Vì sao ông Tập Cận Bình “ẩn thân” suốt 7 ngày mới xuất hiện?
- Tuyết Mai
- •
Trong khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang nguy kịch hơn, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình bỗng nhiên “mất tích” kể từ ngày 28/1, mãi ngày 5/2 mới thấy xuất hiện trong bản tin của CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) khi ông Tập gặp Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đến thăm. Việc ông Tập “mất tích” suốt 7 ngày đã khiến công luận xuất hiện nhiều suy đoán.
Theo CCTV, khi ông Tập Cận Bình gặp ông Hun Sen tại Tòa thị chính Bắc Kinh vào ngày 5/2, đã cho biết ĐCSTQ áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh “triệt để và nghiêm ngặt nhất”, qua đó đã “đạt được kết quả tích cực”. Phát biểu này của ông Tập ngay trong thời điểm mà tình hình bùng phát của dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV) ở Vũ Hán Trung Quốc đã vượt khỏi tầm kiểm soát, đang tiếp tục lan rộng khắp Trung Quốc Đại Lục và cả trên thế giới, gây kinh động toàn cầu. Bất chấp số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Trung Quốc bị che giấu đến mức nghiêm trọng thì số liệu mà họ công bố trong một thời gian ngắn cũng đã vượt qua dịch SARS trước đây. Đến nay, chính quyền đã cho phong tỏa hơn 30 thành phố trên toàn Trung Quốc nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng.
Hiện nay hoạt động của nhiều nước ở Trung Quốc đã phải rút lui, nhưng theo CCTV, Hun Sen đã tuyên bố ủng hộ ĐCSTQ. Ngay từ ngày 27/1, mặc dù ở Campuchia đã xác nhận có một trường hợp nhiễm 2019-nCoV, nhưng ngày 30/1 Hun Sen vẫn cảnh cáo giới phóng viên và quan chức rằng sẽ đuổi cổ những ai đeo khẩu trang. Hoạt động hàng không giữa Campuchia và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Vào ngày 26/1, ĐCSTQ đã thành lập ban chỉ đạo trung ương về công tác dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới, đứng đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tuy nhiên, vào ngày 28/1, khi ông Tập Cận Bình gặp Tổng thư ký Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cho biết, về công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh “tôi luôn đích thân chỉ đạo, đích thân bố trí”.
Kể từ sau khi ông Tập gặp Tedros Adhanom vào ngày 28/1 thì trong 7 ngày liên tiếp sau đó đã không thấy ông xuất hiện công khai, không có hình ảnh nào về hoạt động của ông trong bản tin của CCTV. Nhưng trong suốt tuần qua, không chỉ ông Tập mà là toàn bộ Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đều “ẩn thân”, vì thế đã kéo theo những đồn đoán về tình hình chính trị.
Theo CCTV, trong giai đoạn này, vào ngày 03/2, ông Tập đã chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị để bàn bạc về công việc phòng chống dịch bệnh viêm phổi; vào chiều ngày 05/2, ông Tập cũng chủ trì Hội nghị lần thứ ba của Ủy ban Pháp luật Trung ương, nhưng việc đưa tin hoạt động này chỉ tuyên bố bằng lời đọc mà không có hình ảnh liên quan.
Theo nguồn tin do truyền hình Tân Đường Nhân NTDTV (của nhóm người Hoa tại Mỹ), trong số 7 thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, ngoại trừ hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chỉ được nhắc đến trong các chương trình phát sóng mà không có hình ảnh hoạt động cụ thể; các nhân vật còn lại gồm Lật Chiến Thư, Hàn Chính, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, và Triệu Lạc Tế đã hoàn toàn vắng bóng suốt hơn 10 ngày trên các tổ chức truyền thông lớn của ĐCSTQ.
Có tin đồn rằng có thể là do ảnh hưởng của virus khiến giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ buộc phải cách ly lẫn nhau. Cũng có phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền, hiện nay không chỉ có vấn đề dịch bệnh mà nghiêm trọng nữa là vấn đề ngăn chặn đảo chính từ nội bộ, các thành viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị như Hàn Chính có thể bị phe Tập Cận Bình giám sát chặt chẽ để ngăn chặn họ dùng tầm ảnh hưởng liên kết với thế lực chống lại ông Tập gây chính biến.
Còn theo một thông tin từ hãng tin BBC phiên bản tiếng Trung cho biết, có suy đoán rằng vì tình hình dịch bệnh nên Trung Nam Hải phải tổ chức làm việc từ xa, chỉ tổ chức hội nghị trực tuyến. Thông tin cũng cho biết, Thủ tướng Lý Khắc Cường trong vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống Dịch bệnh, vào ngày 27/1 đã đi đến Vũ Hán để kiểm tra dịch bệnh viêm phổi, thăm hỏi người bị bệnh và nhân viên y tế. Trong hoạt động này giới truyền thông nhà nước cho biết ông Lý được ông Tập ủy nhiệm. Điều này khiến nhiều người tự hỏi tại sao Tập không đích thân đến Vũ Hán để xem xét tình hình?
