Vấn đề 2 quốc tịch ở Trung Quốc: Cấm nhưng vẫn rất phổ biến
- Trí Đạt
- •
Gần đây trên mạng internet lan truyền một đoạn video do cảnh sát mạng tại thị trấn Hạc Cương tỉnh Hắc Long Giang đăng tải, tuyên bố rằng Trung Quốc không thừa nhận hai quốc tịch, trong đó có nhiều minh tinh đang nổi bị điểm danh. Tuy nhiên, hai quốc tịch ở Trung Quốc lại phổ biến trong giới chính trị và thương nhân, vì sao lúc này chính quyền mới “khêu gợi” vấn đề này ra?
Cảnh sát mạng đả kích hai quốc tịch, nhiều minh tinh có tên trong danh sách
Đài Á châu Tự do đưa tin, ngày 5/12 trên mạng internet tại Trung Quốc Đại Lục, một video được lan truyền rộng rãi do cảnh sát mạng tại thành phố Hạc Cương tỉnh Hắc Long Giang công bố, nội dung là “Trung Quốc không thừa nhận hai quốc tịch”, nói rằng đã từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, thì cấm sử dụng hộ chiếu Trung Quốc.
Trong video có ghép ảnh của những minh tinh Lý Liên Kiệt, Ngô Diệc Phàm, Lưu Diệc Phi, đồng thời cho biết đối với những người hai quốc tịch vi phạm quy định không gạch bỏ hộ chiếu Trung Quốc, Đại sứ quán sẽ hủy bỏ giấy tờ chứng nhận liên quan của họ, người vi phạm nghiêm trọng sẽ bị từ chối nhập cảnh Trung Quốc.
Dòng chữ chú thích trong video có ghi “Kiên quyết một người một quốc tịch, không cho phép bất cứ công dân Trung Quốc nào có hai quốc tịch! Đồng thời cũng không cưỡng chế hoặc làm trái với ý nguyện của bản thân về vấn đề lựa chọn quốc tịch.”
Tài liệu công khai cho thấy, nữ minh tinh Lưu Diệc Phi có quốc tịch Mỹ, nam minh tinh Ngô Diệc Phàm có quốc tịch Canada, còn ngôi sao điện ảnh võ thuật Lý Liên Kiệt có quốc tịch Singapore.
Theo Điều 3 Luật Quốc tịch Trung Quốc năm 1980 quy định, “Không thừa nhận công dân Trung Quốc có 2 quốc tịch”; Điều 9 quy định, công dân Trung Quốc định cư nước ngoài, tự nguyện nhập tịch hoặc có được quốc tịch nước ngoài thì tự động mất quốc tịch Trung Quốc.
Hiện tượng 2 quốc tịch rất phổ biến trong giới chính trị thương nhân Trung Quốc
Giảng viên cấp cao khoa Báo chí Đại học Tẩm Hội Hồng Kông (Hong Kong Baptist University), phóng viên kỳ cựu về tin tức Trung Quốc Lã Bỉnh Quyền trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do cho biết, tại Trung Quốc hai quốc tịch thực ra là một hiện tượng vô cùng phổ biến, dù là trong giới giải trí, giới chính trị, hay giới thương nhân, bất cứ ai có tiền, có quyền và có năng lực rời Trung Quốc, lấy được hộ chiếu nước ngoài thì đều ra nước ngoài “mua bảo hiểm”, đằng sau hiện tượng này cho thấy mọi người không có lòng tin đối với chế độ và sự đảm bảo của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ), nó cũng phản ánh rằng tài sản của nhiều người có khả năng có vấn đề.
Quan trường Trung Quốc lâu nay có từ gọi là “lõa quan”, tức là chỉ quan chức có vợ/chồng và con cái đều định cư ở nước ngoài. Mặc dù quan chức cấp cao bản thân họ chưa hẳn có hai quốc tịch, nhưng họ sẽ đưa người nhà ra nước ngoài du học hoặc định cư, mượn việc đó để đem tài sản tham ô chuyển ra bên ngoài Trung Quốc. Còn kỳ lưỡng hội (Đại hội đại biểu Nhân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc) hằng năm bị gọi đùa là “Cuộc họp của phụ huynh có con em du học ở Âu – Mỹ” hoặc “Đại hội doanh nhân Úc – Mỹ – Canada”.
