗ trợ an ninh liên tục từ Hoa Kỳ – quốc gia ủng hộ quốc tế mạnh mẽ nhất của Đài Loan trong nhiều thập kỷ, mặc dù đã chuyển công nhận ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979.

Trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Ba, các nhà lập pháp đã thúc ép Ngoại trưởng Antony Blinken đảm bảo rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ giúp duy trì “hiện trạng” lâu đời này trên eo biển Đài Loan, chủ yếu thông qua việc chuyển giao vũ khí và huấn luyện.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi quyết tâm đảm bảo rằng [Đài Loan] có tất cả các phương tiện cần thiết để tự vệ trước bất kỳ hành động xâm lược tiềm tàng nào, bao gồm cả hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm phá vỡ nguyên trạng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua.”

Hôm thứ Tư (27/4), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Uông Văn Bân đã lên tiếng phản đối những bình luận của Ngoại trưởng Blinken. Ông nói rằng chúng không nhất quán với chính sách “một Trung Quốc” của Hoa Kỳ.

W020220331796468946817
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: BNG Trung Quốc)

“Vì Đài Loan là một phần của Trung Quốc, làm sao đại lục có thể ‘xâm lược’ Đài Loan kia chứ?” ông Uông nói. Bắc Kinh cũng không công khai gọi cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là một “cuộc xâm lược”.

Ông Uông đã cáo buộc Hoa Kỳ thay đổi các cam kết của mình. Ông nói, nó sẽ đẩy Đài Loan vào thế nguy hiểm và dẫn đến cái giá phải trả rất đắt cho Hoa Kỳ.

Về mặt chính thức, Hoa Kỳ coi tình trạng của Đài Loan là chưa được xác định theo luật pháp quốc tế. Vào năm 2021, sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Biden dường như tán thành quyền tự quyết của người Đài Loan, nói rằng: “Hãy để họ quyết định.”

Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực để giúp Đài Loan tăng cường khả năng tự vệ, nhưng không công khai cam kết sẽ bảo vệ hòn đảo trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Mỹ đã liên tục cung cấp cho Đài Loan vũ khí phòng thủ, nhưng nhìn chung điều này vẫn không đạt được sự đảm bảo vững chắc như việc hỗ trợ quân sự trực tiếp.

Số phận của Đài Loan đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý sau khi Nga xâm lược Ukraine. Trong khi các quan chức Đài Loan không tin rằng một cuộc tấn công sắp xảy ra, họ nhận thấy rằng Đại lục đang tăng cường các khả năng của mình một cách đáng báo động và đang cố gắng truyền đi cảm giác nguy cấp trong công chúng Đài Loan.

Lê Vy