Vợ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ đệ đơn xin tị nạn chính trị tại Pháp
- Huệ Anh
- •
Mới đây, bà Grace Meng, vợ của ông Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei) – cựu Chủ tịch Interpol, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã đệ đơn xin tị nạn chính trị lên chính phủ Pháp. Tuy nhiên, truyền thông Pháp đưa tin cho rằng, ông Mạnh Hồng Vĩ không có khả năng sẽ bị án tử hình, do đó yêu cầu tị nạn của vợ ông có thể bị từ chối.
Bà Grace Meng, vợ của cựu Chủ tịch Interpol, trong buổi họp báo ngày 7/10/2018 tại Lyon (Ảnh từ Getty Images)
Bà Grace Meng, vợ của ông Mạnh Hồng Vĩ (cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế bị Bắc Kinh bắt giữ hồi cuối tháng 9/2018) đã trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) và tờ Libération tại Pháp, bà cho biết, từ đầu tháng 10/2018 đến nay bà vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào của chồng hay của người nhà tại Trung Quốc. Bà lo lắng về an toàn của mình và 2 người con trai 7 tuổi.
Bà nói với truyền thông Pháp rằng, đầu tháng 10 năm ngoái (2018), từng có 2 thương nhân Trung Quốc đến nhà bà (tại Pháp), nói rằng muốn một chuyên gia về kinh tế như bà chỉ bảo về đầu tư, đồng thời mời bà ngồi máy bay riêng đến Tiệp Khắc, tuy nhiên bà đã từ chối. Bà cho rằng ý đồ của họ là muốn bắt cóc bà, sau đó bà đã tìm đến sự bảo vệ của cảnh sát Pháp.
Bà Grace Meng còn nói, cuối tháng 10 năm ngoái, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Lyon (Pháp) nói ông Mạnh Hồng Vĩ đã viết một bức thư cho bà, nhưng họ kiên quyết yêu cầu bà đích thân đến nhận. Bà yêu cầu họ chuyển bức thư cho cảnh sát Pháp, hoặc bà đi cùng cảnh sát Pháp đến lấy, nhưng sau đó phía Lãnh sự quán không trả lời yêu cầu của này.
Đồng thời, bà cũng cho biết bà đã nhận được “cuộc điện thoại kỳ quái”, còn có một cặp vợ chồng người Trung Quốc đi theo bà với ý đồ thu thập các thông tin liên quan đến bà.
Trong cuộc phỏng vấn, và Grace Meng cho biết, chồng bà đã đến Stockholm (Thụy Điển) theo bố trí công tác của Interpol, sau đó quá cảnh tại Bắc Kinh đến Iran. Bà cho biết chồng bà làm việc vô cùng chăm chỉ, một năm có ít nhất 200 ngày đi công tác.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Interpl Jürgen Stock lại nói với truyền thông Pháp rằng, chuyến đi Iran không thuộc phạm vi công tác của Interpol. Trên thực tế, đối với chức vụ Chủ tịch Interpol, trong 1 năm chỉ tham gia 3 lần hội nghị được tổ chức tại Lyon, ông Mạnh Hồng Vĩ cũng không cần phải chuyển cả gia đình đến Lyon vì nhậm chức tại Interpol. Việc lựa chọn cư trú tại Lyon hoàn toàn xuất phát từ cân nhắc của cá nhân ông Mạnh Hồng Vĩ hoặc yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.
Cảnh sát Pháp cho biết, phía cảnh sát Bắc Kinh đang gây áp lực, liên tiếp yêu cầu Pháp coi bà Grace Meng là nhân chứng để trục xuất về Bắc Kinh. Tuy nhiên, Pháp chỉ trả lời rằng cần phải đợi cơ quan Tư pháp nước này có được kết luận điều tra, sau đó mới đưa ra quyết định.
Tháng 11/2018, chính quyền Trung Quốc công bố thông tin cho biết ông Mạng Hồng Vĩ đang bị điều tra. Bà Grace Meng từng nói với truyền thông Pháp rằng, bà và cả chồng bà đều không có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, không giấu tài sản riêng. Bà cho rằng, ông Mạnh Hồng Vĩ bị bắt giữ vì nguyên nhân chính trị. Lần phỏng vấn này và vẫn quả quyết như vậy.
Đối với cảnh ngộ hiện nay của bà Grace Meng, tờ Libération nói, đến hiện nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa yêu cầu Pháp tiến hành bắt giữ bà, còn việc bà đệ trình đơn xin tị nạn chính trị rất có thể bị từ chối, nguyên nhân là ông Mạnh Hồng Vĩ không có quá nhiều khả năng bị án tử hình.
Ngày 18/1/2019, Bà Grace Meng đã chính thức đệ trình đơn tị nạn lên chính phủ Pháp. Luật sư đại diện của bà Grace Meng cũng đang yêu cầu Viện kiểm sát Lyon lập hồ sơ, điều tra ý đồ của người muốn bắt cóc bà.
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc người Pháp François Godement cho biết, vụ án Mạnh Hồng Vĩ có liên quan đến vấn đề trung thành với ông Tập Cận Bình. Một cựu quan chức trong cơ quan tình báo Pháp chia sẻ với tờ Libération cho biết, ông Mạnh Hồng Vĩ công tác nhiều năm trong cao tầng chính phủ Trung Quốc, nên chính phủ Trung Quốc hiểu rất rõ những gì ông ấy đã làm, nhưng vì sao Bắc Kinh lại cử một người có nhiều vết đen đi đảm nhận chức vụ quan trọng của tổ chức quốc tế? Giải thích duy nhất chính là hành vi của Mạnh Hồng Vĩ đã đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của chính quyền Trung Quốc.
Được biết, ông Mạnh Hồng Vĩ đã từng là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc trước khi giữ chức Chủ tịch Interpol. Ông Mạnh Hồng Vĩ được cho là có mối quan hệ mật thiết với cựu Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Chủ tịch Interpol interpol Mạnh Hồng Vĩ