‘Trung Quốc vi phạm tự do internet tệ hại nhất thế giới năm thứ tư liên tiếp’
- Như Ngọc
- •
Tổ chức ủng hộ dân chủ và giám sát nhân quyền Freedom House hôm thứ Ba (5/11) đã công bố báo cáo “Tự do Internet 2019”, trong đó đưa ra một loạt các đánh giá về tình trạng đi xuống về tự do internet toàn cầu, đặc biệt nhấn mạnh Trung Quốc là nước vi phạm quyền tự do internet tệ hại nhất trên thế giới năm thứ tư liên tiếp.
Báo cáo “Tự do Internet 2019” đánh giá tự do internet tại 65 quốc gia, chiếm 87% người sử dụng internet trên toàn thế giới. Báo cáo này tập trung vào các diễn biến từ giữa tháng 6/2018 đến tháng 5/2019, nhưng cũng có cập nhật một số sự kiện mới gần đây như biểu tình Hồng Kông.
Qua báo cáo, Freedom House tuyên bố “một cuộc khủng hoảng” về truyền thông xã hội, bởi vì các chế độ độc tài chuyên chế ngày càng gia tăng sử dụng công cụ này để kiểm soát người dân của họ và can thiệp vào các cuộc bầu cử được tổ chức trong các nước tự do. Đặc biệt nhấn mạnh Trung Quốc tiếp tục bị coi là nước vi phạm tự do internet tệ hại nhất trên thế giới năm thứ tư liên tiếp.
Tổng quan, báo cáo của Freedom House đánh giá tự do internet toàn cầu nhìn chung “đã suy giảm năm thứ chín liên tiếp” vì kiểm duyệt, giám sát và những tiến bộ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong tuyên truyền và thao túng thông tin.
Chủ tịch Freedom House, ông Mike Abramowitz cho hay: “Nhiều chính phủ đang phát hiện rằng trên truyền thông xã hội, tuyên truyền hiệu quả hơn kiểm duyệt. Những nhà độc tài và dân túy trên toàn cầu đang khai thác cả bản tính con người và thuật toán máy tính để chinh phục phiếu bầu, vi phạm thô bạo các nguyên tắc được thiết lập để đảm bảo các cuộc bầu cử tự do và công bằng.”
Trong khi đó, giám đốc nghiên cứu về công nghệ và dân chủ của Freedom House, ông Adrian Shahbaz nhận định: “Từng chỉ dành riêng cho các cơ quan tình báo mạnh mẽ nhất thế giới, những công cụ gián điệp ‘dữ liệu lớn’ (big data) đang ngày một được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Những tiến bộ về công nghệ trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy bùng nổ thị trường không kiểm soát về giám sát mạng xã hội. Ngay cả ở các nước có các biện pháp đáng kể bảo vệ các quyền tự do cơ bản, thì cũng đã có những báo cáo về vi phạm [tự do internet].”
Ông Shahbaz cảnh báo rằng truyền thông xã hội sẽ trở thành “con ngựa thành Troia của độc tài và áp bức”, nếu các công ty lớn ở Mỹ đang sở hữu các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới không thúc đẩy mạnh mẽ “tính minh bạch và chịu trách nhiệm trong thời đại kỹ thuật số”.
Freedom House phát hiện rằng trong số 65 nước được khảo sát, có tới 33 nước có ít quyền tự do internet hơn so với chính họ trong năm ngoái, trong khi có chỉ 16 nước có tiến bộ.
Sự phổ biến của các công cụ giám sát tinh vi đã làm giảm khả năng của mọi người trong việc tự do thể hiện bản thân và hoạt động trực tuyến thông thường. Đáng chú ý, 47 trong 65 nước đã bắt giữ người sử dụng internet vì “phát biểu chính trị, xã hội hoặc tôn giáo”. 40/65 nước đã thực thi một số hình thức “giám sát quần chúng rất tinh vi” trên mạng xã hội.
Trong phần nội dung về Trung Quốc, báo cáo của Freedom House đặc biệt nhấn mạnh rằng năm qua vi phạm tự do internet tại quốc gia do đảng Cộng sản lãnh đạo là đặc biệt tồi tệ vì đây cũng là năm kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền Cộng sản Trung Quốc trước nay vẫn luôn nỗ lực để xóa bỏ sự kiện khủng khiếp này khỏi lịch sử. Hơn nữa, năm nay Bắc Kinh cũng phải đối mặt với phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ bùng nổ mạnh mẽ tại Hồng Kông từ giữa tháng Sáu và vẫn đang tiếp diễn.
Các nhà nghiên cứu của Freedom House cảnh báo Trung Quốc đã trở thành “nhân tố đi đầu trong phát triển, sử dụng và xuất khẩu các công cụ giám sát truyền thông xã hội”, triển khai cả công nghệ thấp và cao. Bắc Kinh sử dụng những công cụ này để đàn áp “mọi hành vi trái với những gì có thể chấp nhận được theo Tư tưởng Tập Cận Bình – học thuyết của Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm”.
Nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng giám sát internet để đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Bắc Kinh ngày càng gia tăng các nỗ lực cực đoan để ngăn chặn các nhóm bất đồng chính kiến sử dụng internet vào tổ chức và tập hợp lực lượng.
“Trong một chiến thuật tương đối mới, chính quyền đã đóng tài khoản của các cá nhân trên mạng xã hội WeChat vì bất cứ loại hành vi ‘lệch lạc’ nào, bao gồm cả những vi phạm nhỏ như bình luận về thảm họa môi trường, từ đó đã khuyến khích tự kiểm duyệt. Các quan chức đã báo cáo xóa hàng chục nghìn tài khoản [mạng xã hội] bị cho là có nội dung ‘gây hại’ trong mỗi quý. Chiến dịch này đã cắt đứt các cá nhân với công cụ tương tác trực tuyến đa diện đã trở thành thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc, những công cụ được sử dụng cho nhiều mục đích từ giao thông tới ngân hàng. Hình phạt thực dụng này cũng đã thu hẹp cách thức huy động [lực lượng] trực tuyến và tiếp tục làm câm lặng hoạt động [dân chủ, nhân quyền] trực tuyến,” báo cáo của Freedom House viết.
Freedom House là tổ chức giám sát độc lập phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC. Tổ chức này ủng hộ thay đổi dân chủ, giám sát thực trạng về quyền tự do trên khắp thế giới, và ủng hộ các phong trào dân chủ, nhân quyền.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Freedom House Dòng sự kiện báo cáo Tự do Internet ĐCSTQ tự do Internet