Truyền thông Thụy Sĩ: Tập Cận Bình thử thách giới hạn chịu đựng của giới trung lưu TQ
- Vương Quân
- •
Một bài bình luận gần đây trên tờ Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sĩ) đã chỉ ra, từ lâu ở Trung Quốc đã có “thỏa thuận ngầm” bất thành văn trong giới nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu và người dân, rằng chỉ cần chính phủ để cho người dân tự do kinh tế để làm giàu, thì người dân cũng từ bỏ quyền tham gia chính trị. Tuy nhiên, dưới cai trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, “thỏa thuận ngầm” này dường như đã bị xé bỏ…
Trong bài viết có tựa đề “Tập Cận Bình phải cẩn thận đánh mất lòng tin của tầng lớp trung lưu”, tờ Neue Zürcher Zeitung chỉ ra rằng người dân Trung Quốc đã quen chịu nhẫn nhục trước gian khổ vất vả, nhưng điều đó không có nghĩa chấp nhận bất chấp giới hạn. Chẳng hạn như tháng 11 năm ngoái, giới trẻ ở nhiều thành phố Trung Quốc đã xuống đường bày tỏ sự bất bình với chính sách chống dịch COVID-19 của chính quyền – một minh chứng thấy rõ. Hiện nay, nếu chính quyền Bắc Kinh không thể thực hiện các biện pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế thì sự bất mãn của công chúng cũng sẽ có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Bài viết cho rằng đường lối chính trị với ý thức hệ [cộng sản + chủ nghĩa dân tộc cực đoan] làm trung tâm của ông Tập Cận Bình, là rất khó mang lại cho người dân Trung Quốc một tương lai tương sáng. Ví dụ: ông Tập từng kêu gọi thế hệ trẻ có học thức hãy noi theo bản thân ông vào thời Mao Trạch Đông, sẵn sàng về nông thôn làm lụng vất vả, một yêu cầu như vậy trong thời nay là vô cùng bi hài. Thực tế vấn nạn hàng triệu thanh niên Trung Quốc lâm cảnh điêu đứng vì thất nghiệp có nguyên nhân chính là do ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chỉnh đốn các ngành công nghệ cao, Internet và giáo dục đào tạo.
Vào tháng 8 năm nay, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng lại một bài phát biểu từ hồi vào tháng Hai của ông Tập, có thể giúp thế giới bên ngoài hiểu được tư duy chính trị của ông. Trong bài phát biểu, ông Tập cảnh báo không nên đi theo mô hình tăng trưởng kinh tế phương Tây, phản đối cái gọi là “xu thế tư bản bành trướng tùy tiện”. Ông Tập cũng giải thích chi tiết rằng “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” không chỉ cần thịnh vượng vật chất mà còn cần “thịnh vượng tinh thần và độc lập tự chủ về văn hóa và tư tưởng”; nghĩa là chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc và chỉ Tập Cận Bình mới có thể quyết định người dân Trung Quốc có thể tích lũy của cải ở mức độ nào và họ nên tích lũy loại tài sản nào.
Bài bình luận cho hay, nếu Trung Quốc muốn cải thiện hơn nữa mức độ giàu có của mình, thì nước này cần giảm thiểu xu thế kiểm soát của nhà nước, chứ không phải là tăng cường như cách làm của ông Tập; chỉ khi chính trị biết giữ khoảng cách phù hợp với kinh tế thì sức mạnh của thị trường mới thực sự được giải phóng; cũng chỉ có cách đó thì xu thế bất mãn của tầng lớp trung lưu gây nguy cơ diễn biến thành làn sóng phản kháng và bất ổn xã hội mới thực sự giảm bớt.
“Thịnh vượng chung” và thanh niên thất nghiệp
Một bài nhận định khác trên tờ Nikkei (Nhật Bản) chỉ ra, trong 3 năm ông Tập Cận Bình thúc đẩy chính sách ‘Zero COVID’ chống dịch bệnh, đã gây làn sóng mất việc làm (hoặc giảm lương) trong nhiều lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, giải trí…, nhưng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào tháng 1 năm nay, thì tiền lương của họ vẫn không được tăng trở lại. Trong khi đó, giai đoạn này, những người giàu có ở thành thị với tài sản lớn vẫn tiếp tục tích lũy được thêm tài sản, việc hạn chế đi lại và các biện pháp phong tỏa cũng khiến họ giảm chi tiêu và khiến tài sản của họ tăng lên khi lãi suất tăng.
Mặc dù các hạn chế phòng chống dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ, nhưng trong năm nay tốc độ phục hồi kinh tế và tăng trưởng thu nhập của Trung Quốc vẫn trì trệ, còn chính quyền địa phương các nơi phải đối mặt với gánh nặng tài chính rất lớn khi cố gắng hỗ trợ những người gặp khó khăn. “Thịnh vượng chung” vốn dĩ là một trong những khẩu hiệu chính trị nòng cốt của ông Tập Cận Bình, giờ đây do nổ bong bóng thị trường nhà đất và suy thoái kinh tế Trung Quốc, khiến khẩu hiệu này dường như đã trở thành một mục tiêu không thể đạt được.
Bài viết dẫn dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, khoảng cách thu nhập ở các khu vực thành thị của Trung Quốc bắt đầu trở nên tồi tệ hơn vào năm 2015. Năm đó 20% hộ gia đình thu nhập cao nhất cao hơn 5,3 lần của 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất. Còn dữ liệu liên quan vào năm 2022 cho thấy, thu nhập của 20% hộ gia đình giàu nhất ở khu vực thành thị tăng 4,5% so với năm trước, trong khi thu nhập của 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ tăng 1,3%.
Vấn đề là khoảng cách thu nhập của người giàu và người nghèo tại Trung Quốc nới rộng nhanh hơn nhiều ở các nước khác. Theo báo cáo của Tập đoàn UBS và công ty con Credit Suisse, 1% dân số giàu nhất Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 31% tài sản của toàn Trung Quốc, mặc dù tỷ lệ này thấp hơn Ấn Độ và Mỹ nhưng quy mô mức gia tăng là đứng đầu trong xem xét tình hình gia tăng chênh lệch giàu/nghèo của 14 nền kinh tế, theo đó cho thấy tỷ trọng tài sản 1% hộ gia đình giàu nhất ở 11 nước đã giảm đi [trong khi ở Trung Quốc thì tăng lên].
Tờ Bloomberg dẫn ý kiến của ông Liu Yuanchun – Hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cảnh báo vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc có thể tiếp tục kéo dài thêm 10 năm nữa, tình hình này sẽ tiếp tục trầm trọng hơn trong ngắn hạn, nếu không xử lý tốt có khả năng gây khủng hoảng chính trị.
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc (từ 16 – 24 tuổi) đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 5 năm nay là 20,8%. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong bối cảnh một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp vào thị trường việc làm kiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gặp thách thức lớn, không dễ để tìm ra giải pháp tốt. Bức tranh này thêm u ám trước con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học rời trường vào tháng 6 năm nay, theo ước tính của Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Từ khóa Tập Cận Bình Dòng sự kiện