Tỉ phú Trung Quốc Tôn Tường – Đại biểu Nhân đại tỉnh Hà Bắc, năm nay bị vạch trần có hai quốc tịch gồm Trung Quốc và Liên bang Saint Kitts và Nevis. Sau khi bị tố cáo, ông ta đã bị miễn nhiệm chức vụ Đại biểu Nhân đại tỉnh Hà Bắc.
Còn vấn đề quốc tịch của Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty thiết bị viễn thông Huawei Mạnh Vãn Châu, cũng từng gây sóng gió ngoại giao. Bà Mạnh từng bị cáo buộc có nhiều hộ chiếu, bao gồm cả hộ chiếu Canada. Khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về việc bà bị Canada bắt giữ, cũng vô cùng trận trọng về vấn đề vấn đề quốc tịch này, chỉ nói bà là “công dân Trung Quốc”.
Hai quốc tịch vì sao lại đột nhiên bị khêu ra?
Vấn đề hai quốc tịch ở Trung Quốc vẫn tồn tại lâu nay, vì sao hiện nay mới đột nhiên bị khêu ra?
Phép thử?
Ông Lã Bỉnh Quyền cho biết, một cơ quan thực thi pháp luật địa phương khêu gợi vấn đề hai quốc tịch, có khả năng là chính quyền muốn mượn đó để làm phép thử.
Ông Lã Bỉnh Quyền nói, “Bởi vì vấn đề hai quốc tịch này rất sâu rộng, ngoài giới minh tinh ra, cũng có cả những người trong giới doanh nghiệp, thậm chí là người trong giới chính trị, người đương quyền, đằng sau họ cũng có vấn đề quốc tịch vô cùng to lớn, cho nên tôi cảm thấy điều này không thể nào đơn thuần là một hành vi cá nhân của cảnh sát mạng.”
Liên quan đến đấu đá nội bộ?
Ông Lã Bỉnh Quyền cho rằng: “Hiện tượng này tồn tại bấy lâu, nhưng vì sao đến lúc này mới đặc biệt khêu ra? Tôi cảm thấy có khả năng liên quan đến đấu đá quyền lực, bởi vì mọi người đều là nhóm lợi ích, đều có tình huống liên quan với nhau; nhưng có một số người có khả năng đã an cư ở nước ngoài, không có vấn đề gì lớn, nhưng có một số người, có khả năng quá trình chuẩn bị ra định cư nước ngoài vẫn đang dây dưa không dứt, đương nhiên có một số có bị bắt thóp, điều này cũng không thể loại trừ.”
Cựu Giảng viên Ngô Cường thuộc khoa Chính trị Đại học Thanh Hoa cho rằng, một cảnh sát mạng ở một địa khu vắng vẻ lại đăng một bản tin tuyên truyền trên mạng internet, có khả năng chỉ là công an địa phương tự chủ trương làm, không hẳn là đại diện cho việc trung ương ý đồ tấn công vấn đề hai quốc tịch; nhưng ở một tầng diện khác mà xét, cảnh sát địa phương cũng là đang phối hợp với trung ương kích động tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc.
Địa phương phối hợp trung ương kích động chủ nghĩa dân tộc?
Ông Ngô Cường nói, “Quan chức địa phương đi vào dư luận và đời sống, sự thực là một loại hành vi mang tính hành chính có hiệu quả rất tiêu cực. Đương nhiên đối với chủ nghĩa dân tộc trong nước, bao gồm kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề đối với Hồng Kông, đối với quốc tế, công an và quan chức địa phương đều có mối liên hệ mật thiết.”
Ông nói, “Vậy thì có quan hệ thế nào đối với trung ương? Về điểm này thực tế có chút liên quan. Bởi vì thực tế trung ương đều duy trì công chức, đơn vị sự nghiệp, gồm cả công an, cùng tham gia vào cuộc chiến tuyên truyền trên truyền thông xã hội.”
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc Lưu Diệc Phi Hai quốc tịch Lý Liên Kiệt