Một bài trên The Guardian của Anh vào ngày 04/2 đã dẫn lời chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc cho biết, có lẽ ông Tập cố tình bố trí như vậy, bởi vì ông tập trung quyền lực cao độ, xem bản thân là hạt nhân của ĐCSTQ, nếu vì tình hình dịch bệnh mà xảy ra biến động chính trị thì nguy hiểm mà bản thân phải đối mặt càng lớn hơn. Bài viết dẫn lời giáo sư Vivienne Shue thuộc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford cho biết: “Nếu tình hình được cải thiện, ông ấy (Tập Cận Bình) có thể giành phần công lao là nhờ bản thân ông ấy; còn nếu tình hình xấu đi, ông ấy có thể quy trách nhiệm lên ông Lý Khắc Cường.”
Phóng viên của CNN, ông Griffiths đã phân tích chuyện ông Tập chọn cách “rút lui về hậu trường”, đảm bảo giữ khoảng cách với vụ việc, điều này hàm nghĩa khả năng sẽ có một số quan chức cấp cao chóp bu của ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cuối cùng về dịch bệnh Vũ Hán.
Theo truyền thông của ĐCSTQ, tại cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị diễn ra hôm 03/2, ông Tập Cận Bình cho biết rằng phòng chống dịch bệnh phải tuân thủ nguyên tắc “cả nước như một”, “kiên quyết tuân theo mệnh lệnh thống nhất của chính quyền trung ương”, ngoài truy cứu trách nhiệm còn phải trừng phạt theo pháp luật…
Tại cuộc họp này, ông Tập tiếp tục nhấn mạnh đến việc tập trung thống nhất trong lãnh đạo và tuân thủ chỉ đạo của Đảng, bị nghi ngờ có liên quan đến những tin đồn gần đây về mâu thuẫn giữa ông và ông Lý Khắc Cường.
Liberty Times (Thời báo Tự do) Đài Loan dẫn nguồn tin cho biết, vào ngày đầu tiên của năm mới, ĐCSTQ có động thái khẩn cấp hiếm thấy khi tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị để thảo luận về các vấn đề dịch bệnh Vũ Hán. Buổi họp đã đặc biệt căng thẳng vì vấn đề xử lý dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, làm toàn bộ tình hình hoạt động phòng chống dịch bệnh rối loạn, hai nhân vật đứng đầu đại diện hai phe là ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường đã nổ ra tranh cãi gay gắt mà chưa thể thống nhất quan điểm.
Ngoài ra, trong hoạt động chống dịch này còn kéo theo thực trạng chống lệnh trung ương của giới quan chức địa phương, được cho là biểu hiện hiếm thấy trong quan trường ĐCSTQ.
Cho đến nay, đối tượng mà đông đảo người dân Trung Quốc đặc biệt bất bình và tức giận là giới quan chức địa phương ở Vũ Hán, đặc biệt là Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang). Ông này bị chỉ trích thậm tệ vì vào đầu đợt bùng phát đã che giấu dịch bệnh.
Nhưng trong lần trả lời phỏng vấn của CCTV vào ngày 27/1, ông Chu Tiên Vượng thẳng thắn thừa nhận ông không lập tức thông báo tình hình dịch bệnh “vì đó là bệnh truyền nhiễm, phải theo luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phải tiết lộ thông tin theo pháp luật. Là chính quyền địa phương, sau khi tôi biết thông tin và được trao quyền thì mới được tiết lộ”. Ông Chu cũng tuyên bố “muốn từ chức để tạ lỗi”.
CNA (Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan) dẫn lời chuyên gia phân tích cho biết, ông Chu Tiên Vượng ngụ ý rằng tất cả các quyết định chính trị địa phương cần phải có sự chấp thuận của chính quyền trung ương, khiến không thể hành động nhanh chóng.
Trong trả lời phỏng vấn của CNA, nhà bình luận Ngô Phàm (Wu Fan), chủ biên trang web “Vấn đề Trung Quốc” cho biết: “Thị trưởng Vũ Hán đã công khai tuyên bố chính quyền trung ương phải chịu trách nhiệm, vì chính họ là nguyên nhân gây cản trở hoạt động đưa tin kịp thời… Thị trưởng này đã đi đầu trong việc chống lại chính quyền trung ương. Vấn đề này phải giải quyết thế nào? Tôi nghĩ rằng sẽ xảy ra hỗn loạn lớn trong ĐCSTQ”.
Tuyết Mai
Từ khóa Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV Tập Cận Bình