Trung Quốc trước nguy cơ dài hạn nghiêm trọng hơn cuộc chiến thương mại
- Huệ Anh
- •
Cố vấn Nhà Trắng Navarro mới cảnh báo giám đốc điều hành Phố Wall không nhúng tay vào chuyện đàm phán thương mại Trung-Mỹ, động thái lại một lần nữa gây chú ý về triển vọng giải quyết cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên đối với Trung Quốc có một thực tế khác còn ảnh hưởng tiêu cực hơn nhiều cuộc chiến thương mại: vấn đề khủng hoảng già hóa dân số không thể tránh khỏi đang bùng nổ.
Cố vấn Nhà Trắng chỉ trích lãnh đạo Phố Wall
Hôm 09/11, cố vấn Nhà Trắng của Mỹ là Peter Navarro đã chỉ trích nặng nề giám đốc điều hành Phố Wall hiện tại và người tiền nhiệm rằng đã cố gắng can thiệp để giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông cáo buộc họ đang thông qua “đại diện ngầm nước ngoài” nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Trump thỏa hiệp.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) ở Washington, Navarro cho biết, “Khi những đại diện nước ngoài này tham gia vào các hoạt động ngoại giao như vậy, cái gọi là hoạt động ngoại giao mà họ làm là gây áp lực cho tổng thống và lập trường của ông ấy. Làm như vậy không có gì hay ho. Việc đạt được thỏa thuận hay không và có thể đạt được khi nào là tùy thuộc vào ý chí của tổng thống chứ không phải ý chí của Phố Wall”.
Navarro bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, do Bắc Kinh luôn bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về việc hạn chế cho doanh nghiệp bên ngoài tiếp cận thị trường, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp nhà nước không công bằng. Động thái này đã khiến công luận bàn tán sôi nổi về triển vọng để giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Thực tế về dài hạn, Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoẳng khác cam go hơn nhiều cuộc chiến thương mại này.
Nguy cơ dài hạn đáng ngại hơn chiến tranh thương mại
Vào ngày 25/9/1980, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã khởi xướng chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ được được sinh một con, khởi đầu của chính sách kế hoạch hóa gia đình đã kéo dài gần 40 năm. Nhưng đầu năm 2016, chính sách kế hoạch hóa gia đình này đã phải bãi bỏ. Ước tính ban đầu của Ủy ban Kế hoạch Y tế Quốc gia Trung Quốc là dân số sinh trung bình hàng năm sẽ tăng lên hơn 3 triệu người, đến năm 2050 dân số trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên sẽ tăng hơn 30 triệu.
Nhưng thực tế vào năm 2016 dân số tăng mới của Trung Quốc chỉ là 17,86 triệu người, so với năm 2015 chỉ hơn có 1,31 triệu người, thấp hơn nhiều so với dự kiến; năm 2017 còn thấp hơn với dân số tăng mới là 17,23 triệu người, so với năm trước còn giảm 630.000 người. Một thay đổi mới là trong số trẻ sinh mới chiếm hơn một nửa (51,2%) là con thứ hai, còn số trẻ sinh mới là con một giảm được 2,76 triệu. Không chỉ số lần sinh thứ hai không giúp thúc đẩy tăng trưởng dân số bao nhiêu, thậm chí mọi người cũng không mặn mà muốn sinh con thứ hai.
Ngoài ra, trong hơn 20 năm qua tổng tỷ suất sinh (Total Fertility Rate, TFR) của Trung Quốc luôn là con số bí ẩn. Tổng tỷ suất sinh là chỉ số trẻ em sinh ra (còn sống và được đăng ký) bình quân ở phụ nữ trong thời gian sinh đẻ của một quốc gia hoặc khu vực, và chỉ số 2,1 được công nhận là cân bằng. Duy trì tỷ suất sinh ở mức 2,1 có nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định tổng dân số của nhóm tộc người này sẽ không biến động tăng hay giảm đáng kể.
Bắt đầu từ năm 1995, tổng điều tra dân số qua các kỳ của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ sinh giảm liên tục từ 1,46 cho đến còn 1.047, nhưng cuối cùng đều đã được sửa đổi để thành mức thống nhất cho cơ quan chức năng chính thức công bố, theo đó hơn 10 năm đầu giữ mức không đổi là 1,8, sau đó giảm xuống còn 1,7, hiện nay được cho là 1,6.
Vấn đề khủng hoảng dân số Trung Quốc từ 40 năm trước đã được nhiều học giả nhắc đến. Tháng 12/1979, học giả Trung Quốc Lương Trung Đường (Liang Zhongtang) đã công bố bản luận văn về nhân khẩu học “Một số ý kiến về Chiến lược phát triển dân số của Trung Quốc trong vài thập kỷ tới”, luận văn cho rằng đến khoảng năm 2000 về sau khi mức tăng dân số Trung Quốc bằng không, tất yếu sẽ có vấn đề về già hóa dân số, điều này sẽ dẫn đến hàng trăm triệu người già không có con cái chăm sóc, và khiến gánh nặng của lực lượng lao động sẽ tăng đáng kể.
Trong bài “Dự báo 50 năm thay đổi dân số của Trung Quốc” được viết vào tháng 2/1980, Lương Trung Đường đã tính toán quá trình lão hóa dân số của Trung Quốc: “Về tốc độ quá trình lão hóa dân số của Trung Quốc là khá nhanh, đặc biệt là sau năm 2000 tốc độ sẽ nhanh hơn, nếu xem năm 2010 là 100, sau đó 10 năm mức độ lão hóa sẽ tăng lên 132%, sau 20 năm sẽ tăng lên 180%. Ở đỉnh cao, dân số già sẽ lên đến 400 triệu người, nghĩa là cứ 10 người thì có 4 người từ 65 tuổi trở lên”.
Ngày 07/11/2018, truyền thông nhà nước Trung Quốc có chỉ ra, với thực trạng dân số già hóa khiến tỷ lệ lực lượng lao động trẻ Trung Quốc không ngừng suy giảm, tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động cũng đồng thời giảm dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung cấp lao động, chi phí lao động tăng quá nhanh, vô hình làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Có thể nói, tình trạng gia tăng số lượng người cao tuổi và thiếu hụt lao động đang ngày càng tăng đã thành gánh nặng rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, hiện nay đã bắt đầu bùng nổ vấn nạn thiếu thốn chi phí dưỡng lão trên quy mô lớn.
Mới đây, chuyên gia Trung Quốc Derek Scissors tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute) ở Washington chia sẻ rằng, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực lâu dài chứ không phải nhất thời, theo ông thì có hai vấn đề nghiêm trọng của Trung Quốc hiện nay là già hóa dân số nhanh chóng và môi trường kinh doanh thiếu tính cạnh tranh.
Mặc dù Trung Quốc đang cố gắng cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực như ngân hàng và ô tô để tăng tính cạnh tranh, nhưng các biện pháp này đã thực hiện quá muộn làm cho nền kinh tế Trung Quốc khó có khả năng tiếp tục phát triển tốt được như những năm qua.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Già hóa dân số chiến tranh thương mại