Vợ luật sư Cao Trí Thịnh đòi tro cốt của chồng trước LSQ Trung Quốc
- Văn Lệ
- •
Đã hơn 1.144 ngày (hơn 3 năm) kể từ khi luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc, ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng) bị chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “cưỡng chế mất tích”. Ngày 19/4, vợ của luật sư Cao là bà Cảnh Hòa (Geng He), đã đến LSQ Trung Quốc ở San Francisco để phản đối việc ĐCSTQ bức hại chồng bà, đồng thời yêu cầu ĐCSTQ cho biết rõ nơi ở của luật sư Cao. Trước đó, bà Cảnh Hòa đã đăng trên Twitter bày tỏ nghi ngờ rằng chồng bà có thể đã chết vì bị ĐCSTQ bức hại.
Theo tin tức tổng hợp, trưa ngày 19/4, bà Cảnh Hòa và những người ủng hộ đã đến kháng nghị bên ngoài LSQ ĐCSTQ ở San Francisco. Nhóm kháng nghị đã giơ cao hình ảnh của luật sư Cao và các khẩu hiệu “Trả lại tro cốt của chồng tôi Cao Trí Thịnh”, “Tìm kiếm ông Cao Trí Thịnh”, “Ông Cao Trí Thịnh đang ở đâu”... , họ đã cùng nhau hô vang “Hãy thả ông Cao Trí Thịnh” bên ngoài LSQ.
Về sự kiện này, bà Cảnh Hòa nói trong một bài phát biểu, rằng luật sư Cao đã bị ĐCSTQ giam giữ và bức hại trong hơn mười năm. Trong những năm này, ông đã bị tra tấn hoặc bị biệt giam, kèm theo nhiều lần bị cưỡng bức mất tích, không có lấy một ngày tự do: “Đặc biệt trong khoảng ba năm trở lại đây, ông Cao Trí Thịnh, người vốn bị quản thúc tại gia ở Trung Quốc đột nhiên mất tích, giống như bốc hơi khỏi thế giới vậy.”
Bà Cảnh Hòa nói, “Có một dự cảm chẳng lành ngày càng mãnh liệt, ông Cao Trí Thịnh rất có thể đã bị bức hại đến chết. Nếu không, ông ấy nhất định sẽ tìm cách liên lạc với chúng tôi để báo tin bình an. Tôi hiểu ông ấy.” Bởi vì ĐCSTQ trước đây đã từng nhiều lần bắt cóc luật sư Cao, nhưng chưa lần nào lâu như lần này. Trong một thời gian dài, cảnh sát Bắc Kinh, Du Lâm và Giai Huyền đều lẩn tránh và từ chối giải thích về nơi ở của ông.
Trong bài phát biểu của mình, bà Cảnh Hòa cũng chia sẻ, bà đã từng ảo tưởng rằng một ngày nào đó sẽ được đoàn tụ với chồng, điều này đúng là quá ngây thơ và đánh giá thấp sự tà ác của ĐCSTQ. Bà hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ trả lại tro cốt của chồng, nếu không, bà sẽ xem LSQ ĐCSTQ là nghĩa địa của luật sư Cao trong tương lai.
Vào ngày 19/4, trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, bà Cảnh Hòa cho biết, “Ngày 20/4 là sinh nhật lần thứ 57 của ông Cao Trí Thịnh, nhưng vẫn chưa có tin tức gì về ông. Từ hồi đầu tháng Tư, cảnh sát Du Lâm, Thiểm Tây xác nhận rằng ông Cao Trí Thịnh đã ở trong tay họ, nhưng lại không cho gặp mặt hoặc gọi điện thoại, tôi nghĩ phải chăng họ đã bức hại ông Cao Trí Thịnh đến chết?”
Ngoài ra, thông tin gần đây về việc nhà hoạt động nhân quyền Quách Hồng Vĩ bị ĐCSTQ bức hại đến chết, cùng với việc chị gái của ông Cao Trí Thịnh cũng bị chính quyền bức bách nhảy xuống sông tự sát, tất cả mọi tình huống đều khiến bà càng nghi ngờ rằng ông Cao cũng đã chết vì bị ĐCSTQ bức hại. Bà Cảnh Hòa nói: “Tôi hôm nay bày tỏ yêu cầu, chính là hãy trả lại tro cốt của ông Cao Trí Thịnh, để gia đình chúng tôi đoàn tụ.”
