Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, các hành động quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Đài Loan đã diễn ra liên tục. Liệu những động thái đe dọa này có tiếp tục sau Đại hội ĐCSTQ lần 20 không là vấn đề được giới quan sát chú ý, vì xu thế phổ biến phân tích ông Tập Cận Bình không thể phát động tấn công Đài Loan trước Đại hội này.

p3192503a78450666
Phòng Công tác Chính trị của Quân khu Phúc Kiến đã đăng một đoạn video về cuộc diễn tập của quân đội ĐCSTQ. (Nguồn: Weibo của Phòng Công tác Chính trị Quân khu Phúc Kiến).

Theo Đài Á châu Tự do (RFA), tổ chức tư vấn Viện Đài Loan Toàn cầu (Global Taiwan Institute) có trụ sở tại Washington đã tổ chức một cuộc hội thảo vào ngày 24/8 để thảo luận về những tác động chính trị đằng sau các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ nhắm vào Đài Loan và xu hướng của tình hình eo biển Đài Loan sau Đại hội 20 của ĐCSTQ.

Giáo sư Ding Shu-Fan tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Chính trị Đài Loan phân tích rằng ông Tập Cận Bình luôn muốn kiểm tra hiệu quả của cải cách quân đội vào năm 2016 mà ông ta thúc đẩy. Các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ nhắm vào Đài Loan là theo kế hoạch trước, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi chỉ là cái cớ để ĐCSTQ tập trận, nếu không có kế hoạch trước thì không thể hoàn thành đợt điều động quân sự lớn như vậy trong một thời gian ngắn.

Ông Ding Shu-Fan cho rằng việc ĐCSTQ lựa chọn địa điểm tập trận cũng có ý nghĩa chiến lược, cuộc tập trận ở phía bắc Đài Loan là nhằm diễn tập phong tỏa cảng Keelung cùng răn đe Nhật Bản không nên cùng Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan, cuộc tập trận ở phía đông Đài Loan là cuộc diễn tập về việc phong tỏa cảng Cao Hùng và eo biển Đài Loan chống lại thâm nhập của quân đội Mỹ.

Đề cập đến động cơ chính trị đằng sau các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ, học giả Michael Cunningham tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản (Heritage Foundation) ở Washington cho biết: “Ông Tập Cận Bình muốn củng cố quyền lực, ngoài ra ĐCSTQ cũng luôn coi vấn đề Đài Loan là nguy cơ sinh tồn cho hệ thống quyền lực của họ. Nhiều người Trung Quốc vẫn cảm thấy ĐCSTQ phản ứng chưa đủ cứng rắn đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi nên vấn đề tăng cường diễu võ quân sự cũng là nhằm trấn an trong đối nội”.

Ông Cunningham nói rằng mục tiêu ngắn hạn của ĐCSTQ không phải là thôn tính Đài Loan bằng vũ lực, mà là ngăn Đài Loan hoàn toàn tách rời. ĐCSTQ không thể chắc có thể đánh bại được liên quân Mỹ – Nhật ở giai đoạn này, nên dù có muốn thống nhất Đài Loan thì đó cũng chỉ là vấn đề của tương lai.

Chuyên gia Sun Yun phụ trách vấn đề Trung Quốc tại tổ chức tư vấn của Washington là Trung tâm Stimson, chỉ ra rằng bà Pelosi thực sự đã chọn một thời điểm rất tốt để đến thăm Đài Loan, vì ông Tập Cận Bình không thể phát động chiến tranh trước Đại hội 20 gây nguy cơ cho khả năng tại nhiệm của ông ta tại kỳ đại hội này.

Chuyên gia Sun Yun đánh giá rằng trong vòng 3 – 6 tháng kể từ khi nhậm chức Chủ tịch nước [sau Đại hội 20] thì ông Tập Cận Bình cần duy trì ổn định tại eo biển Đài Loan nhằm tránh xu thế ồn ào quốc tế cũng như làn sóng trong nước tăng thêm áp lực trong vấn đề ông Tập duy trì quyền lực nhiệm kỳ 3.

Nhưng bà cũng cho rằng sau khi quyền lực của ông Tập được ổn định sau tái nhiệm thành công thì eo biển Đài Loan sẽ trở nên bất ổn hơn: “Trong tương lai, vấn đề eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục nóng lên cho đến khi Mỹ và Trung Quốc nhận thấy…đã đến giới hạn để bàn”.

Theo nguồn tin, các học giả trong cuộc hội thảo cảnh báo ĐCSTQ nên xử lý vấn đề Đài Loan một cách hợp lý để không tự đi vào ngõ cụt. Nếu Bắc Kinh tiếp tục sử dụng Đài Loan để kích động chủ nghĩa dân tộc, một khi “lằn ranh đỏ” mơ hồ không còn giữ được thì ĐCSTQ sẽ “có hành động” để củng cố quyền lợi và bình ổn tình hình trong nước. Nhưng thực tế sức mạnh quân sự của ĐCSTQ hiện nay để đánh bại được liên quân Mỹ – Nhật là không thể chắc nên nếu không cẩn trọng họ sẽ tự đưa bản thân rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.