Truyền thông Đài Loan: Ông Vương Kỳ Sơn có bài phát biểu “cáo biệt” tại Hội nghị của CCDI
- Trí Đạt
- •
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 8 vào ngày 9/10, đến nay, bài phát biểu của ông Vương Kỳ Sơn tại Hội nghị vẫn chưa được công khai. Tuy nhiên truyền thông Đài Loan đưa tin có nhắc tới một phần nội dung chưa được kiểm chứng, trong đó nói rằng ông Vương Kỳ Sơn sẽ về hưu.
Ngày 14/10, trang tin “Tin tức Liên hợp” (udn.com, Đài Loan) tiết lộ chi tiết nhỏ trong bài phát biểu của ông Vương Kỳ Sơn tại Hội nghị toàn thể lần thứ 8 CCDI khoá 18, bản tin nói “bài phát biểu của ông Vương Kỳ Sơn là một bài phát biểu chia tay, trọng điểm là cảm ơn đội ngũ Kiểm tra Kỷ luật đã sát cánh cùng ông trong 5 năm, và yêu cầu họ trong tương lai ‘lấy sứ mệnh rõ ràng để đảm đương trọng trách giám sát thi hành kỷ luật’. Đây không chỉ cho thấy ông Vương sẽ cáo biệt Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, mà còn cho thấy ông sẽ rời khỏi giới chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Trước đó, trang mạng của CCDI cũng chỉ đăng bản thông báo 310 chữ về Hội nghị được tổ chức hôm 9/10 của cơ quan này, tức không nhắc gì đến công tác 5 năm qua, cũng không nhắc đến bài phát biểu của ông Vương Kỳ Sơn. Hiện nay, bài phát biểu này của ông Vương cũng không được truyền thông Trung Quốc công khai.
Liên quan đến tính chân thực của chi tiết nhỏ trong bài phát biểu của ông Vương được nhắc tới ở trên, hiện vẫn chưa thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, gần đây, cũng có không ít nguồn tin nói ông Vương có thể thực sự muốn rời vị trí Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.
Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) hồi tháng Chín đưa tin cho biết, ông Vương Kỳ Sơn từng nói “không thể nào làm việc mãi được, cũng phải nghỉ ngơi rồi”.
Bản tin còn nói, trong gần một tháng, ông Vương Kỳ Sơn đã đề bạt một số người có biểu hiện nổi trội trong chống tham nhũng; theo thông lệ trong quan trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trước khi người đứng đầu rời vị trí, thông thường sẽ đề bạt thân tín hoặc người có công. Do đó đây được coi như là tín hiệu cho thấy ông Vương sẽ rời khỏi CCDI.
Một số kênh truyền thông Nhật Bản, Hồng Kông còn nói về người sẽ thay thế chức vụ hiện tại của ông Vương, trong đó có thân tín của ông Tập Cận Bình là ông Lật Chiến Thư trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức vị này trong khóa tiếp theo.
Song song đó, còn có một quan điểm khác cho rằng ông Tập Cận Bình rất cần ông Vương Kỳ Sơn, có thể ông Vương sẽ trợ giúp ông Tập Cận Bình ở vai trò khác.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn nguồn tin của một nhân sĩ nói, dù ông Vương Kỳ Sơn không lưu nhiệm Thường ủy Bộ Chính trị nhưng cũng không hoàn toàn về hưu, ông Tập Cận Bình vẫn sẽ tạo ra một chức vụ mới cho ông Vương.
Giáo sư Lê An Hữu công tác tại Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, ông Tập Cận Bình có thể sẽ phá vỡ thông lệ để chuyển đổi chức vụ cho ông Vương Kỳ Sơn, đây cũng là bước trải thảm để giúp chính bản thân ông Tập được tiếp tục ở lại nhiệm kỳ thứ 3 trong tương lai. Ông Lê An Hữu cũng dự đoán ông Vương sẽ rời chức vụ tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, chuyển sang làm Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc.
Ngày 9/10, Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan cũng nhận định, ông Vương Kỳ Sơn có khả năng sẽ rời chức Thường ủy Bộ Chính trị để chuyển sang chức vụ khác, nhưng quyền lực có thể sẽ lớn hơn, tương đương với “vị thường ủy thứ 8” được nắm thực quyền.
Học giả Trương Lập Phàm nói với Đài phát thanh Đức (DW) rằng, Ủy ban Giám sát Quốc gia đang đợi thành lập có thể là một cơ quan ngang hàng với Quốc vụ viện, đây có thể sẽ là thỏa thuận ngầm với ông Vương Kỳ Sơn.
Hãng tin Reuters hôm 11/10 cho biết, ông Vương Kỳ Sơn 69 tuổi chưa biết có lưu nhiệm làm Thường ủy hay không, tuy nhiên ông sẽ tiếp tục lưu nhiệm trong tầng hạt nhân quyền lực của ĐCSTQ, có thể tiếp nhậm 1 trong 4 chức vụ: phó chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, phó chủ tịch ĐCSTQ, thủ tướng Quốc vụ viện, chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia.
Ngày 13/10, Hãng thông tấn trung ương Đài Loan dẫn lời giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đông Dương, Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho biết, vấn đề ông Vương Kỳ Sơn có lưu nhiệm hay không cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ toàn thắng, đại thắng hay là đã có thỏa hiệp tại Đại hội 19. Ông Vương Kỳ Sơn có lưu nhiệm Thường ủy hay không cũng đã trở thành vấn đề khó đối với ông Tập Cận Bình. Nếu ông Vương về hưu, điều này cho thấy ông Tập đã có sự nhượng bộ.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Vương Kỳ Sơn Đại hội 19 CCDI