Về các cân nhắc tiếp theo, bà Cảnh Hòa nói: “Hiện tại, ĐCSTQ không hề có động thái gì đáp lại, nếu vẫn không trả lời, thì tôi sẽ vẫn tiếp tục. Tôi nghĩ rằng ông Cao Trí Thịnh cũng là người yêu Trung Quốc nên có thể chôn ông ấy trên đất Trung Quốc. Đó cũng là một vinh quang. Từ bây giờ, tôi sẽ coi LSQ của ĐCSTQ ở San Francisco như nghĩa trang của ông Cao Trí Thịnh, vào mỗi tiết Thanh minh, tôi sẽ đến đó thờ cúng thắp nhang. ĐCSTQ phải cho tôi một lời giải thích, nhất định phải có một lời giải thích, sống phải thấy người, chết phải thấy thi thể.”
Bà Cảnh Hòa nói rằng gia đình của bà đã “tan cửa nát nhà”, “tuy nhiên, chỉ cần ngày nào còn sống, tôi sẽ còn kiên quyết tìm kiếm chồng tôi, ông Cao Trí Thịnh.”
Chủ tịch Phương Chính (Fang Zheng) của Quỹ Giáo dục Dân chủ Trung Quốc (Chinese Democracy Education Foundation) cũng có mặt để ủng hộ hoạt động kháng nghị, đã nói với Đài Á Châu Tự do rằng: “Chúng tôi có mặt tại LSQ Trung Quốc ở San Francisco hôm nay. Đây là nơi đại diện của Chính phủ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Chúng tôi ở đây để nói chuyện với Chính phủ Trung Quốc và ĐCSTQ, kêu gọi chính quyền Trung Quốc cho biết nơi ở của ông Cao Trí Thịnh.”
Ngoài ra, bà Lý Ái Kiệt (Li Aijie), vợ của tù nhân chính trị Tân Cương Trương Hải Đào (Zhang Haitao), người bị kết án nghiêm trọng 19 năm vì ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, cũng đến tham dự sự kiện này. Bà nói: “Chúng tôi có quyền biết tình trạng sống chết của ông Cao Trí Thịnh và ông Trương Hải Đào. Chúng tôi, sống phải thấy người, chết phải thấy thi thể.”
Nội dung Twitter: Toàn bài phát biểu của bà Cảnh Hòa, mỗi chữ đều là huyết lệ!
Trường hợp của luật sư Cao Trí Thịnh là rất điển hình. Một chính phủ tự xưng là thứ hai trên thế giới, một đảng muốn lãnh đạo toàn nhân loại, đã sử dụng những thủ đoạn bỉ ổi, tàn nhẫn như vậy đối với một luật sư tay không tấc sắt, (điều này) đã vạch trần sự yếu ớt và hèn mọn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là chưa từng có trong lịch sử.
Bài phát biểu của bà Cảnh Hòa khiến mọi người bật khóc. Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình bà mà còn là nỗi đau của cả đất nước Trung Quốc.
Luật sư Cao Trí Thịnh, 57 tuổi, được mệnh danh là “Lương tâm của Trung Quốc”, đã 3 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Kể từ năm 1996, ông đã đệ đơn kiện bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế. Trong một thời gian dài, ông đã xử lý nhiều vụ án dân quyền cho người dân, bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Thiên chúa giáo ngầm, nông dân cấp thấp và doanh nhân tư nhân nhiều lần tranh chấp với chính quyền. Từ năm 2004 đến năm 2005, về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, luật sư đã nhiều lần gửi thư cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ yêu cầu dừng cuộc bức hại, đồng thời ông cũng tham gia vào cuộc điều tra việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
Vào tháng 8/2006, ông Cao Trí Thịnh bị thu hồi giấy phép luật sư, bị bí mật bắt cóc và bị tra tấn trong 4 tháng. Đến tháng 12 cùng năm 2006, ông bị kết án 3 năm tù và 5 năm quản chế. Trong thời gian quản chế, luật sư Cao đã bị ĐCSTQ bí mật bắt cóc và tra tấn nhiều lần. Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã bức hại rất tàn nhẫn đối với luật sư Cao. Cho đến hôm nay, vẫn chưa có tin tức gì về ông.
Văn Lệ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Cao Trí Thịnh Dòng sự kiện luật sư nhân quyền